Ngân hàng Thế giới nhận định, từ nay đến năm 2050, Ấn Độ sẽ cần đầu tư hơn 2.400 tỷ USD để phát triển hệ thống hạ tầng đô thị có khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu, trong bối cảnh các thành phố nước này ngày càng bị đe dọa bởi các hiện tượng thời tiết cực đoan.
Dựa trên tốc độ đô thị hóa hiện tại, mức đầu tư ước tính sẽ lên đến 10.900 tỷ USD vào năm 2070. Trong kịch bản đô thị hóa ở mức trung bình, các con số này sẽ tăng lên lần lượt là 2.800 tỷ và 13.400 tỷ USD.

Cảnh ngập lụt tại thủ đô New Delhi, Ấn Độ. Ảnh: THX/TTXVN.
Dân số đô thị của Ấn Độ dự kiến sẽ tăng gần gấp đôi, từ 480 triệu người năm 2020 lên 951 triệu người vào năm 2050. Tuy nhiên, các thách thức như mưa thất thường, nắng nóng gay gắt và nước biển dâng đang khiến các thành phố dễ bị tổn thương hơn bao giờ hết. Nếu không có những khoản đầu tư lớn vào nhà ở, giao thông, cấp thoát nước và xử lý chất thải, Ấn Độ sẽ phải đối mặt với thiệt hại lên đến hàng chục tỷ USD mỗi năm.
“Các thành phố cần trở nên kiên cường hơn để người dân sống trong đó được an toàn”, ông Auguste Tano Kouame, Giám đốc Quốc gia của Ngân hàng Thế giới tại Ấn Độ, cho biết. “Những hành động kịp thời không chỉ giúp giảm thiệt hại do lũ lụt và nắng nóng cực đoan, mà còn mở ra cơ hội xây dựng hạ tầng và dịch vụ đô thị hiệu quả, có khả năng chống chịu".
Theo báo cáo “Hướng tới các đô thị kiên cường và thịnh vượng tại Ấn Độ” của Ngân hàng thế giới, thiệt hại do ngập lụt tại đô thị đang gây tổn thất khoảng 4 tỷ USD mỗi năm ở Ấn Độ. Con số này có thể tăng lên 5 tỷ USD vào năm 2030 và vọt lên 30 tỷ USD vào năm 2070 nếu không có biện pháp ứng phó kịp thời.
Trong khi đó, Ấn Độ chỉ chi khoảng 0,7% GDP cho hạ tầng đô thị – thấp hơn đáng kể so với mức trung bình toàn cầu. Để thu hẹp khoảng cách này, Ngân hàng Thế giới khuyến nghị Ấn Độ cần đẩy mạnh huy động vốn công và tư, đặc biệt trong các lĩnh vực như cấp nước tiết kiệm năng lượng, xử lý chất thải rắn, vệ sinh môi trường và công trình xanh.
Ngoài ra, sự phối hợp hiệu quả giữa chính quyền trung ương, địa phương và các bang sẽ đóng vai trò then chốt trong việc cải thiện cơ chế tài chính cho các dự án đô thị, bao gồm việc triển khai các khoản chuyển giao ngân sách có gắn với mục tiêu khí hậu.