| Hotline: 0983.970.780

Bạc Liêu khuyến khích phát triển kinh tế bền vững thích ứng Biến đổi khí hậu

Thứ Năm 09/12/2021 , 11:22 (GMT+7)

Chỉ với 8 tháng nuôi tôm, 4 tháng trồng lúa, mỗi năm người nông dân tỉnh Bạc Liêu có thể thu về 100 triệu đồng/ha; qua đó tự vươn lên làm giàu.

Mô hình nuôi tôm trong ruộng lúa của người dân. Ảnh: Quang Dũng.

Mô hình nuôi tôm trong ruộng lúa của người dân. Ảnh: Quang Dũng.

Thu về 100 triệu đồng/ha mỗi năm

“Những năm trước, tôi sản xuất lúa theo kiểu truyền thống, phải bón phân nhiều, phun thuốc BVTV cũng nhiều. Từ khi chuyển sang sản xuất lúa OM18, đến nay đã 20 ngày, chưa phải rải phân xịt thuốc gì nhưng không thấy có sâu bệnh gì. Còn tôm nuôi dưới ruộng lúa phát triển khá tốt vì nước mặn được đưa về kịp lúc. Khoảng tháng 2, tháng 3 sẽ vào vụ tôm”, ông Huỳnh Văn Hưởng (xã Vĩnh Lộc A, huyện Hồng Dân, tỉnh Bạc Liêu), vừa chèo thuyền thăm ruộng lúa vừa phấn khởi chia sẻ với báo Nông nghiệp Việt Nam.

Gia đình ông Huỳnh Văn Hưởng có gần 2 ha canh tác lúa với sản lượng trung bình đạt từ 10 đến 12 tấn/năm. Với sự hỗ trợ, hướng dẫn của HTX Nông nghiệp tổng hợp Ba Đình (ấp Bến Bào, xã Vĩnh Lộc A, huyện Hồng Dân, tỉnh Bạc Liêu), năm nay là vụ đầu tiên ông Hưởng triển khai sản xuất theo mô hình lúa – tôm với giống lúa gieo trồng là OM18 có đặc tính chịu mặn tốt có thể kết hợp rất hiệu quả với nuôi tôm.

HTX Nông nghiệp tổng hợp Ba Đình được thành lập từ năm 2018, hiện có 83 xã viên với tổng diện tích canh tác 150 ha đang sản xuất theo mô hình lúa - tôm, 2 vụ tôm kết hợp với 1 vụ lúa (8 tháng nuôi tôm, 4 tháng trồng lúa).

Anh Nông Văn Thạch cho biết nhiều hộ nông dân trong HTX đã vươn lên làm giàu nhờ mô hình lúa - tôm. Ảnh: Quang Dũng.

Anh Nông Văn Thạch cho biết nhiều hộ nông dân trong HTX đã vươn lên làm giàu nhờ mô hình lúa - tôm. Ảnh: Quang Dũng.

Theo kế hoạch vụ nuôi tôm tại tỉnh Bạc Liêu, từ tháng 1 - 4 hàng năm, nông dân thả tôm sú, đến tháng 9 sẽ sạ lúa kết hợp thả tôm càng xanh. Mỗi năm người nông dân thu hoạch một vụ tôm sú, một vụ lúa và tôm càng xanh, tổng thu nhập khoảng từ 120 - 180 triệu đồng/ha, lợi nhuận 90 triệu/ha/năm.

Theo anh Nông Văn Thạch, Giám đốc HTX Nông nghiệp tổng hợp Ba Đình, đơn vị xác định mô hình lúa - tôm là mô hình phù hợp và thích ứng được với tình hình biến đổi khí hậu. Sau khi triển khai, bà con nông dân đều đánh giá mô hình rất phù hợp và sẽ tiếp tục nhân rộng sản xuất trong thời gian tới.

“Với việc triển khai mô hình tôm lúa kết hợp, người nông dân sẽ thu lợi nhuận từ 60 – 100 triệu đồng/ha/năm. Đây được xem là mô hình thân thiện với môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu. Trong thời gian tới, HTX sẽ tiếp tục mở rộng thêm diện tích và thành viên trên địa bàn huyện Hồng Dân”, Giám đốc HTX Nông nghiệp tổng hợp Ba Đình chia sẻ.

Về sản phẩm đầu ra của bà con xã viên, anh Nông Văn Thạch cho biết, hiện tại HTX đã ký hợp đồng với các đối tác để tiêu thụ sản phẩm tôm sú và tôm càng xanh tới người tiêu dùng.

“Triển khai mô hình lúa - tôm, các xã viên khi tham gia HTX sẽ được bao tiêu vật tư đầu vào và đảm bảo đầu ra. Vì đây là sản phẩm sạch nên thị trường tiêu thụ đầu ra cho bà con rất thuận lợi. Mô hình lúa - tôm đang mang lại hiệu quả kinh tế ổn định cho bà con, nhiều hộ nông dân trong HTX đã vươn lên làm giàu nhờ mô hình này”, anh Nông Văn Thạch chia sẻ với báo Nông nghiệp Việt Nam.

Mô hình bền vững thích ứng biến đổi khí hậu

Theo thống kê của Phòng Nông nghiệp huyện Hồng Dân, tỉnh Bạc Liêu, toàn huyện hiện có hơn 24.000 ha canh tác theo mô hình lúa – tôm. Đây được xác định là mô hình bền vững trong việc cải tạo môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu trên địa bàn huyện.

Lúa - tôm là mô hình dễ thực hiện và thích ứng được với tình hình biến đổi khí hậu. Ảnh: Quang Dũng.

Lúa - tôm là mô hình dễ thực hiện và thích ứng được với tình hình biến đổi khí hậu. Ảnh: Quang Dũng.

Ngoài các giống lúa chủ lực như ST24, ST25, Một bụi đỏ, Đài Thơm 8, OM18…thì vụ lúa mùa năm nay, huyện Hồng Dân còn thử nghiệm những giống mới như: giống lúa tím, CXT30… Các giống lúa này có thời gian sinh trưởng từ 100 - 110 ngày, có khả năng chống chịu mặn và biến đổi khí hậu, phù hợp để canh tác cho mô hình lúa tôm của huyện.

Theo ông Lương Trung Tín, Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp huyện Hồng Dân, mô hình lúa - tôm được đánh giá là vừa đem lại thu nhập cho người nông dân vừa giúp cải tạo môi trường đất. Ngoài xác định vùng chuyển đổi sản xuất tôm – lúa là chủ lực, huyện Hồng Dân sẽ hướng dẫn người dân tận dụng bờ bao tại vuông tôm để trồng rau màu, chủ yếu tập trung tại xã Vĩnh Lộc, Lộc Ninh và Ninh Hòa để nâng cao thu nhập cho bà con.

Ngoài ra, Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp huyện Hồng Dân cũng cho biết, hiện nay huyện đã lựa chọn được những vùng phù hợp để phát triển trồng lúa hữu cơ với diện tích hơn 800 ha. Đây cũng là mô hình được xem là bền vững và phù hợp với địa bàn của huyện, đạt điều kiện thích ứng với biến đổi khí hậu.

Huyện Hồng Dân đã lựa chọn được những vùng phù hợp để phát triển trồng lúa hữu cơ với diện tích hơn 800 ha. Ảnh: Quang Dũng.

Huyện Hồng Dân đã lựa chọn được những vùng phù hợp để phát triển trồng lúa hữu cơ với diện tích hơn 800 ha. Ảnh: Quang Dũng.

Theo Sở NN-PTNT tỉnh Bạc Liêu, mục tiêu mà ngành nông nghiệp địa phương đề ra là đến năm 2025, diện tích sản xuất lúa - tôm được mở rộng lên hơn 43.000 ha. Để đạt được mục tiêu này, Sở NN-PTNT đang đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả chuyển giao ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất lúa hàng hóa theo yêu cầu của thị trường, thực hiện tốt nhiệm vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng từng bước hiện đại, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.

Áp dụng các giải pháp kỹ thuật trong canh tác nhằm tạo ra sản phẩm đạt tiêu chuẩn chất lượng, an toàn phục vụ nhu cầu tiêu dùng và xuất khẩu, tăng lợi nhuận trên cùng một đơn vị diện tích.

Đặc biệt là định hướng canh tác lúa hữu cơ, tôm sạch thích ứng với biến đổi khí hậu và thân thiện với môi trường, đạt mục tiêu nâng cao giá trị nông sản và phát triển bền vững.

“Thời gian tới, huyện Hồng Dân sẽ tập trung phát triển nuôi trồng tôm sạch, lúa sạch. Huyện cũng định hướng đưa sản phẩm tôm càng xanh hiện đang nuôi xen trong ruộng lúa tham gia các hội chợ cũng như xây dựng thương hiệu OCOP. Còn sản phẩm lúa sạch, huyện Hồng Dân đã chọn một số giống lúa tham gia Chương trình OCOP, hiện đã được công nhận sản phẩm 3 sao đối với giống Một bụi đỏ”, ông Lương Trung Tín, Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp huyện Hồng Dân thông tin.

Xem thêm
Kiến nghị Bộ Tài chính thống nhất cách tính thuế VAT với thức ăn chăn nuôi

Các hội và hiệp hội vừa có văn bản gửi Bộ Tài chính, đề nghị áp dụng thống nhất quy định về thuế giá trị gia tăng đối với sản phẩm thức ăn chăn nuôi.

Chống dịch tả lợn Châu Phi: Chính sách đã đủ, chỉ thiếu sự quyết liệt

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Phùng Đức Tiến khẳng định, tại Hội nghị Phòng, chống bệnh dịch tả lợn Châu Phi và công tác kiểm soát giết mổ động vật sáng 23/7.

Nhãn chín sớm giá 25.000 đồng/kg, gấp đôi chính vụ

HƯNG YÊN Tự chọn lọc được giống nhãn chín sớm hơn trà chính vụ khoảng 1 tháng, ông Đỗ bán được nhãn quả với giá 25.000 đồng/kg, gấp đôi nhãn chính vụ.

Chàng trai 22 tuổi mỗi tháng ẵm 20 triệu đồng nhờ nuôi ong chúa giống

CẦN THƠ Hiện mỗi con ong chúa giống do Tạo sản xuất có giá từ 200.000 đồng. Trung bình mỗi tháng Tạo cung cấp ra thị trường khoảng 800 con, thu nhập gần 20 triệu đồng.

Tiết kiệm hơn 30% chi phí phân bón nhờ phương pháp dúi phân

SƠN LA Phương pháp bón dúi phân kết hợp kỹ thuật cấy hàng rộng - hàng hẹp giúp giảm thất thoát, giảm số lần bón phân, chi phí phân bón giảm khoảng 30%, hạn chế sâu bệnh.

Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 3 tuyên truyền chống IUU

Vĩnh Long Chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) là trách nhiệm của ngư dân, cơ quan chức năng và toàn xã hội.

Điểm sáng nghiên cứu khoa học gắn với bảo tồn đa dạng sinh học

Cần Thơ Đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, từng bước giúp Khu bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng lập cơ sở dữ liệu đa dạng sinh học, phục vụ lưu trữ các thông tin cần thiết.

Bình luận mới nhất