Khi Quốc hội quyết nghị khôi phục chủ trương đầu tư dự án điện hạt nhân Ninh Thuận sau tám năm gián đoạn, Việt Nam không chỉ nối lại một công trình dang dở, mà còn mở ra một chương mới trong chiến lược an ninh năng lượng quốc gia. Bên cạnh kỳ vọng về nguồn cung điện ổn định, ít phát thải, quyết sách này đặt Việt Nam vào bản đồ của các quốc gia theo đuổi mô hình phát triển năng lượng sạch, hiện đại và có chiều sâu công nghệ.
Không chỉ là bài toán năng lượng
Tăng trưởng kinh tế nhanh khiến nhu cầu năng lượng tại Việt Nam tăng trung bình 8–10% mỗi năm. Với mục tiêu phát triển GDP 6–7% như hiện tại, năng lượng trở thành yếu tố sống còn. Trong khi đó, điện than – hiện vẫn chiếm hơn 50% cơ cấu – không chỉ cạn kiệt dần mà còn tạo áp lực lớn đến môi trường và mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

Sau 8 năm tạm dừng, chủ trương đầu tư dự án điện hạt nhân Ninh Thuận sẽ tiếp tục được triển khai. Ảnh minh hoạ.
Điện hạt nhân, dù từng dừng lại vì lo ngại chi phí và an toàn, nay được nhìn nhận lại như một giải pháp chiến lược. Tổng Bí thư Tô Lâm, trong phát biểu gần đây, đã nhấn mạnh vai trò của điện hạt nhân trong việc "đa dạng hóa nguồn cung, đảm bảo an ninh năng lượng và hỗ trợ chuyển dịch xanh", nhất là khi nguồn năng lượng tái tạo như gió, mặt trời vẫn thiếu ổn định và đòi hỏi công nghệ lưu trữ đắt đỏ.
Ở tầm vĩ mô, sự trở lại của điện hạt nhân không chỉ để giải một bài toán điện năng, mà còn để mở ra một hệ sinh thái công nghiệp mới – nơi Việt Nam có cơ hội phát triển nhân lực chất lượng cao, nâng tầm khoa học công nghệ và tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu.
Từ dự án Ninh Thuận đến chiến lược quốc gia
Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận từng là biểu tượng của khát vọng hiện đại hóa. Việc tạm dừng năm 2016 diễn ra trong bối cảnh kinh tế đang gặp khó khăn, ngân sách hạn hẹp và nhận thức xã hội chưa thật đồng thuận. Tuy nhiên, sau gần một thập kỷ, bối cảnh đã thay đổi: nhu cầu điện tăng cao, cam kết khí hậu gấp rút và kinh nghiệm quốc tế phong phú hơn.

Đoàn công tác của Bộ Nông nghiệp và Môi trường do Thứ trưởng Phùng Đức Tiến dẫn đầu khảo sát tình hình tái định cư, các hoạt động sản xuất, kinh doanh tại 2 khu vực xây dựng nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận. Ảnh: PC.
Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội khẳng định tính "cấp thiết" của việc tái triển khai. Đặc biệt, nhấn mạnh mô hình quản lý, khung pháp lý và nội địa hóa công nghệ là các trụ cột cần được chuẩn bị kỹ lưỡng. Dự kiến, ngày 14/4 tới, Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi) sẽ được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận – mở đường pháp lý cho toàn bộ lộ trình dài hạn của điện hạt nhân tại Việt Nam.
Theo các chuyên gia, để triển khai điện hạt nhân một cách hiệu quả, Việt Nam cần xây dựng lộ trình cụ thể, gắn kết chặt chẽ với chiến lược tổng thể về năng lượng quốc gia. Trong đó, học hỏi kinh nghiệm từ các quốc gia đã thành công trong lĩnh vực điện hạt nhân là chìa khóa quan trọng. Việt Nam cần tăng cường hợp tác với các tổ chức quốc tế như IAEA và các quốc gia tiên tiến như Nhật Bản, Pháp, Nga để tiếp nhận chuyển giao công nghệ, đồng thời đảm bảo tuân thủ các tiêu chuẩn an toàn quốc tế.
Năng lượng hạt nhân như một lựa chọn phát triển
Trong kỷ nguyên mới, điện hạt nhân đang được tái định vị: không phải là "nguy cơ", mà là "cơ hội". Pháp sản xuất hơn 70% điện từ hạt nhân, Hoa Kỳ duy trì hàng trăm lò phản ứng vận hành ổn định, còn Trung Quốc đặt mục tiêu tăng gấp đôi số nhà máy điện hạt nhân vào năm 2035.
Điện hạt nhân, xét cho cùng, không đối lập với năng lượng tái tạo. Trái lại, nó đóng vai trò "xương sống" cho hệ thống năng lượng hỗn hợp – một hệ thống cần sự ổn định cao để hấp thụ các nguồn điện không liên tục như gió và mặt trời. Sự bổ sung này không chỉ giúp Việt Nam chủ động về cung cấp điện mà còn mở ra cơ hội chuyển dịch sang nền kinh tế carbon thấp.
Việt Nam đang bước vào một giai đoạn mới, nơi tư duy năng lượng cần được đặt trong khung chiến lược phát triển quốc gia vượt ra khỏi tính toán chi phí và những lợi ích ngắn hạn. Do đó, phát triển điện hạt nhân hiện nay không chỉ là một nhà máy phát điện, mà là bước đệm để Việt Nam bước vào thế kỷ năng lượng xanh và trí tuệ.