| Hotline: 0983.970.780

Ấn Độ ngày càng dễ tổn thương trước thời tiết cực đoan

Thứ Sáu 18/07/2025 , 09:27 (GMT+7)

Các hiện tượng thời tiết cực đoan như lũ lụt, sóng nhiệt và bão đang xảy ra thường xuyên hơn tại Ấn Độ, gây ra những tác động nghiêm trọng.

Theo báo cáo thường niên của Trung tâm khoa học và môi trường (CSE), trong năm 2024, các hiện tượng thời tiết cực đoan đã cướp đi sinh mạng của gần 3.000 người tại Ấn Độ, phá hủy hơn 2 triệu ha hoa màu và làm hư hỏng 80.000 ngôi nhà. Đặc biệt, số ngày chịu tác động của thời tiết cực đoan tại đây chiếm tới 88% thời gian trong năm.

Bà Sunita Narain - Giám đốc CSE - cảnh báo: "Chúng ta cần gấp rút cải thiện quản lý môi trường, củng cố hệ thống y tế và xây dựng chính sách khí hậu tham vọng hơn".

Số ngày chịu tác động của thời tiết cực đoan tại Ấn Độ chiếm tới 88% thời gian trong năm. Ảnh: Indian Express. 

Số ngày chịu tác động của thời tiết cực đoan tại Ấn Độ chiếm tới 88% thời gian trong năm. Ảnh: Indian Express. 

Các thành phố lớn như New Delhi của Ấn Độ cũng đang đối mặt với khủng hoảng kép: Không khí ô nhiễm trầm trọng và nhiệt độ ngày càng tăng.

Báo cáo cho thấy trong 3 năm qua, cư dân ở 13 thành phố Ấn Độ phải hít thở không khí không an toàn chiếm trong khoảng 1/3 số ngày của năm. Tuổi thọ trung bình của người dân ở Delhi cũng đã giảm gần 8 năm do ô nhiễm không khí. Đáng chú ý, khoảng 80% dân số đang sống tại các khu vực dễ bị tổn thương trước các hiện tượng thời tiết cực đoan. 

Ông Abinash Mohanty, chuyên gia tại Công ty tư vấn IPE Global, nhấn mạnh đây không còn là cảnh báo về số liệu mà là “một cuộc khủng hoảng hiện hữu”.

Theo đó, các chuyên gia cho tằng Chính phủ Ấn Độ cần tăng đầu tư vào hệ thống dữ liệu, quan trắc và minh bạch thông tin.

“Nếu không có dữ liệu chính xác và đáng tin cậy, sẽ không thể xây dựng chính sách hiệu quả”, bà Sunita Narain lưu ý.

Trong khi đó, nhà khoa học khí hậu Akshay Deoras nói rằng khả năng chống chịu khí hậu là vấn đề sống còn.

 “Ấn Độ cần chuyển từ phản ứng sang chủ động lập kế hoạch và triển khai hành động thực tế, như thành lập các đài quan sát rủi ro khí hậu”, ông nhấn mạnh. “Không còn thời gian cho sự tự mãn - nếu không hành động hôm nay, chúng ta sẽ phải hứng chịu thực tại không thể đảo ngược vào ngày mai”.

Tổng hợp từ DW

Xem thêm
Nga: Cây cầu 60 tấn bị trộm đem bán phế liệu

Cảnh sát Nga đang điều tra vụ trộm một cây cầu đường sắt khổng lồ ở phía tây đất nước dường như đã được bán phế liệu với giá chỉ hơn 15.000 USD.

Bình luận mới nhất