Với đặc trưng gắn bó chặt chẽ với người dân, nông nghiệp và địa phương, hợp tác xã (HTX) không chỉ tạo ra mô hình tổ chức sản xuất hiệu quả mà còn mở ra không gian liên kết kinh tế linh hoạt giữa các thành phần kinh tế tư nhân. Khi được tiếp cận nguồn lực, khoa học công nghệ và chính sách hỗ trợ đúng hướng, HTX sẽ trở thành "bệ phóng" cho hộ cá thể, doanh nghiệp nhỏ và vừa cùng phát triển. Từ nền tảng này, kinh tế tư nhân không chỉ được kích hoạt từ cơ sở, mà còn phát triển theo hướng bền vững.

Vùng Tây Nguyên có nhiều tiềm năng phát triển nông nghiệp quy mô hàng hóa lớn, nhưng các HTX tại đây còn thiếu vốn và nhân lực chất lượng. Ảnh: TL.
Trăn trở bài toán lực đẩy cho HTX
Thành lập năm 2023, giữa lúc thị trường còn nhiều biến động, HTX Cây giống Tây Nguyên, xã Hòa Thắng, TP Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) là một trong hàng nghìn HTX mới trên cả nước đang nỗ lực khẳng định vai trò trong nền kinh tế nông nghiệp hiện đại. Câu chuyện của HTX này cũng phản ánh rõ những rào cản phổ biến, đặc biệt là khi muốn mở rộng quy mô sản xuất, tiếp cận thị trường lớn hơn.
Ông Đoàn Văn Hiến – Giám đốc HTX Cây giống Tây Nguyên chia sẻ, dù nghề trồng cây giống đã hình thành tại địa phương hơn 20 năm nhưng người dân chủ yếu làm theo kinh nghiệm, thiếu định hướng rõ ràng về nhu cầu thị trường. Nhận thấy tiềm năng bị bỏ ngỏ, ông đã liên kết bà con, thành lập HTX, kêu gọi các thành viên góp vốn đầu tư xe tải, thiết bị vận chuyển, thuê đất xây dựng trụ sở. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất mà HTX gặp phải chính là vốn. Do chưa đáp ứng được đầy đủ các thủ tục để tiếp cận chính sách ưu đãi, HTX chưa thể vay ngân hàng nên chưa thể đầu tư máy móc hiện đại hay mở rộng quy mô một cách chuyên nghiệp
Không chỉ thiếu vốn, HTX còn thiếu cả nhân lực chất lượng. Các thành viên phần lớn là nông dân, kỹ năng quản lý còn yếu, khả năng ứng dụng công nghệ thông tin hay thương mại điện tử hầu như chưa có. HTX cũng chưa có điều kiện thu hút người trẻ có trình độ về làm việc. Mô hình sản xuất còn thủ công, việc quản lý chủ yếu dựa vào kinh nghiệm cá nhân. Trong bối cảnh nông nghiệp đang chuyển mình mạnh mẽ với yêu cầu cao hơn về năng suất, chất lượng và truy xuất nguồn gốc, những HTX như Cây giống Tây Nguyên đang rơi vào thế muốn lớn nhưng thiếu lực đẩy.

Bà Cao Xuân Thu Vân (phải) - Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam cho rằng HTX nông nghiệp, đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế tư nhân. Ảnh: VCA.
Theo bà Cao Xuân Thu Vân, Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam, tình trạng thiếu vốn, thiếu tài sản thế chấp, thiếu công nghệ và kỹ năng điều hành đang là rào cản lớn đối với hàng loạt HTX trên cả nước, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp. Điều đó khiến một số HTX dù tiềm năng nhưng vẫn giậm chân tại chỗ, chậm thích ứng với biến động thị trường, chưa phát huy được vai trò là mắt xích liên kết nông dân - doanh nghiệp - thị trường trong chuỗi giá trị nông sản.
Bà Vân cho rằng, nếu được tháo gỡ đúng điểm nghẽn, các HTX không chỉ phát triển theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại mà còn trở thành lực lượng nền tảng thúc đẩy kinh tế tư nhân. “HTX, đặc biệt là HTX nông nghiệp, đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế tư nhân. Mối liên kết chặt chẽ giữa HTX và doanh nghiệp là minh chứng rõ ràng nhất. Để mang lại phúc lợi cho nông dân, vai trò của HTX là cực kỳ cần thiết”, bà nhìn nhận.

TS Đặng Kim Sơn: HTX phải chuyển thành hạt nhân của mô hình kinh tế tập thể kiểu mới, nơi nông dân vừa là người làm, vừa là người chủ, vừa là người hưởng lợi. Ảnh: Tùng Đinh.
HTX là mắt xích không thể thiếu trong chuỗi giá trị
TS Đặng Kim Sơn, nguyên Viện trưởng Viện Chính sách, Chiến lược NN&PTNT (nay là Viện Chiến lược, Chính sách Nông nghiệp và Môi trường) cũng khẳng định, nông nghiệp đang phải đối mặt với một nghịch lý lớn. Dù được coi là trụ cột quốc gia, là thế mạnh chiến lược, những người làm nông, từ nông dân đến doanh nghiệp, lại đang chịu muôn vàn khó khăn về hạ tầng, logistics, thị trường và chính sách. Ông nhấn mạnh, “chúng ta kỳ vọng vào nông nghiệp như một cứu cánh trong nhiều thời điểm kinh tế khó khăn, nhưng thể chế hiện tại lại khiến doanh nghiệp nản lòng, người nông dân thiếu chỗ dựa".
Số lượng doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp hiện chỉ chiếm chưa đến 10% tổng số doanh nghiệp cả nước, dù khu vực này đóng góp khoảng 20% GDP. Hầu hết các hoạt động then chốt, từ vật tư đầu vào, dịch vụ kỹ thuật, chế biến cho đến xuất khẩu, đều do khu vực tư nhân đảm trách. Nhưng chính khu vực này lại gặp nhiều rào cản: Sản xuất nhỏ lẻ, thiếu liên kết, giá cả bấp bênh, công nghệ lạc hậu, trong khi những chính sách hỗ trợ vẫn ít khi đến được tay người nông dân hoặc chậm phát huy hiệu quả.
Muốn giải bài toán này, phải bắt đầu từ yếu tố tổ chức, mà HTX chính là mắt xích trung tâm. HTX cần được nhìn nhận không chỉ là công cụ của người nông dân mà là đơn vị kinh tế trung gian, giúp hình thành vùng nguyên liệu tập trung, đàm phán giá tốt hơn, tiếp cận chính sách dễ hơn và có tiếng nói trong chuỗi giá trị.
Từ sản xuất thuần nông, HTX phải chuyển thành hạt nhân của mô hình kinh tế tập thể kiểu mới, nơi nông dân vừa là người làm, vừa là người chủ, vừa là người hưởng lợi. Có như vậy mới tích tụ được đất đai, khai thác hiệu quả tài nguyên, đưa người nông dân vào những chuỗi giá trị đa tầng và đa lợi ích.

HTX nông nghiệp từng bước được xem là cấu phần quan trọng của nền kinh tế tư nhân ở nông thôn. Ảnh: HTX Vfresh Garden.
Việc thúc đẩy kinh tế tư nhân không thể chỉ dừng lại ở cải cách môi trường đầu tư cho các tập đoàn lớn, mà cần đi sâu hơn vào cơ sở, nơi các HTX đang giữ vai trò tổ chức lại sản xuất, hình thành thị trường nguyên liệu, làm nền tảng để khu vực nông nghiệp tư nhân có thể vươn lên hiện đại và hội nhập.
Không thể mãi trông chờ vào đầu tư nước ngoài để vực dậy nông nghiệp. Chính nội lực của khu vực nông thôn, được tổ chức lại một cách hiệu quả thông qua HTX, mới là nền tảng để chuyển từ sản xuất nhỏ lẻ sang mô hình doanh nghiệp, tiến tới doanh nghiệp lớn. Những nhà buôn vật tư, các thương lái hay trung gian phân phối cũng cần từng bước chuyển sang giao dịch qua HTX, để hình thành nên một hệ sinh thái sản xuất - phân phối - tiêu dùng theo hướng minh bạch, bền vững.
Để làm được điều này thể chế phải đi trước một bước. Cần phân cấp rõ cho khu vực kinh tế tư nhân, trong đó có HTX, để các tổ chức này thực sự có quyền sản xuất, có quyền kinh doanh, không còn lẫn lộn giữa quản lý nhà nước và chức năng thị trường. Các hiệp hội ngành hàng, các tổ chức HTX cũng cần được cải tổ nhanh chóng, cả về năng lực điều hành lẫn mô hình hoạt động.
Nghị quyết 68-NQ/TW của Bộ Chính trị đã mở ra một lối đi mới: Thúc đẩy khu vực kinh tế tư nhân thực sự trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế, trong đó HTX được xác định là một cấu phần không thể thiếu. Nếu HTX được trao đủ quyền lực, được hỗ trợ đúng hướng và trở thành đơn vị hạt nhân trong chiến lược phát triển nông nghiệp, thì không chỉ kinh tế tư nhân được tiếp thêm sức mạnh, mà cả nền nông nghiệp sẽ có cơ hội định hình lại trên nền tảng hiện đại, hội nhập và bền vững.