"Rót" hàng trăm tỷ để cứu biển
Từng được mệnh danh là một trong những bãi biển đẹp nhất châu Á, bãi biển Cửa Đại (Hội An Tây, Đà Nẵng) suốt nhiều năm qua đã phải “oằn mình” chống chọi với tình trạng xói lở nghiêm trọng. Bắt đầu từ năm 2014, hiện tượng nước biển xâm thực diễn ra ngày càng dữ dội, khiến một phần diện tích đất ven biển bị cuốn trôi, ảnh hưởng trực tiếp đến cảnh quan, đời sống người dân và ngành du lịch địa phương.
Theo Báo cáo đánh giá diễn biến đường bờ và xu thế bồi - xói khu vực Cửa Đại - Hội An, đăng trên Tạp chí Khí tượng Thủy văn, chỉ trong vòng 5 năm (2016–2021), khu vực này đã mất khoảng 112 ha đất. Giai đoạn 2016–2017, khoảng 36% chiều dài đường bờ trong khu vực nghiên cứu bị xói lở. Chỉ một năm sau đó, con số này đã tăng vọt lên đến 95%, phản ánh tốc độ xâm thực ngày càng nghiêm trọng.

Sau khi "rót" hàng trăm tỉ đồng, biển Cửa Đại đang dần hồi sinh. Ảnh: Lan Anh.
Trước tình hình đó, nhiều hội thảo và công trình nghiên cứu đã được tổ chức nhằm tìm giải pháp cứu biển Cửa Đại. Sau quá trình đánh giá kỹ lưỡng, phương án tối ưu được lựa chọn là xây dựng hệ thống đê ngầm giảm sóng kết hợp với đổ cát nuôi bãi. Giải pháp này nhằm khắc phục sự mất cân bằng cục bộ của đường bờ, đồng thời cải thiện dòng chuyển động cát tự nhiên. Việc định hướng tuyến luồng dọc bờ trái biển Cửa Đại được xem là giải pháp hỗ trợ dòng chảy đưa bùn cát trở lại phía Bắc, góp phần bồi đắp cho những khu vực đã bị xói lở trước đó.
Sự phối hợp giữa các giải pháp công trình và phi công trình đã mang lại tín hiệu tích cực. Những dải cát trắng mịn dần xuất hiện trở lại mang theo niềm vui và hy vọng cho chính quyền, người dân lẫn du khách. Dù chưa thể trở về trạng thái hoàn hảo như trước, nhưng sự phục hồi tích cực hiện tại đã cho thấy nỗ lực bền bỉ của cả cộng đồng trong việc cứu lấy bãi biển quý giá này.
Người dân phường Hội An Tây (Đà Nẵng) không giấu được niềm vui khi chứng kiến sự thay đổi từng ngày của bãi biển. Chị Lê Thị Yến, một hộ kinh doanh ven biển, xúc động nói: “Nhìn dải cát trắng phau mà tôi rơi nước mắt. Mười năm nay, sau mỗi mùa mưa bão, người dân chỉ biết xót xa khi chứng kiến biển lấn sâu vào đất liền. Đã có lúc tôi nghĩ sẽ không còn bãi biển để mở cửa buôn bán trở lại. Nhưng giờ, thấy bờ biển đang dần phục hồi, ai cũng vui và hy vọng du khách sẽ quay lại đông hơn".
Để tiếp nối thành quả đó, Quảng Nam (cũ) đã triển khai “Dự án chống xói lở và bảo vệ bền vững bờ biển Hội An” với nguồn vốn vay từ Cơ quan Phát triển Pháp (AFD). Dự án dự kiến hoàn thành vào năm 2026, không chỉ góp phần ổn định dân sinh và phát triển kinh tế - xã hội, mà còn giúp Hội An thích ứng với biến đổi khí hậu và giữ vững vị thế là điểm đến du lịch bền vững của khu vực duyên hải miền Trung.
Mỹ Khê loay hoay tìm giải pháp
Tuy nhiên, khi Cửa Đại từng bước hồi sinh thì một trong những “viên ngọc quý” khác của du lịch biển Đà Nẵng là bãi biển Mỹ Khê lại đang loay hoay tìm hướng đi.
Trong vòng một thập kỷ qua, tình trạng xói lở tại khu vực này diễn biến phức tạp, khiến bãi biển bị thu hẹp đáng kể. Mỹ Khê – từng được bình chọn là một trong sáu bãi biển quyến rũ nhất hành tinh giờ đây cũng đang chứng kiến cảnh bờ cát bị khoét sâu, chân kè lộ ra hàm ếch, cây xanh bật gốc sau mỗi đợt gió mùa và triều cường.

Biển Mỹ Khê (Đà Nẵng) vẫn đối diện với tình trạng sạt lở khi chưa có giải pháp hữu hiệu. Ảnh: Lan Anh.
"Với nhiều hộ kinh doanh ven biển, biển sạt lở không chỉ tàn phá môi trường mà còn đe dọa trực tiếp đến kế sinh nhai của chúng tôi. Đây là thách thức về tài chính và đe dọa trực tiếp đến sự tồn tại đời sống cư dân ven biển", ông Trần Văn Nhật, hộ kinh doanh ven biển Đà Nẵng lo lắng.
Điều đáng lo ngại là nhiều vị trí bị xói lở nằm ngay phía trước các khách sạn, khu nghỉ dưỡng ven biển – vốn là những trụ cột của ngành du lịch địa phương. Theo GS.TS Thiều Quang Tuấn – Chủ nhiệm đề tài “Nghiên cứu xác định nguyên nhân gây xói lở bờ biển và đề xuất các giải pháp bảo vệ bờ biển thành phố Đà Nẵng”, so với 20 năm trước, nhiều đoạn bãi biển đã bị lùi vào đất liền từ 10–20 m. Tốc độ xói lở hiện nay ở mức từ nhẹ đến vừa (1–3 m/năm), nhưng quy mô thì đã lan rộng dọc toàn tuyến bờ biển phía đông thành phố.
Các nghiên cứu đã chỉ ra nguyên nhân sâu xa là sự kết hợp đồng thời của ba dạng xói lở: xói cấp tính do bão, xói mãn tính do dòng chảy và triều cường, cùng xói theo mùa kiểu “răng cưa” – khiến hiện tượng này trở nên phức tạp và khó kiểm soát. Việc xác định rõ cơ chế và quy luật xói lở là cơ sở quan trọng để xây dựng chiến lược ứng phó hiệu quả.
Trên cơ sở đó, nhóm nghiên cứu đề xuất bốn phương án bảo vệ bờ biển phía đông thành phố, gồm: nuôi bãi điểm trực tiếp, nuôi bãi tập trung quy mô lớn, nuôi bãi kết hợp cồn cát tách bờ, và hệ thống đê ngầm giảm sóng tách bờ kết hợp nuôi bãi. Trong đó, phương án nuôi bãi trực tiếp được đánh giá cao nhất nhờ phù hợp với điều kiện địa phương, hiệu quả kinh tế và khả năng triển khai thực tế. Trong khi đó, phương án đê ngầm tách bờ không được khuyến nghị do có thể gây ảnh hưởng tiêu cực đến hình thái bờ biển và phá vỡ cảnh quan du lịch.
Bên cạnh giải pháp kỹ thuật, việc theo dõi, giám sát tình trạng đường bờ cũng cần được thực hiện thường xuyên và bài bản. Thành phố cần sớm thiết lập hệ thống trạm quan trắc sóng ven bờ, thực hiện đo đạc định kỳ các mặt cắt bãi biển đại diện để phục vụ công tác dự báo, cảnh báo và đưa ra giải pháp kịp thời.
"Cần siết chặt quản lý các công trình ven biển ngay từ khâu quy hoạch. Việc cấp phép xây dựng phải tính đến nguy cơ xói lở để tránh tình trạng công trình lấn biển làm trầm trọng thêm hiện tượng sạt lở", GS.TS Thiều Quang Tuấn nhấn mạnh.

Những giải pháp như sử dụng rọ bao cát kết hợp đóng cọc để neo giữ rọ chỉ là tạm thời. Ảnh: Lan Anh.
Chống xói lở không đơn thuần là giữ đất, giữ tài sản, mà còn là giữ lấy lợi thế biển – giá trị cốt lõi trong chiến lược phát triển kinh tế, du lịch và ứng phó biến đổi khí hậu của Đà Nẵng. Từ nhiều năm trước vấn đề bảo vệ bờ biển đã được đặt ra, thành phố cần có các giải pháp hữu hiệu và lâu dài. Các chuyên gia khuyến cáo, chính quyền thành phố Đà Nẵng cần sớm có giải pháp bảo vệ bờ biển nếu không muốn rơi vào tình trạng mất bãi biển, tốn kém nguồn lực như biển Cửa Đại. Giữ được bờ biển hôm nay chính là gìn giữ cơ hội để Đà Nẵng vươn ra biển một cách chủ động, bền vững và đầy bản sắc trong tương lai.