| Hotline: 0983.970.780

Xanh lại nền nông nghiệp từ 'Quả mọc tầm thấp'

Thứ Tư 16/07/2025 , 07:36 (GMT+7)

Phó Chủ tịch Quốc hội Lê Minh Hoan kêu gọi chuyển đổi bắt đầu từ những hành động nhỏ, dễ làm để bảo vệ môi trường và phát triển nông nghiệp bền vững.

Không bắt đầu từ đỉnh cao, mà từ nền móng

Trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng gay gắt, phát triển nông nghiệp bền vững không còn là lựa chọn mà đã trở thành con đường duy nhất. Nhưng con đường ấy, theo Phó Chủ tịch Quốc hội Lê Minh Hoan, không nhất thiết phải bắt đầu từ những công nghệ cao hay chính sách lớn, mà từ những hành động giản dị, thiết thực nhất.

Nơi từng người nông dân có thể "với tay hái lấy những quả mọc tầm thấp".

Phó Chủ tịch Quốc hội Lê Minh Hoan tâm đắc với triết lý 'Quả mọc tầm thấp'. Ảnh: Bảo Thắng.

Phó Chủ tịch Quốc hội Lê Minh Hoan tâm đắc với triết lý 'Quả mọc tầm thấp'. Ảnh: Bảo Thắng.

Tại Hội thảo “Phát triển nông nghiệp bền vững gắn với bảo vệ môi trường” diễn ra ở Học viện Nông nghiệp Việt Nam chiều 15/7, ông cặn kẽ lý giải về triết lý "Quả mọc tầm thấp". 

Trên cành xoài, những quả mọc thấp là thứ người nông dân có thể với tay hái ngay, không cần công cụ phức tạp hay đợi người khác hỗ trợ. Trong bảo vệ môi trường nông nghiệp, đó chính là những hành động nhỏ, dễ thực hiện, ít chi phí nhưng mang lại hiệu quả rõ rệt, như phân loại rác tại nguồn, tái sử dụng phụ phẩm nông nghiệp, xử lý nước thải đơn giản bằng hố cát, hay ghi chép thủ công lượng phân bón sử dụng.

Ông cho rằng nếu mỗi người dân đều “thu hái hết những quả mọc thấp quanh mình”, thì chính những bước đi nhỏ ấy sẽ tạo nên lực đẩy lớn, làm nền tảng cho những chuyển đổi bền vững lâu dài.

Không chỉ nhấn mạnh tầm quan trọng của việc cân bằng giữa tăng trưởng và môi trường, Phó Chủ tịch Quốc hội còn đưa ra hàng loạt kiến giải giàu tính thực tiễn, từ tư duy thuận thiên cho tới văn hóa không rác.

“Trước kia chỉ cần siêng năng là đủ. Nay, phải làm khác đi để thiên nhiên không còn chống lại mình”, một người nông dân ở Đồng Tháp từng nói với ông như vậy. Và theo lãnh đạo Quốc hội, đó là một triết lý canh tác đáng suy ngẫm: Canh tác biết ơn thiên nhiên, biết trả lại cho đất những gì ta đã lấy đi.

Nông nghiệp tuần hoàn, theo Phó Chủ tịch Quốc hội Lê Minh Hoan, không nên bị giới hạn trong các khu chế biến hiện đại hay mô hình công nghệ cao mà nông dân khó với tới. Ngược lại, nó cần được khởi đầu từ những vòng tròn nhỏ: Ủ rơm thành phân, tận dụng phụ phẩm làm thức ăn chăn nuôi, kết hợp trồng trọt - chăn nuôi - thủy sản, hay gắn kết làng nghề với du lịch nông nghiệp.

Vấn đề không nằm ở công nghệ, mà là cách tiếp cận. Người làm chính sách, làm khoa học phải nói sao cho người dân hiểu được, làm được và vui khi làm. "Rác là tài nguyên bị đặt sai chỗ, nông nghiệp cũng vậy", ông dẫn lại một triết lý trong cuốn sách ông từng đọc để khẳng định, rằng không có gì bị bỏ đi, chỉ là ta chưa biết sắp đặt đúng chỗ.

Phó Chủ tịch Quốc hội Lê Minh Hoan; Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy và Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam Nguyễn Thị Lan. Ảnh: Bảo Thắng.

Phó Chủ tịch Quốc hội Lê Minh Hoan; Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy và Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam Nguyễn Thị Lan. Ảnh: Bảo Thắng.

Một vấn đề lớn được Phó Chủ tịch Quốc hội chỉ ra, là khoảng cách giữa nghiên cứu - đào tạo và thực tiễn sản xuất. Theo ông, các trường, viện trực thuộc Bộ Nông nghiệp và Môi trường cần tích cực lồng ghép nội dung bảo vệ môi trường vào chương trình đào tạo, từ kỹ thuật tuần hoàn đến tái sử dụng phụ phẩm, và đặc biệt là chuyển tải kiến thức theo cách dễ hiểu nhất.

Ví dụ, thay vì nói “Nitrogen, Phosphorus, Potassium”, hãy nói rõ cho nông dân biết: nếu bón nhiều đạm, lân, kali thì sẽ ra sao. Thay vì giảng trong hội trường, hãy đưa cán bộ khuyến nông ra thực địa, làm mẫu cho bà con thấy, rồi để họ tự tay làm thử.

Ông cũng gợi ý các viện nghiên cứu có thể cùng biên soạn “mỗi nhà một giải pháp môi trường đơn giản”, biến các tiêu chí môi trường trong chương trình nông thôn mới thành hướng dẫn cụ thể và dễ làm.

Ngành Nông nghiệp và Môi trường, vì thế, không thể vận động người dân bảo vệ môi trường nếu ngay trong nội bộ vẫn còn tình trạng xả thải bừa bãi, giấy tờ chất đống, hay lãng phí tài nguyên. Nguyên Bộ trưởng Bộ NN-PTNT đề xuất một văn hóa "không rác" trong chính ngành mình, từ việc tái sử dụng vật tư, không để dư thừa, đến hình ảnh “cán bộ xanh” - những người tiên phong hành động trước khi nói.

'Quả mọc tầm thấp' dễ hái nhưng cũng dễ bị bỏ quên

Theo Phó Chủ tịch Lê Minh Hoan, phát triển bền vững không nhất thiết phải bắt đầu từ các công trình lớn hay đầu tư quy mô, mà từ những hành động dễ làm, ít tốn kém, nhưng tạo hiệu quả tức thì. Đó là những “quả mọc tầm thấp” mà người nông dân nào cũng có thể với tới.

Ông dẫn hàng loạt ví dụ từ thế giới: người Nhật từ thập niên 1970 đã tự gom bao bì thuốc BVTV mà không cần ngân sách lớn; nông dân Indonesia tự cam kết không xả thải ra kênh mương; nông dân châu Phi trồng xen đậu với bắp để giữ đất mà không cần máy móc; người Ấn Độ ủ phân tại chỗ từ chất thải hữu cơ; hay người dân Rwanda định kỳ dành một ngày mỗi tháng để dọn đồng ruộng.

“Trước khi mơ hái quả trên cao, hãy với tay hái trước những quả mọc tầm thấp”, ông Lê Minh Hoan nhấn mạnh. Những hành động nhỏ ấy, nếu được lặp lại đủ lâu và đủ rộng, sẽ tạo nền tảng vững chắc cho chuyển đổi lớn.

Ông Lê Minh Hoan: 'Không thể mong có một cánh rừng xanh ngay lập tức, nhưng ta có thể bắt đầu gieo từng hạt giống'. Ảnh: Bảo Thắng.

Ông Lê Minh Hoan: “Không thể mong có một cánh rừng xanh ngay lập tức, nhưng ta có thể bắt đầu gieo từng hạt giống”. Ảnh: Bảo Thắng.

Phó Chủ tịch Quốc hội kết thúc bài phát biểu bằng một lời nhắc: Phát triển bền vững không phải là khẩu hiệu, mà là lời hứa giữa thế hệ hôm nay với thế hệ mai sau.

“Không thể mong có một cánh rừng xanh ngay lập tức, nhưng ta có thể bắt đầu gieo từng hạt giống”, ông nói, đồng thời khẳng định vai trò đồng hành của Quốc hội trong việc sửa đổi chính sách, hoàn thiện thể chế, tháo gỡ rào cản cho đầu tư xanh.

Với ông, sự bền vững của nông nghiệp Việt Nam không nằm ở những cam kết vĩ mô, mà ở từng hành động nhỏ của người dân, cán bộ, nhà khoa học - những người hiểu rằng môi trường là tài sản không phải của ta để thừa hưởng, mà là món nợ phải trả cho thế hệ sau.

Tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Lê Công Thành nêu 5 nhóm giải pháp trọng tâm nhằm hiện thực hóa mục tiêu phát triển nông nghiệp xanh, tuần hoàn và phát thải thấp.

Trước hết, Bộ tập trung hoàn thiện văn bản hướng dẫn thi hành Luật Bảo vệ môi trường; tăng cường thanh tra, xử lý vi phạm, đặc biệt trong các lĩnh vực có nguy cơ gây ô nhiễm cao như chăn nuôi, trồng trọt chuyên canh và thủy sản. Ngoài ra, mở rộng các mô hình nông nghiệp xanh gắn với lợi thế vùng miền, điển hình như chương trình 1 triệu ha lúa chất lượng cao tại ĐBSCL.

Bộ sẽ đẩy mạnh chuyển đổi số và ứng dụng AI, công nghệ sinh học, viễn thám trong quản lý môi trường và sản xuất. Hệ thống dữ liệu môi trường nông nghiệp số toàn quốc sẽ được xây dựng, hỗ trợ giám sát và ra quyết định. Các viện, trường đóng vai trò nghiên cứu nền tảng, như lập bản đồ sức khỏe đất phục vụ phục hồi và canh tác bền vững.

Một giải pháp xuyên suốt, là nâng cao vai trò người nông dân thông qua đào tạo, khuyến nông, hỗ trợ tín dụng xanh và phổ biến mô hình sản xuất an toàn, tiết kiệm. Cùng với đó, hợp tác quốc tế sẽ được mở rộng nhằm thu hút nguồn lực, công nghệ phục vụ mục tiêu Net Zero.

Từ thực tiễn triển khai, Bộ kiến nghị Quốc hội và Chính phủ: (1) Hoàn thiện khung pháp lý môi trường trong nông nghiệp; (2) Bổ sung ngân sách, cơ chế tài chính xanh; (3) Giao nhiệm vụ nghiên cứu, đào tạo chuyên sâu cho các viện, trường; (4) Sớm hình thành hệ thống dữ liệu môi trường phục vụ chuyển đổi số của ngành.

Xem thêm
Thủ tướng cho ý kiến về hai dự án luật quan trọng

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì họp Thường trực Chính phủ, cho ý kiến về Luật Phòng chống ma túy, Luật Thương mại điện tử và một số đề án trọng điểm.

Bình luận mới nhất