Miền Tây Nghệ An - sau trận lũ lịch sử đêm 22, sáng 23/7/2025, người dân nơi đây không chỉ oằn mình chống chọi với dòng nước xiết, mà còn phải đối mặt với mất mát tài sản vô cùng to lớn.
Theo thống kê đến hết ngày 27/7 từ Ban chỉ huy Phòng, chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh Nghệ An, đợt lũ lụt vừa qua đã khiến 4 người thiệt mạng, 4 người bị thương, gần 7.000 ngôi nhà hư hỏng, gần 400 nhà bị sập, cuốn trôi hoặc vùi lấp hoàn toàn. Hàng nghìn hộ dân phải di dời khẩn cấp, hàng chục xã bị cô lập hoàn toàn hoặc một phần. Nhiều gia đình rơi vào cảnh trắng tay khi toàn bộ tài sản, đồ đạc trong nhà bị nước lũ cuốn trôi không còn lại gì.

Trận 'đại hồng thủy' mới xảy ra ở miền Tây Nghệ An. Ảnh: Đình Tiệp.
Mặc dù các cấp chính quyền và cơ quan chuyên môn đã phát đi cảnh báo sớm về nguy cơ lũ lớn, đồng thời yêu cầu người dân chuẩn bị ứng phó, di dời người và tài sản đến nơi an toàn, nhưng thực tế lại cho thấy một bộ phận không nhỏ người dân vẫn giữ thái độ chủ quan. Nhiều người không tin rằng mực nước sẽ dâng cao hơn các trận lũ được gọi là ‘lịch sử’ trước đó. Chính vì sự so sánh thiếu căn cứ này, họ không chủ động sơ tán tài sản hoặc chỉ chuẩn bị một cách hời hợt mang tính đối phó, nửa vời.

Hình ảnh tan hoang sau khi lũ dữ đi qua ở miền Tây Nghệ An. Ảnh: Phạm Tuân.
Hậu quả là khi lũ về nhanh và mạnh hơn dự báo, người dân không kịp trở tay. Nhiều người bất lực nhìn tài sản bị nước nhấn chìm, trôi mất chỉ trong chớp mắt. Những câu nói như ‘lũ lên quá nhanh’, ‘không ngờ nước lại ngập cao đến thế’, ‘không kịp di dời’... trở thành câu nói cửa miệng tâm lý chung như một ‘lời biện hộ’ sau trận thiên tai.
Đáng chú ý, không ít gia đình có hoàn cảnh vốn đã khó khăn, nay lại rơi vào tình cảnh khốn cùng vì tài sản, thậm chí cả cơ nghiệp tích góp suốt bao năm bị lũ cuốn sạch. Nỗi đau này không chỉ đến từ thiên tai, mà còn xuất phát từ chính sự thiếu quyết đoán, thiếu cảnh giác và lơ là trong ứng phó thiên tai.

Trận lũ lụt gây thiệt hại về tài sản rất lớn, nhiều hộ gia đình lâm vào cảnh trắng tay. Ảnh: Phạm Tuân.
Trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng khốc liệt, thời tiết và thiên tai đang diễn biến ngày càng phức tạp, khó lường. Các hình thái mưa lũ bất thường, trái quy luật xảy ra với tần suất và cường độ ngày càng cao. Vì vậy, người dân cần có sự thay đổi trong tư duy và hành động. Không thể mãi lấy kinh nghiệm về các trận lũ cũ để đánh giá mức độ nguy hiểm của lũ mới. Không thể coi thường cảnh báo từ chính quyền hay đợi đến khi ‘nước đến chân mới nhảy... thì sẽ chẳng còn kịp.

Xin đừng chủ quan trước thiên tai, bão lũ để rồi thiệt hại sẽ nặng nề hơn. Ảnh: Phạm Tuân.
Đã đến lúc cộng đồng phải nhìn nhận nghiêm túc về mối nguy hiểm đến từ thiên tai và chủ động xây dựng kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sớm. Việc chủ động di dời người và tài sản không chỉ là bảo vệ bản thân, mà còn là trách nhiệm với gia đình và cộng đồng. Mỗi người dân cần xem việc ‘sống chung với lũ’ không phải là buông xuôi chấp nhận, mà là chủ động thích nghi bằng tinh thần cảnh giác cao độ và hành động kịp thời.
Thiên tai có thể không tránh được, nhưng hậu quả có thể giảm thiểu nếu con người không chủ quan. Bài học từ trận lũ lịch sử này cần được nghiêm túc rút ra, để không lặp lại những mất mát đau thương trong tương lai.