| Hotline: 0983.970.780

Nghị quyết 68 - Kiến tạo đường băng cho nông nghiệp cất cánh

[Bài 1]: Tư duy mới, thông điệp lớn

Chủ Nhật 06/07/2025 , 12:28 (GMT+7)

Chuyển từ vai trò ‘bổ trợ’ sang vai trò ‘động lực quan trọng nhất’, Nghị quyết 68-NQ/TW đánh dấu bước ngoặt trong tư duy phát triển kinh tế tư nhân.

Tư duy không ôm đồm, để doanh nghiệp tiến lên phía trước được thể chế hóa trong một Nghị quyết mang tầm chiến lược - Nghị quyết 68-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân. Nó không những thay đổi cách nhìn, mà còn trực tiếp mở đường cho hành động, với những cam kết có thể đo đếm được.

Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu tại Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai Nghị quyết 68. Ảnh: VGP.

Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu tại Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai Nghị quyết 68. Ảnh: VGP.

Bảy năm để thêm một chữ 'nhất'

Từng được nhắc đến nhiều lần, nhưng chỉ đến Nghị quyết 68-NQ/TW, khu vực kinh tế tư nhân mới thật sự được gọi đúng tên, đặt đúng vai, không chỉ bằng lời nói, mà bằng tầm nhìn chiến lược và hành động cụ thể.

Nhiều năm trước, Nghị quyết 10-NQ/TW đã xem khu vực tư nhân là “một trong những động lực quan trọng”. Nhưng chính cách định vị ấy lại vô tình khiến tư nhân bị hoà lẫn giữa các thành phần kinh tế, không đủ sức vươn lên dẫn dắt. Khi bước ra khỏi văn kiện để đi vào chính sách cụ thể, tinh thần cải cách ấy càng bị mài mòn, thậm chí rơi rụng trong quá trình xây dựng luật pháp và thể chế.

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, nguyên Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) từng nhận xét rằng, sau Nghị quyết 10-NQ/TW năm 2017, khu vực tư nhân vẫn thường bị xếp sau khu vực Nhà nước và đầu tư nước ngoài trong nhiều chương trình hành động. Những cam kết mạnh mẽ ban đầu đôi khi chỉ dừng lại ở ngôn ngữ động viên, chưa đủ để tạo ra một sự khẳng định thực chất.

Nghị quyết 68-NQ/TW đã chấm dứt sự “dè dặt” ấy. Cụm từ “một trong những động lực quan trọng” trong Nghị quyết 10-NQ/TW năm 2017 đã được chuyển thành “một trong những động lực quan trọng nhất” trong Nghị quyết 68-NQ/TW năm 2025.

Một từ “nhất” đã phản ánh bước ngoặt về tư duy. Nhưng quan trọng hơn, sự thay đổi này được cụ thể hóa bằng hành động: Đặt khu vực tư nhân vào trung tâm của chiến lược phát triển, với mục tiêu đến năm 2030 có trên 3 triệu doanh nghiệp, đóng góp 65-70% GDP, chiếm hơn 80% tổng đầu tư xã hội.

Thủ tướng Phạm Minh Chính đối thoại với doanh nghiệp sau khi Nghị quyết 68 ra đời. Ảnh: VGP.

Thủ tướng Phạm Minh Chính đối thoại với doanh nghiệp sau khi Nghị quyết 68 ra đời. Ảnh: VGP.

Tư nhân được xác định là một trong 3 trụ cột chính cùng với khu vực Nhà nước và kinh tế tập thể trong công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa, chuyển đổi xanh và phát triển bền vững. Từ vai trò bổ sung, khu vực tư nhân giờ đây được định vị là động lực trung tâm của nền kinh tế quốc dân.

Tuy nhiên, tư duy đổi mới chỉ có ý nghĩa khi được cụ thể hóa bằng hành động nhất quán: Là những thiết kế chính sách đặt niềm tin vào doanh nghiệp, không chỉ bằng khẩu hiệu, mà bằng cơ chế thực sự có thể bảo vệ và thúc đẩy.

Nghị quyết 68-NQ/TW là một thử thách với toàn bộ hệ thống. Nó đòi hỏi bộ máy thực thi đồng nhịp, một nền tảng pháp lý đủ mạnh và một tinh thần cải cách đi đến tận cùng. Một chữ “nhất” thêm vào so với Nghị quyết 10-NQ/TW không chỉ là thay đổi ngôn từ, mà là lời hứa chính trị rằng khu vực tư nhân sẽ được bước lên tuyến đầu, nếu cả hệ thống cùng chung một bước tiến.

Mở đường cho tư nhân vững bước

Chưa đầy một tuần sau khi Nghị quyết 68-NQ/TW ra đời, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chủ trì cuộc họp với các bộ, ngành và chỉ đạo Văn phòng Chính phủ hoàn tất hồ sơ trình Quốc hội một nghị quyết riêng về phát triển kinh tế tư nhân ngay trong kỳ họp tháng 5/2025. Một hành động thể hiện rõ tinh thần: “Nhận thức đúng, hành động quyết liệt, tổ chức thực hiện hiệu quả”.

Nghị quyết yêu cầu xây dựng một đạo luật riêng về kinh tế tư nhân, lần đầu tiên được nêu trong một nghị quyết của Trung ương. Đây không chỉ là bước điều chỉnh kỹ thuật pháp lý, mà là sự chuyển dịch nhận thức.

Luật pháp không chỉ là khung rào bảo vệ, mà phải là lời hứa chính trị với những người chấp nhận rủi ro để đổi lấy tăng trưởng. Doanh nghiệp tư nhân không thể đứng mãi trong vùng giao thoa giữa Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, Luật Cạnh tranh... Cần phải có một đạo luật thực sự đặt họ vào trung tâm của thiết kế chính sách, coi họ là chủ thể kiến tạo giá trị cần được nâng niu, gìn giữ.

Đông đảo doanh nghiệp bày tỏ sự phấn khởi với những đổi mới của Nghị quyết 68. Ảnh: VGP.

Đông đảo doanh nghiệp bày tỏ sự phấn khởi với những đổi mới của Nghị quyết 68. Ảnh: VGP.

Song hành với luật riêng, một vấn đề khác được đặt lên bàn nghị sự: Cải cách thủ tục hành chính. Một doanh nghiệp có thể mất đến 18 tháng để mở rộng nhà máy, chỉ vì các bước cấp đất, thẩm định, xin giấy phép kéo dài, chồng chéo. Thủ tướng đã yêu cầu tất cả các bộ, ngành, địa phương rà soát toàn bộ thủ tục ngay trong quý II/2025 theo 3 nguyên tắc: Nhanh nhất, đơn giản nhất, chi phí thấp nhất.

Đằng sau khẩu hiệu là một yêu cầu cụ thể: Số hóa toàn bộ quy trình xử lý, xây dựng hệ thống phản hồi thời gian thực, và công khai từng khâu xử lý để người dân, doanh nghiệp giám sát. Nếu được thực hiện nghiêm, cải cách thủ tục hành chính sẽ không chỉ là dọn dẹp bàn giấy, mà là tái thiết lại cách Chính phủ tương tác với công dân và doanh nghiệp, một cuộc chuyển hóa quy mô lớn từ “quản lý” sang “phục vụ”.

Ngay cả vùng trũng vốn ít được gọi tên, nhưng lại là nỗi bất an lớn với cộng đồng doanh nghiệp, đó là nguy cơ hình sự hóa các quan hệ dân sự, kinh tế, cũng được lãnh đạo Đảng, Nhà nước chỉ đạo xử lý thông thoáng. Cụ thể, nếu hành vi không có yếu tố trục lợi, việc xử lý nên ưu tiên theo hướng hành chính, dân sự - như lời Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu tại Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai Nghị quyết 66 và 68. Thủ tướng cũng yêu cầu các cơ quan tư pháp ban hành hướng dẫn thống nhất về xử lý vi phạm kinh tế, để doanh nghiệp yên tâm rằng luật pháp là chỗ dựa, không phải rào cản.

Hoàn thiện luật riêng về kinh tế tư nhân, cải cách thủ tục hành chính và bảo đảm an toàn pháp lý, tuy là những công việc mang tính kỹ thuật, nhưng ẩn sâu trong đó là một cuộc cải tổ tư duy: Từ quản lý sang kiến tạo; từ định hướng sang đồng hành; từ khẩu hiệu sang hành động.

Chuyển tâm thế sang đồng hành, phục vụ

Trước Nghị quyết 68-NQ/TW, chính sách thường đi theo mô hình “trên nghĩ, dưới làm”. Doanh nghiệp là đối tượng thụ hưởng, còn Nhà nước là chủ thể quyết định. Điều này tạo ra khoảng cách giữa tư duy và thực tiễn.

Nghị quyết 68-NQ/TW thay đổi căn bản: Từ “chỉ đạo” sang “đồng hành”, từ “quản lý” sang “kiến tạo”. Doanh nghiệp không còn là đối tượng điều chỉnh, mà là chủ thể kiến tạo chính sách. Chính phủ thiết lập các cơ chế lắng nghe như cổng pháp lý số, hội nghị đối thoại, lấy ý kiến thực tiễn ngay sau khi nghị quyết ban hành, nhằm kết nối hai chiều giữa cơ quan Nhà nước và cộng đồng doanh nghiệp.

Các kênh không chỉ cung cấp thông tin pháp luật, mà còn tiếp nhận phản ánh, đề xuất và các vướng mắc phát sinh từ thực tiễn. Đây là nỗ lực thiết lập một tiền lệ mới trong cách thiết kế văn bản quy phạm pháp luật: Chính sách không còn là chiếc áo may sẵn, mà là sản phẩm của quá trình đồng sáng tạo, phản biện và đồng hành.

Nghị quyết 68 được kỳ vọng giúp Việt Nam tăng cường thu hút dòng vốn đầu tư từ quốc tế. Ảnh: Đức Thanh.

Nghị quyết 68 được kỳ vọng giúp Việt Nam tăng cường thu hút dòng vốn đầu tư từ quốc tế. Ảnh: Đức Thanh.

Thủ tướng Phạm Minh Chính gọi đây là bước chuyển từ “tuyên bố” sang “cam kết”, với định hướng rõ ràng: Giao nhiệm vụ cụ thể cho tư nhân tham gia chương trình phát triển kinh tế - xã hội. Nhưng để cơ chế này vận hành thực chất, cần các kênh phản hồi đều đặn và sâu sắc, từ hiệp hội ngành hàng đến nền tảng dành riêng cho doanh nghiệp nhỏ, thay vì tổ chức những diễn đàn hoành tráng hay báo cáo dày dạn.

Đổi mới tư duy cũng nằm ở việc mở rộng không gian phát triển cho tư nhân. Thay vì chỉ hoạt động trong các lĩnh vực có tỷ suất lợi nhuận cao, rào cản thấp như bất động sản, thương mại, dịch vụ… Nhà nước sẽ tạo điều kiện để tư nhân đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao, công nghiệp chế biến sâu, kinh tế số, năng lượng tái tạo…, giúp họ bước ra khỏi vùng an toàn, dấn thân vào những lĩnh vực “khó nhưng đáng”.

Các bộ, ngành như Nông nghiệp và Môi trường, Công Thương, Tài chính… được yêu cầu công bố danh mục ngành ưu tiên, đồng thời hướng dẫn cụ thể về tiếp cận đất đai, tín dụng xanh, công nghệ sạch - những yếu tố cốt lõi giúp doanh nghiệp “đi được” và “đi xa”.

Không chỉ chính sách, Chính phủ còn quan tâm đến nguồn nhân lực phù hợp, thông qua những cam kết đầu tư trung tâm đào tạo nghề, kết nối trường đại học và doanh nghiệp để hình thành hệ sinh thái nhân lực gắn với thực tiễn.

Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh yêu cầu hoàn thiện thể chế, bảo vệ quyền tài sản và tạo môi trường đầu tư minh bạch. Chính phủ đồng thời cụ thể hóa bằng những chính sách thiết thực như: Phân bổ tối thiểu 20 ha đất trong khu công nghiệp hoặc 5% tổng quỹ đất hạ tầng cho doanh nghiệp công nghệ cao, khởi nghiệp sáng tạo; đa dạng hóa nguồn tín dụng, dành một phần vốn thương mại ưu tiên cho doanh nghiệp nhỏ và doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ.

Tư duy mới về phát triển tư nhân không chỉ là khẩu hiệu. Đó là một cam kết chính trị cụ thể, được thể hiện qua luật chơi minh bạch và chính sách đồng hành thiết thực. Khi được tiếp sức đúng lúc, doanh nghiệp tư nhân không chỉ là người xây nhà, mà có thể xây cả tương lai.

Cụm từ “một trong những động lực quan trọng” trong Nghị quyết 10-NQ/TW năm 2017 đã được chuyển thành “một trong những động lực quan trọng nhất” trong Nghị quyết 68-NQ/TW năm 2025. Một từ “nhất” đã phản ánh bước ngoặt về tư duy.

Xem thêm

Bình luận mới nhất