| Hotline: 0983.970.780

An toàn hạt nhân là ưu tiên cao nhất khi xem xét phân quyền

Thứ Hai 14/04/2025 , 10:55 (GMT+7)

Phó Thủ tướng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, 'an toàn hạt nhân được đặt lên trên hết, trước hết và cao nhất' khi xem xét mọi quyết định liên quan đến phân quyền trong lĩnh vực này.

Sáng 14/4, tại Phiên họp thứ 44, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự án Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi). Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Mạnh Hùng đã trình bày Tờ trình của Chính phủ về nội dung sửa đổi.

Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, 'an toàn hạt nhân được đặt lên trên hết, trước hết và cao nhất'. Ảnh: Quochoi.vn.

Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, “an toàn hạt nhân được đặt lên trên hết, trước hết và cao nhất”. Ảnh: Quochoi.vn.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, Luật Năng lượng nguyên tử năm 2008 quy định 76 thủ tục hành chính, trong khi dự thảo Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi) chỉ còn quy định 51 thủ tục hành chính. Như vậy, dự kiến sẽ bãi bỏ 25 thủ tục hành chính, sửa đổi 9 thủ tục và giữ nguyên 42 thủ tục, tương ứng với mức giảm 32,9% số lượng thủ tục hành chính.

Dự thảo luật lần này không quy định chi tiết về các thủ tục hành chính mà giao cho Chính phủ quy định cụ thể thông qua các văn bản dưới luật.

Bài liên quan

Về phân cấp, phân quyền, Chính phủ đề xuất giao thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư nhà máy điện hạt nhân hiện đang thuộc thẩm quyền của Quốc hội theo Luật Đầu tư và Luật Đầu tư công cho Thủ tướng Chính phủ. Chính phủ cho rằng sự thay đổi này sẽ phù hợp với tinh thần phân cấp, phân quyền mạnh mẽ, đồng thời giúp rút ngắn quy trình ra quyết định.

Ngoài ra, Luật Năng lượng nguyên tử hiện hành đã phân cấp cho UBND cấp tỉnh, thành phố cấp phép cho thiết bị X-quang sử dụng trong chẩn đoán y tế. Tuy nhiên, theo tinh thần mới trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, luật chỉ quy định những vấn đề thuộc thẩm quyền của Quốc hội, còn các nội dung thuộc thẩm quyền của Chính phủ sẽ được quy định tại các nghị định và văn bản hướng dẫn thi hành luật.

Vì vậy, dự thảo nghị định hướng dẫn sẽ tiếp tục phân cấp từ Bộ Khoa học và Công nghệ cho UBND các tỉnh, thành phố trong việc cấp phép thiết bị X-quang y tế, nguồn phóng xạ và thiết bị bức xạ có mức độ rủi ro thấp, cũng như công tác chuẩn bị và ứng phó sự cố.

Liên quan đến vận chuyển vật liệu phóng xạ quá cảnh qua lãnh thổ Việt Nam, hiện Luật năm 2008 quy định phải do Thủ tướng Chính phủ cấp phép. Trong dự thảo sửa đổi, Chính phủ đề xuất phân cấp thẩm quyền này đối với các nguồn phóng xạ có mức độ nguy hiểm từ trung bình trở xuống.

Góp ý cho dự thảo, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật – Tư pháp Hoàng Thanh Tùng nhấn mạnh, quy định về thẩm quyền như đề xuất là một điểm rất khác so với quy định trong Luật Đầu tư và Luật Đầu tư công. Ông nhấn mạnh, mặc dù tinh thần chung là đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, nhưng đối với các dự án điện hạt nhân, việc này cần được cân nhắc kỹ lưỡng và nên tiếp tục giữ quyền quyết định chủ trương đầu tư tại Quốc hội.

Theo ông Hoàng Thanh Tùng, các dự án nhà máy điện hạt nhân là những dự án rất quan trọng, tiềm ẩn nguy cơ tác động đến môi trường, kinh tế - xã hội, di dân và liên quan đến nguồn vốn rất lớn. Đây đều là các tiêu chí của dự án quan trọng quốc gia, do đó thuộc thẩm quyền quyết định của Quốc hội.

Ông đặt vấn đề: “Phân cấp, phân quyền cho Thủ tướng Chính phủ thì nhanh hơn, gọn hơn hay tốt hơn thế nào? Nếu chuẩn bị kỹ và trình Quốc hội xem xét thì có thực sự mất nhiều thời gian hơn so với việc giao cho Thủ tướng Chính phủ? Khi trình Quốc hội với đầy đủ hồ sơ, đại biểu Quốc hội thảo luận cũng là dịp để nhân dân hiểu rõ hơn chính sách, tính pháp lý và tạo sự đồng thuận cao hơn”.

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nêu ý kiến rằng, hiện nay các dự án điện hạt nhân sau khi cấp có thẩm quyền đồng ý thì Quốc hội là nơi quyết định chủ trương đầu tư. Ông đặt câu hỏi: “Tới đây, nếu ủy quyền cho Thủ tướng Chính phủ thì có thực sự phù hợp hay không, khi đây là công trình trọng điểm quốc gia, ảnh hưởng rất lớn đến quyền, nghĩa vụ, tính mạng của người dân?”

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nêu ý kiến về thẩm quyển quyết định chủ trương đầu tư nhà máy điện hạt nhân. Ảnh: Quochoi.vn.

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nêu ý kiến về thẩm quyển quyết định chủ trương đầu tư nhà máy điện hạt nhân. Ảnh: Quochoi.vn.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế - Tài chính Phan Văn Mãi cũng đưa ra lưu ý rằng việc phân cấp mạnh mẽ là tinh thần tích cực nhưng phải đảm bảo rõ ràng, minh bạch trong thẩm quyền, quy trình và trách nhiệm. Ông cho rằng luật chỉ nên quy định những vấn đề mang tính nguyên tắc chung, còn chi tiết sẽ do các văn bản dưới luật như nghị định, thông tư điều chỉnh. Tuy nhiên, ông cũng lưu ý rằng hiện còn nhiều hồ sơ chưa có văn bản hướng dẫn kèm theo nên cần sớm ban hành để đảm bảo tính khả thi khi luật có hiệu lực.

Phát biểu tại phiên họp, Phó Thủ tướng Nguyễn Chí Dũng khẳng định, Chính phủ sẽ giải trình rõ ràng về cơ sở phân cấp, phân quyền cũng như đánh giá đầy đủ các tác động liên quan. Ông nhấn mạnh rằng “an toàn hạt nhân được đặt lên trên hết, trước hết và cao nhất” khi xem xét mọi quyết định liên quan đến phân quyền trong lĩnh vực này.

Xem thêm
Ông Tập Cận Bình: Trung Quốc sẵn sàng mở rộng nhập khẩu nông sản Việt Nam

Chiều 14/4, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã hội kiến với Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đang thăm chính thức Việt Nam từ 14-15/4.