| Hotline: 0983.970.780

Cần chính sách thu hút nhân tài để công nghệ vũ trụ 'cất cánh'

Thứ Năm 24/07/2025 , 17:34 (GMT+7)

Công nghệ vũ trụ Việt Nam sẽ không thể 'cất cánh' nếu thiếu chính sách thu hút nhân tài.

Việt Nam đang đứng trước "thời điểm vàng" để tạo ra những đột phá về công nghệ vũ trụ. Tuy nhiên, việc ứng dụng các sản phẩm công nghệ vũ trụ đang gặp những rào cản lớn.

Chia sẻ tại Tọa đàm “Đưa công nghệ vũ trụ trở thành động lực phát triển mới”, các chuyên gia, nhà khoa học đều cho rằng, rào cản lớn nhất không chỉ nằm ở công nghệ hay nguồn vốn, mà là chính sách phát triển con người - yếu tố cốt lõi để làm chủ không gian. Việc thu hút và giữ chân nhân tài công nghệ vũ trụ đang là bài toán cần lời giải căn cơ, thực chất và lâu dài.

Nhân lực quyết định năng lực không gian

Theo ông Trần Tuấn Ngọc, Cục trưởng Cục Viễn thám quốc gia (Bộ Nông nghiệp và Môi trường), một trong những rào cản lớn nhất khiến công nghệ vũ trụ ở Việt Nam chưa thể phát huy hết tiềm năng là tình trạng thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao. Đây không chỉ là một vấn đề ngắn hạn, mà là nút thắt chiến lược, ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả ứng dụng công nghệ vũ trụ trong phát triển kinh tế - xã hội và phòng, chống thiên tai.

ve-tinh-1-155759_563

Việt Nam đang đứng trước "thời điểm vàng" để tạo ra những đột phá về công nghệ vũ trụ. Ảnh: VNSC.

Ông Ngọc nhấn mạnh, hiện Việt Nam đã có trong tay khối lượng dữ liệu vệ tinh đồ sộ. Đây là kết quả của nhiều năm hợp tác quốc tế và tự phát triển các vệ tinh như VNREDSat-1, MicroDragon, NanoDragon... Tuy nhiên, khả năng khai thác, xử lý và ứng dụng những dữ liệu này còn hạn chế. Nguyên nhân sâu xa là do thiếu đội ngũ chuyên gia có kiến thức liên ngành, đặc biệt trong các lĩnh vực như: viễn thám, phân tích dữ liệu không gian, mô hình hóa và ứng dụng trí tuệ nhân tạo.

Theo ông Ngọc, hiện nay bài toán phát triển công nghệ vũ trụ không thể chỉ dừng ở việc đầu tư vào máy móc hay hạ tầng kỹ thuật, mà cần một chiến lược dài hạn và đồng bộ về nhân lực, từ đào tạo cơ bản đến bồi dưỡng chuyên sâu, từ cơ chế đãi ngộ thỏa đáng đến tạo động lực làm việc, cống hiến cho đội ngũ chuyên gia. Công nghệ không gian là lĩnh vực đòi hỏi năng lực tư duy hệ thống, khả năng làm việc liên ngành và tiếp cận với các chuẩn công nghệ toàn cầu. "Điều mà không thể có được nếu thiếu những con người đủ giỏi và đủ tâm huyết", Cục trưởng Trần Tuấn Ngọc khẳng định.

Một thực tế nữa là các dự án ứng dụng công nghệ không gian, như theo dõi sạt lở, giám sát biến đổi khí hậu hay đánh giá hiện trạng rừng, thường không mang lại lợi nhuận tài chính trực tiếp. Vì thế, việc thu hút các nguồn lực xã hội, đặc biệt là từ khu vực tư nhân và thu hút nhân sự giỏi vào lĩnh vực này càng trở nên khó khăn.

“Chúng ta đang đối mặt với một vòng luẩn quẩn: công nghệ phát triển chậm do thiếu nhân lực, thiếu nhân lực vì chưa có chính sách đặc thù thu hút nhân tài, mà không có nhân tài thì không thể vận hành hiệu quả các hệ thống công nghệ phức tạp”, ông Ngọc cảnh báo.

Theo ông Trần Tuấn Ngọc, công nghệ vũ trụ ở Việt Nam chưa thể phát huy hết tiềm năng do tình trạng thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao. Ảnh: Duy Phạm.

Theo ông Trần Tuấn Ngọc, công nghệ vũ trụ ở Việt Nam chưa thể phát huy hết tiềm năng do tình trạng thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao. Ảnh: Duy Phạm.

Cục trưởng Cục Viễn thám quốc gia cho rằng, nếu không sớm thay đổi cách tiếp cận, từ coi đầu tư vào con người là chi phí chuyển sang đầu tư chiến lược thì ngành công nghệ vũ trụ Việt Nam sẽ khó có bước đột phá. Để thoát khỏi vòng luẩn quẩn, ông Ngọc đề xuất cần các chính sách dài hạn và cam kết mạnh mẽ từ các cấp quản lý, trong việc đặt con người làm trung tâm của quá trình chuyển đổi công nghệ, đặc biệt trong những lĩnh vực công nghệ cao như không gian. Bởi chỉ khi có người giỏi, công nghệ mới được vận hành hiệu quả và khi công nghệ vận hành hiệu quả, nó mới mang lại giá trị bền vững cho quốc gia.

Tạo cơ chế linh hoạt, thu hút trí tuệ Việt toàn cầu

Đồng tình với nhận định trên, TS Nguyễn Trọng Hiền, Chuyên gia thuộc Cơ quan Hàng không Vũ trụ Hoa Kỳ (NASA) nhấn mạnh: Việt Nam hoàn toàn có thể phát triển công nghệ vũ trụ, dù nguồn lực không dồi dào như các quốc gia tiên tiến. Vấn đề nằm ở cơ chế vận hành và tổ chức.

Theo TS. Nguyễn Trọng Hiền, cần thí điểm những mô hình quản lý linh hoạt để các nhà quản lý chủ động thu hút nhân tài. Ảnh: Duy Phạm.

Theo TS. Nguyễn Trọng Hiền, cần thí điểm những mô hình quản lý linh hoạt để các nhà quản lý chủ động thu hút nhân tài. Ảnh: Duy Phạm.

Theo TS. Hiền, cần thí điểm những mô hình quản lý linh hoạt để các nhà quản lý chủ động thu hút nhân tài, đồng thời tạo điều kiện cho chuyên gia phát triển đề án kỹ thuật, triển khai thí nghiệm khoa học và mở rộng hợp tác với các trung tâm nghiên cứu vũ trụ quốc tế. Nếu giải quyết được bài toán thể chế, Việt Nam hoàn toàn có thể tiến xa trong lĩnh vực không gian.

Một điểm nghẽn lớn khác là cơ chế đào tạo nhân lực chuyên sâu. Nếu chỉ trông chờ vào thị trường, sẽ rất khó hình thành đội ngũ nhà khoa học vũ trụ chất lượng cao. "Trước đây, thời bao cấp, chính sách đặt hàng đào tạo từng giúp Việt Nam xây dựng được nhiều nhà khoa học xuất sắc. Nay, cần tái khởi động cách tiếp cận này trong một bối cảnh mới", TS Hiền đề xuất.

TS. Hiền cũng nhấn mạnh vai trò then chốt của quyền tự do nghiên cứu. Có thể đầu tư lớn cho thiết bị, cơ sở vật chất, nhưng nếu không trao quyền tự chủ thực chất cho đội ngũ nghiên cứu, sẽ khó có đột phá. Nhiều trí thức Việt Nam ở nước ngoài mong muốn quay về cống hiến, song vẫn còn e ngại do môi trường làm việc và cơ chế quản lý trong nước chưa thực sự cởi mở.

Ươm mầm thế hệ vũ trụ tương lai

Nhìn từ góc độ quốc tế, TS Nguyễn Lương Quang, chuyên gia thuộc Viện Năng lượng Nguyên tử và Năng lượng thay thế CEA Paris-Saclay (Pháp) cho rằng, để phát triển bền vững công nghệ vũ trụ, Việt Nam cần đầu tư bài bản cho thế hệ kế tiếp. Điều này không chỉ dừng lại ở chương trình đào tạo chính thống, mà còn bao gồm các mô hình đào tạo chuyên đề, vườn ươm startup khoa học và hệ sinh thái hợp tác công - tư mang tính liên kết chặt chẽ.

TS. Nguyễn Lương Quang ưu ý rằng, việc thương mại hóa sản phẩm khoa học là mấu chốt để tạo động lực cho người trẻ học tập và theo đuổi nghề nghiệp. Ảnh: Duy Phạm.

TS. Nguyễn Lương Quang ưu ý rằng, việc thương mại hóa sản phẩm khoa học là mấu chốt để tạo động lực cho người trẻ học tập và theo đuổi nghề nghiệp. Ảnh: Duy Phạm.

Theo TS. Quang, một trong những thiếu hụt lớn hiện nay là các vườn ươm công nghệ thực sự dành cho lĩnh vực khoa học không gian. Để các mô hình này vận hành hiệu quả, cần sự dẫn dắt từ phía cơ quan nhà nước, cùng với sự tham gia chủ động của doanh nghiệp đầu tư công nghệ - những đơn vị có động lực và khả năng thương mại hóa sản phẩm. Chỉ khi có đầu ra cụ thể, nhân tài mới có lý do để gắn bó lâu dài, bởi họ nhìn thấy tương lai và giá trị công việc mình đang làm.

Ông Quang cũng nhấn mạnh, muốn công nghệ vũ trụ phát triển đột phá, không thể chỉ dựa vào máy móc hay trang thiết bị đắt tiền, yếu tố quan trọng hơn là ý tưởng sáng tạo. Và để có được điều đó, cần một hệ sinh thái cho phép tự do tư duy, thử nghiệm, chuyển giao công nghệ hiệu quả và khai thác tối đa nguồn dữ liệu không gian. Khi những yếu tố này hội tụ, Việt Nam mới có thể tạo ra môi trường hấp dẫn để nuôi dưỡng nhân lực chất lượng cao và thúc đẩy sự lớn mạnh của ngành công nghệ vũ trụ trong dài hạn.

Bên cạnh đó, TS. Nguyễn Lương Quang cũng lưu ý rằng việc thương mại hóa sản phẩm khoa học là mấu chốt để tạo động lực cho người trẻ học tập và theo đuổi nghề nghiệp. “Nếu không có nơi để làm việc sau khi học, thì người trẻ sẽ không muốn học nữa. Phải làm cho họ thấy công nghệ vũ trụ không chỉ là đam mê, mà còn là sự nghiệp và sinh kế”, ông Quang nhấn mạnh.

Bài toán nhân lực trong lĩnh vực công nghệ vũ trụ không chỉ cần lời giải về mặt kỹ thuật, mà còn đòi hỏi một hệ thống chính sách đồng bộ, mang tính chiến lược và lâu dài. Những chính sách đó cần bao gồm: chính sách đãi ngộ hợp lý và cơ chế đặt hàng đào tạo trong các ngành khoa học không gian; trao quyền tự chủ cho các nhà nghiên cứu, viện nghiên cứu và trung tâm công lập; xây dựng mô hình hợp tác công – tư để phát triển các vườn ươm công nghệ; thúc đẩy kết nối chuyên gia Việt Nam toàn cầu thông qua các chương trình hợp tác, cố vấn, chuyển giao tri thức; đồng thời tạo hành lang pháp lý để thương mại hóa các sản phẩm không gian và ứng dụng dân sự.

Thực tế cho thấy, Việt Nam đã đạt được những bước tiến đáng kể như làm chủ công nghệ vệ tinh siêu nhỏ, phát triển nền tảng viễn thám và tích cực tham gia các chương trình hợp tác quốc tế. Tuy nhiên, nếu không có chiến lược phát triển nguồn nhân lực rõ ràng, bài toán công nghệ sẽ thiếu đi “chất xám dẫn đường” - yếu tố quyết định sự phát triển nhanh và bền vững của ngành công nghệ vũ trụ trong tương lai.

TS. Nguyễn Trọng Hiền nhấn mạnh: “Sở trường của Việt Nam là con người. Nếu có môi trường tốt, chúng ta không thiếu người giỏi”.

Theo Cục trưởng Trần Tuấn Ngọc: "Nhân tài chính là nền tảng để vận hành các hệ thống công nghệ và dữ liệu khổng lồ mà chúng ta đang sở hữu. Vấn đề mấu chốt đặt ra hiện nay là: liệu chúng ta có đủ quyết tâm để đầu tư đúng mức và trao quyền thực chất cho những người xứng đáng?"

Xem thêm
Khách hàng Thanh Hóa đổ xô 'săn' ưu đãi chưa từng có để lên đời xe điện VinFast

Những ngày cuối tuần 18-20/7, Quảng trường Lam Sơn (Thanh Hóa) sôi động hơn bao giờ hết với hàng nghìn người dân đổ về sự kiện 'Vi vu muôn ngả - Phủ xanh Việt Nam' do VinFast tổ chức.

Hành trình xanh của doanh nghiệp Việt

Nhiều doanh nghiệp lớn tại Việt Nam đã và đang từng bước thể hiện vai trò tiên phong, hành động cụ thể, bền bỉ để lan tỏa hành trình xanh.

TP HCM gỡ vướng quản lý chất thải rắn sau sáp nhập hành chính

TP HCM cần phải thay đổi phương thức điều hành, kiểm tra, giám sát trong công tác thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt.

Tên gọi bão số 4 'Cỏ May' do Việt Nam đề xuất

Cơn bão số 4 có tên quốc tế là Comay, tức Cỏ May. Đây là một trong 10 tên bão do Việt Nam đề xuất và được Ủy ban Bão quốc tế thông qua.

Thanh Hóa: Hàng nghìn mét khối đá sạt lở ở xã Sơn Thủy

Tối ngày 23/7 tại xã Sơn Thủy (Thanh Hóa), hàng nghìn mét khối đá sạt xuống khu rừng luồng của người dân ở phía dưới.

Bình luận mới nhất