Theo báo cáo mới của Ngân hàng Thế giới (WB), Ấn Độ đang đầu tư quá ít cho cơ sở hạ tầng và dịch vụ đô thị trong bối cảnh các thành phố nước này ngày càng dễ bị tổn thương trước ba thách thức lớn: lũ lụt, khan hiếm nước và nắng nóng. Tỷ lệ đầu tư hiện tại chỉ chiếm khoảng 0,7% GDP trong năm 2018, thấp hơn nhiều so với các nước đang phát triển khác.

Năm 2050, Ấn Độ cần đầu tư 2,4 nghìn tỷ USD cho hạ tầng đô thị bền vững. Ảnh: Moneycontrol.
Theo báo cáo của WB với tiêu đề “Hướng tới các thành phố kiên cường và thịnh vượng tại Ấn Độ”, để đáp ứng nhu cầu đô thị hóa đến năm 2050 và 2070, Ấn Độ cần đầu tư tương ứng 2,4 nghìn tỷ USD và 10,9 nghìn tỷ USD cho hạ tầng đô thị bền vững. Trong đó, riêng các biện pháp giảm thiểu rủi ro lũ lụt đô thị cần khoảng 150 tỷ USD trong 15 năm tới, đủ để bảo vệ ít nhất 60% các thành phố hiện có.
Việc chống chịu nắng nóng cũng có thể đem lại lợi ích lớn: GDP tăng thêm 0,4% và cứu sống 130.000 người mỗi năm vào năm 2050. Nếu không có hành động ứng phó, số ca tử vong vì nắng nóng có thể tăng gấp đôi vào năm 2050 và 20% giờ làm việc tại các thành phố lớn sẽ chịu ảnh hưởng.
Đáng chú ý, từ năm 2022-2070, để đáp ứng nhu cầu dân số gia tăng, Ấn Độ cần xây dựng hơn 144 triệu nhà ở đô thị, hơn gấp đôi số lượng hiện có. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, nhiều thành phố đã không giải ngân hết ngân sách đầu tư công và thiếu năng lực triển khai các dự án lớn.
Để đảm bảo khả năng thích ứng với khí hậu, báo cáo khuyến nghị triển khai thêm các biện pháp kịp thời như: đánh giá rủi ro, lập kế hoạch, đầu tư vào hạ tầng và dịch vụ bền vững, xây dựng hệ thống cảnh báo sớm, tăng cường phòng chống thiên tai, đặc biệt tại các khu vực dễ bị tổn thương và nhóm dân cư yếu thế. Những mô hình thành công, như kế hoạch ứng phó nắng nóng của Ahmedabad, đã cứu hơn 1.200 người mỗi năm kể từ năm 2013, cần được nhân rộng ra nhiều thành phố hơn.