| Hotline: 0983.970.780

Cần thêm một dự án mềm mang tên ‘Ấn tượng nông nghiệp An Giang’

Thứ Ba 15/07/2025 , 16:17 (GMT+7)

AN GIANG Đó là gợi ý của Phó Chủ tịch Quốc hội Lê Minh Hoan về định hướng phát triển nông nghiệp nhằm thúc đẩy kinh tế - xã hội tỉnh An Giang trong giai đoạn mới.

Tại Hội thảo khoa học với chủ đề “Định hướng phát triển kinh tế - xã hội và góp ý Văn kiện Đại hội Đảng bộ tỉnh An Giang, nhiệm kỳ 2025-2030”, do Tỉnh ủy An Giang tổ chức ngày 14/7, Phó Chủ tịch Quốc hội Lê Minh Hoan đã có bài phát biểu sâu sắc, nhiều gợi mở về hướng phát triển nông nghiệp tỉnh An Giang trong giai đoạn mới.

Hệ sinh thái nông nghiệp tích hợp

Với cách tiếp cận đa chiều, liên ngành, mang đậm tinh thần đổi mới sáng tạo và thực tiễn, Phó Chủ tịch Quốc hội Lê Minh Hoan đã phác họa một chiến lược phát triển nông nghiệp cho tỉnh An Giang: từ tầm nhìn lịch sử đến định hình tương lai, từ người nông dân đến hệ sinh thái sản xuất hiện đại, từ nội lực địa phương đến kết nối toàn cầu.

Phó Chủ tịch Quốc hội Lê Minh Hoan chia sẻ về định hướng phát triển kinh tế - xã hội, trong đó ông gợi ý cần có một dự án mềm mềm tên 'Ấn tượng nông nghiệp An Giang'. Ảnh: Trung Chánh.

Phó Chủ tịch Quốc hội Lê Minh Hoan chia sẻ về định hướng phát triển kinh tế - xã hội, trong đó ông gợi ý cần có một dự án mềm mềm tên “Ấn tượng nông nghiệp An Giang”. Ảnh: Trung Chánh.

Mở đầu câu chuyện, Phó Chủ tịch Quốc hội Lê Minh Hoan gợi lại hình ảnh lịch sử năm 1819, khi Thoại Ngọc Hầu chỉ huy đào kênh Vĩnh Tế – một công trình thủy lợi quy mô lớn, đồng thời là biểu tượng cho tầm nhìn chiến lược và tinh thần khai mở vùng đất phương Nam. Từ dấu mốc ấy, ông dẫn dắt đến thời điểm hiện tại – năm 2025 – như một “giao mùa lịch sử”, khi An Giang và Kiên Giang sáp nhập để hình thành tỉnh An Giang mới.

“An Giang giờ đây là một “vùng đất hội tụ” của đồng bằng, nơi có biên giới, biển Tây, rừng tràm, đất phèn, núi thiêng, những cánh đồng tôm - lúa, những lễ hội tôn giáo đa sắc màu, những làng nghề nông gắn bó bao đời. Một vùng đất mang dáng hình của sự tích hợp, không chỉ về địa lý mà còn là nền tảng cho một mô hình nông nghiệp đa tầng, đa giá trị”, ông Hoan chia sẻ với giọng trầm ấm.

Để phát huy những lợi thế ấy cho phát triển kinh tế nông nghiệp, Phó Chủ tịch Quốc hội Lê Minh Hoan gợi ý một hướng tiếp cận mới: coi nông nghiệp như một hệ sinh thái tích hợp, nơi các giá trị kinh tế - sinh thái - xã hội - công nghệ - sáng tạo được đan xen, hỗ trợ lẫn nhau.

Rồi ông lần lượt phân tích từng 5 giá trị cốt lõi: Giá trị sinh thái, phát triển nông nghiệp không đánh đổi môi trường, bảo vệ đất, nước, rừng và thủy sản. Giá trị kinh tế, nâng cao chất lượng sản phẩm, đa dạng hóa thị trường, chú trọng chuỗi giá trị thay vì chỉ tối đa sản lượng. Giá trị văn hóa - xã hội, lồng ghép nông nghiệp với giáo dục, du lịch, văn hóa bản địa. Giá trị công nghệ - tri thức, ứng dụng chuyển đổi số, trí tuệ nhân tạo, cảm biến, tự động hóa trong sản xuất. Giá trị đổi mới sáng tạo, biến An Giang thành vùng nhân rộng các mô hình nông nghiệp hiện đại, từ mô hình kinh tế tuần hoàn, hữu cơ đến canh tác phát thải thấp.

Dự án mềm cho nông nghiệp An Giang

Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Lê Minh Hoan, để biến lợi thế tự nhiên thành kinh tế, nhân tố con người là quyết định, "tri thức hóa nông dân” là tiền đề để phát triển bền vững, để tạo ra cộng đồng dân cư nông thôn học tập suốt đời. Cần triển khai mô hình “bình dân học vụ số” tại các hội quán, tổ chức nông dân, nhà văn hóa, nơi bà con tiếp cận kỹ năng, chính sách, yêu cầu thị trường và công nghệ mới.

Phó Chủ tịch Quốc hội Lê Minh Hoan (thứ 2 bên phải) trao đổi với lãnh đạo tỉnh An Giang về định hướng phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn mới. Ảnh: Trung Chánh.

Phó Chủ tịch Quốc hội Lê Minh Hoan (thứ 2 bên phải) trao đổi với lãnh đạo tỉnh An Giang về định hướng phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn mới. Ảnh: Trung Chánh.

Phó Chủ tịch Quốc hội cũng đề xuất mở rộng tinh thần OCOP thành “Mỗi xã một sáng kiến chuyển đổi” không chỉ dành cho người dân mà còn đặt ra yêu cầu hành động cụ thể với cán bộ cơ sở, nhất là cán bộ ngành nông nghiệp: “Không chỉ ngồi bàn giấy mà phải xuống tận đồng ruộng, lắng nghe, cùng làm, cùng hiểu và cùng kiến tạo”.

Điểm nhấn trong bài phát biểu Phó Chủ tịch Quốc hội Lê Minh Hoan là đề xuất ngành nông nghiệp An Giang có thể triển khai “dự án thứ 22”, dự án mềm, với tên gọi “Ấn tượng Nông nghiệp An Giang”. Cùng với 21 dự án hạ tầng trọng điểm phục vụ APEC 2027 mà tỉnh An Giang đang tất bật triển khai, dự án thứ 22 không phải là công trình vật chất, mà là chuỗi sản phẩm, trải nghiệm, câu chuyện truyền thông mang dấu ấn đặc sản nông nghiệp bền vững, gửi gắm thông điệp đến bạn bè quốc tế: từ hạt gạo phát thải thấp trong Đề án 1 triệu hecta lúa chất lượng cao, là thủy sản sinh thái đến sản phẩm tái chế từ rơm rạ, hình ảnh người nông dân tri thức và thân thiện.

“Ấn tượng Nông nghiệp An Giang” không chỉ là một đề xuất mà là một triết lý phát triển, là cách để nông nghiệp không chỉ “đi chợ”, mà còn “đi ra thế giới”, mang theo bản sắc, lòng tự hào và tri thức của người An Giang.

Xem thêm
Thủ tướng cho ý kiến về hai dự án luật quan trọng

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì họp Thường trực Chính phủ, cho ý kiến về Luật Phòng chống ma túy, Luật Thương mại điện tử và một số đề án trọng điểm.

Bình luận mới nhất