Để phát triển kinh tế tư nhân hãy bắt đầu từ nơi có nền tảng mạnh, có con người, có thị trường và có dư địa chính sách - đó là nông nghiệp.
Từ câu chuyện thành công đầu tay
Cách đây một thập kỷ, nếu ai đó nói rằng sữa Việt Nam có thể cạnh tranh trên sân chơi quốc tế, chắc không ít người sẽ nghĩ đó là một câu nói bông đùa. Vậy mà Tập đoàn TH đã chứng minh điều ngược lại.

Cánh đồng ngô của Tập đoàn TH tại tỉnh Nghệ An. Ảnh: Tùng Đinh.
Với tầm nhìn xa, họ đã không làm nông nghiệp theo kiểu "người nông dân có vốn", mà thực sự trở thành doanh nghiệp tư nhân theo tư duy chuỗi giá trị. Từ vùng nguyên liệu Nghệ An tới công nghệ tiêu chuẩn châu Âu, TH xây dựng một hệ sinh thái sữa bài bản và bền vững. Doanh thu trăm triệu USD chỉ là kết quả hữu hình, còn điều gây dấu ấn thật sự là họ đã thiết lập được một chuẩn mực mới cho doanh nghiệp nông nghiệp tư nhân.
Tập đoàn TH không chỉ thay đổi cách làm nông nghiệp, họ thay đổi cả cách người Việt nghĩ về nông nghiệp. Từ một lĩnh vực “lạc hậu, rủi ro”, nông nghiệp trở thành một ngành kinh doanh đòi hỏi tầm nhìn, kỷ luật và công nghệ. Ở nơi bị xem là vùng trũng, là cuộc chơi đầy rủi ro và thời tiết thất thường, nay đã trở thành minh chứng sống động rằng, nếu đầu tư bài bản và đi đến tận cùng chuỗi giá trị, tư nhân hoàn toàn có thể tạo ra chuẩn mực và dẫn dắt ngành hàng.
Sự vươn lên của kinh tế tư nhân không chỉ có riêng tại TH. Từ phía Nam, Tập đoàn Lộc Trời chứng minh khả năng hệ thống hóa và nhân rộng. Cả hai đang trả lời cho một câu hỏi then chốt: Tư nhân có thể làm nông nghiệp theo chuẩn quốc tế nếu có chuỗi, có thể chế và có niềm tin đầu tư lâu dài.
Lộc Trời là hình mẫu tiêu biểu cho tư nhân hóa toàn diện chuỗi giá trị, từ giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật đến bao tiêu và xuất khẩu gạo. Họ không bán nông sản, mà bán quy trình sản xuất có kiểm soát, có truy xuất nguồn gốc, có thương hiệu, điều mà các HTX và nông dân sản xuất truyền thống hay thương lái nhỏ lẻ khó lòng làm được.
Năm 2023, Tập đoàn Lộc Trời xuất khẩu gạo sang châu Âu với giá bán cao hơn trung bình thị trường 20-30% nhờ áp dụng tiêu chuẩn GlobalGAP và kiểm soát dư lượng ngay từ đầu vụ. Mô hình “nông dân là đối tác - doanh nghiệp là người dẫn đường” đã giúp nâng tầm giá trị nông nghiệp tư nhân và cũng là hướng đi khả thi để nhân rộng trong bối cảnh chúng ta đang triển khai Nghị quyết 68-NQ/TW.

Kỹ sư Tập đoàn Lộc Trời làm việc với nông dân trên đồng ruộng. Ảnh: Thanh Sơn.
Đến cơ hội lớn cho kinh tế tư nhân bứt phá
Trong 3 trụ cột lớn của nền kinh tế: Công nghiệp, dịch vụ, nông nghiệp, khu vực tư nhân hiện diện mạnh mẽ nhất ở lĩnh vực nông nghiệp cả về số lượng và tốc độ hình thành doanh nghiệp. Theo số liệu của Cục Thống kê (Bộ Tài chính), trong hơn 15.000 doanh nghiệp nông nghiệp đang hoạt động, có đến hơn 90% là doanh nghiệp tư nhân.
Nông nghiệp không chỉ là trụ cột đảm bảo an ninh lương thực quốc gia mà còn là nền tảng quan trọng để phát triển kinh tế tư nhân một cách bền vững. Với lợi thế về tài nguyên đất đai, khí hậu đa dạng và lực lượng lao động dồi dào, nông nghiệp tạo ra dư địa lớn cho các doanh nghiệp đầu tư vào chế biến sâu, logistics, thương mại nông sản và ứng dụng công nghệ cao.
Trước đây, tư nhân thường chỉ xem nông nghiệp là “vùng đất rủi ro” vì phụ thuộc quá nhiều vào thời tiết, thị trường và chính sách. Nhưng giờ đây, với độ mở ngày càng lớn của thị trường quốc tế, đặc biệt sau khi Việt Nam ký hàng loạt FTA thế hệ mới, nông nghiệp không chỉ là nơi xuất phát của lợi thế so sánh, mà còn là điểm đến của các cơ hội giá trị gia tăng.
Trong giai đoạn 2020-2024, nông sản Việt lập liên tiếp kỷ lục xuất khẩu; nông sản Việt Nam cũng đã thoát ra khỏi mác "nhiều nhưng rẻ". Những tấm gương từ TH, Lộc Trời là sự xác nhận rằng Việt Nam đã có đủ mảnh ghép để bắt đầu một chiến lược phát triển tư nhân từ nông nghiệp. Và Nghị quyết 68-NQ/TW sẽ tiếp thêm sức mạnh cho những đổi mới từ bên trong ngành nông nghiệp.
Với những quyết sách mới như miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong 3 năm đầu; Ưu tiên tham gia dự án mua sắm công; Dành quỹ đất cho thuê, giảm tối thiểu 30% tiền thuê đất tại địa phương; Ưu đãi trong hoạt động cho vay vốn để chuyển đổi xanh, xây dựng vườn ươm và hỗ trợ khởi nghiệp; cung cấp miễn phí phần mềm kế toán, dịch vụ tư vấn kế toán, thuế…
Nghị quyết 68-NQ/TW không phải bản định hướng chung chung, mà là cam kết rõ ràng về việc Nhà nước đồng hành cùng các doanh nghiệp nông nghiệp phát huy vai trò của kinh tế tư nhân.

Ông Hồ Xuân Hùng, Chủ tịch Tổng Hội Nông nghiệp & PTNT Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ NN-PTNT. Ảnh: Nhật Quang.
Ông Hồ Xuân Hùng, Chủ tịch Tổng Hội Nông nghiệp & PTNT Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ NN-PTNT (nay là Bộ Nông nghiệp và Môi trường) cho rằng, điểm đột phá lớn nhất chính là việc tạo hành lang thể chế để nông dân không chỉ tiếp cận tri thức và công nghệ, mà còn tự tin khởi nghiệp, thành lập doanh nghiệp, chủ động định hình mô hình sản xuất phù hợp với từng vùng sinh thái.
Theo ông, đây cũng là cơ hội để đội ngũ nhà khoa học “đi cùng dân”, biến nghiên cứu thành thực tiễn, một bước tiến dài để hiện thực hóa nền nông nghiệp hiện đại và bền vững.
Với cộng đồng doanh nghiệp, Nghị quyết không dừng ở cam kết, mà là động lực. Bà Nguyễn Thị Hằng, Tổng Giám đốc Tập đoàn Thủy sản Bồ Đề nhìn nhận, Nghị quyết sẽ tiếp thêm nhiên liệu cho những mô hình sản xuất gắn với nông dân, dựa vào sáng tạo và phù hợp với thực tiễn vùng nguyên liệu. Đây là một dấu mốc đặc biệt, bởi nó đặt khu vực tư nhân vào vị trí trung tâm của quá trình kiến tạo giá trị, đặc biệt trong nông nghiệp, nơi đổi mới cần bắt đầu từ gốc rễ.
Ở một góc nhìn rộng hơn, bà Đặng Huỳnh Ức My, Chủ tịch HĐQT TTC AgriS cho rằng, sự kết hợp giữa Nghị quyết 68-NQ/TW và Nghị quyết 57-NQ/TW về phát triển khoa học, công nghệ và chuyển đổi số chính là “đôi cánh” mới cho những doanh nghiệp nông nghiệp tiên phong.
Bà Hằng tin rằng một nền nông nghiệp đổi mới sáng tạo không thể lớn mạnh nếu thiếu hành lang thể chế ổn định và sự cộng hưởng giữa chính sách và thực tiễn sản xuất. Và đây chính là lúc để những hạt nhân như AgriS tiếp tục đồng hành cùng quốc gia trong hành trình phát triển xanh, bền vững, có chiều sâu.
Từ những trang trại sữa của TH ở Nghệ An, những cánh đồng lúa của Lộc Trời ở An Giang, đến những vùng cây ăn quả ở Tây Nguyên, Đông Nam bộ... Việt Nam đang có đầy đủ điều kiện để khởi đầu một chiến lược phát triển kinh tế tư nhân bài bản và bền vững. Tất cả đang chờ một “bàn tay dẫn dắt” để biến nông nghiệp thành sân chơi đẳng cấp, nơi tư nhân có thể lớn lên cùng quốc gia.