Ngày 9/7, ông Trần Chí Hùng, Phó Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ làm việc với Sở Nông nghiệp và Môi trường TP sơ kết 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2025.
Tại đây, Sở Nông nghiệp và Môi trường TP. Cần Thơ đã nêu 6 kiến nghị, đề xuất đến lãnh đạo UBND TP nhằm tạo căn cứ xây dựng kế hoạch cho hoạt động của Sở trong nửa cuối năm 2025.

Phó Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ Trần Chí Hùng làm việc với Sở Nông nghiệp và Môi trường để nắm thông tin, tháo gỡ khó khăn cho đơn vị. Ảnh: Kim Anh.
Trong đó, Sở Nông nghiệp và Môi trường kiến nghị UBND TP. Cần Thơ xem xét, bố trí kinh phí sửa chữa, cải tạo, khắc phục và đưa vào hoạt động các trạm quan trắc nước mặt tự động, với kinh phí dự toán khoảng 17 tỷ đồng. Các trạm này sau nhiều năm vận hành đã hư hỏng, xuống cấp và không còn hoạt động, thế nhưng TP. Cần Thơ không bố trí kinh phí bảo trì, bảo dưỡng, sửa chữa, thay thế, dù đã được kiến nghị nhiều lần.
Bên cạnh đó, Sở Nông nghiệp và Môi trường Cần Thơ cũng kiến nghị HĐND, UBND TP xem xét chi hỗ trợ kinh phí (gồm xăng xe, tiền ăn, thuê chỗ nghỉ) cho các đối tượng viên chức thuộc các đơn vị chưa tự chủ và tự chủ về chi thường xuyên. Bởi các cán bộ này bị ảnh hưởng rất lớn của quá trình sáp nhập tỉnh, trong khi nguồn kinh phí của Sở chưa thể cân đối.
Liên quan đến vấn đề đất đai, Sở Nông nghiệp và Môi trường TP. Cần Thơ cho biết, từ nay đến cuối năm có 2 nội dung lớn cần thực hiện là xây dựng bảng giá đất và kiểm kê đất đai.

Ông Ngô Thái Chân, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường TP. Cần Thơ đưa ra 16 nhiệm vụ trọng tâm của ngành từ nay đến cuối năm. Ảnh: Kim Anh.
Hiện nay, TP. Cần Thơ (cũ) chưa ban hành định mức kinh tế kỹ thuật, tỉnh Hậu Giang đã phê duyệt định mức kinh tế kỹ thuật và phương án kiểm kê, Sóc Trăng đã hoàn thành nghiệm thu cấp xã (cũ). Do đó, thời gian tới sẽ xây dựng lại định mức kinh tế kỹ thuật và phương án kiểm kê đất đai theo chính quyền 2 cấp trên địa bàn TP. Cần Thơ (mới).
Sở cũng đề xuất UBND TP điều chỉnh phương án kiểm kê đất đai; tổng hợp, xây dựng lại văn bản quy phạm pháp luật lĩnh vực đất đai. Bao gồm: hạn mức tách thửa, hạn mức giao đất; chính sách bồi thường thu hồi đất; lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2026-2030) của TP. Cần Thơ và kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2026-2030) cấp xã.
Trước những khó khăn, vướng mắc trên, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Chí Hùng đề nghị Sở Nông nghiệp và Môi trường trên cơ sở bảng giá đất của ba địa phương cũ là TP. Cần Thơ, Hậu Giang và Sóc Trăng, sớm trình HĐND hoặc UBND TP xin chủ trương, lập quy định tạm thời bảng giá đất cho TP. Cần Thơ mới.

Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Trần Chí Hùng chỉ đạo giải quyết một số kiến nghị của Sở Nông nghiệp và Môi trường. Ảnh: Kim Anh.
Trong thời gian tới, ông Hùng đề nghị lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Môi trường TP. Cần Thơ cần tập trung tổ chức bộ máy, sớm thành lập Văn phòng đăng ký đất đai; sắp xếp cơ sở vật chất để ổn định nơi làm việc cho cán bộ, công chức, viên chức; ban hành các văn bản, cơ sở pháp lý liên quan đến bảng giá đất, hạn mức tách thửa, chính sách bồi thường hỗ trợ thu hồi đất…
Đồng thời, Sở Nông nghiệp và Môi trường TP cần phối hợp với Sở Nội vụ rà soát, trình UBND thành phố kiện toàn các ban chỉ đạo phòng chống thiên tai, ban chỉ đạo lĩnh vực thủy sản để sớm đi vào hoạt động.
6 tháng cuối năm 2025, Sở Nông nghiệp và Môi trường TP. Cần Thơ đề ra 16 nhiệm vụ trọng tâm. Trong đó tập trung đánh giá tiến độ thực hiện chỉ tiêu kinh tế - xã hội được giao cho ngành nông nghiệp và môi trường. Ổn định tổ chức, bộ máy đối với các đơn vị trực thuộc, hoàn thành và trình UBND TP phê duyệt cơ chế tự chủ cho các đơn vị sự nghiệp trực thuộc Sở.
Lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, kiểm kê đất đai. Tham mưu trình UBND TP ủy quyền thực hiện công tác thẩm định đánh giá tác động môi trường, cấp giấy phép môi trường và các thủ tục khác thuộc lĩnh vực môi trường. Xây dựng hệ thống giám sát chất thải rắn sinh hoạt xử lý tại nhà máy điện rác Hậu Giang…