Ngày 4/7, tại buổi làm việc giữa lãnh đạo UBND TP Cần Thơ với các sở, ban, ngành do Chủ tịch UBND thành phố Trần Văn Lâu chủ trì, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Ngô Thái Chân đã nêu nhiều khó khăn liên quan đến thủ tục đất đai, kiến nghị UBND TP Cần Thơ xem xét, tháo gỡ.

Chủ tịch UBND TP Cần Thơ chủ trì cuộc họp với các sở, ban ngành thành phố về tổ chức bộ máy, tình hình hoạt động sau gần một tuần hợp nhất. Ảnh: Kim Anh.
Theo ông Chân, đến nay TP Cần Thơ vẫn chưa có quyết định thành lập văn phòng đăng ký đất đai mới, việc sử dụng con dấu cũ cũng chưa thống nhất. Điều này dẫn đến ách tắc trong giải quyết các thủ tục hành chính cho người dân.
“Người dân gọi cho tôi phản ánh là bộ phận một cửa hẹn nửa tháng sau mới tiếp nhận hồ sơ. Trong khi đó, đất đai có giá trị tài sản lớn, một số thủ tục như: tất toán ngân hàng, hợp đồng vay mượn, chuyển nhượng… lại rất gấp, không thể bắt người dân chờ thêm”, ông Chân cho biết.
Trước tình hình đó, Sở Nông nghiệp và Môi trường TP Cần Thơ đề xuất phương án tạm thời là tiếp tục sử dụng con dấu cũ của các văn phòng đăng ký đất đai ở ba địa phương (TP Cần Thơ (cũ), tỉnh Hậu Giang và Sóc Trăng) để giải quyết hồ sơ cho người dân.

Ông Ngô Thái Chân, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường TP Cần Thơ nêu một số vướng mắc của đơn vị sau sáp nhập. Ảnh: Kim Anh.
Ngoài ra, sau sáp nhập, TP Cần Thơ vẫn chưa có bảng giá đất mới, gây nhiều vướng mắc. Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường thành phố, hiện ba hệ thống bảng giá đất của ba tỉnh, thành trước sáp nhập vẫn tồn tại, dẫn đến sự chênh lệch về giá giữa các khu vực liên xã.
Ông Chân kiến nghị UBND TP Cần Thơ cho phép tạm thời áp dụng 3 bảng giá đất hiện hành từ ngày 1/7 đến hết năm 2025, trong khi chờ xây dựng và phê duyệt bảng giá đất mới.
Về con dấu, ông Chân cho biết, hiện Sở Nông nghiệp và Môi trường TP Cần Thơ chưa có con dấu mới. Trong khi đó, theo quy định, từ ngày 1/7, mọi văn bản hành chính không được phép sử dụng con dấu cũ. Ông đề nghị cơ quan liên quan đẩy nhanh quá trình cấp dấu mới để tránh ảnh hưởng đến hoạt động của các chi cục trực thuộc như: Chi cục Thủy sản, Thủy lợi, Kiểm lâm… vốn cần thường xuyên phải thực hiện các cuộc kiểm tra và lập biên bản.
Liên quan đến công tác tổ chức lại Trung tâm Phát triển quỹ đất, ông Chân cho biết, TP Cần Thơ đã hoàn thiện Đề án hợp nhất các trung tâm của ba địa phương cũ, trình Sở Nội vụ thành phố thẩm định. Tuy nhiên, việc tổ chức, sắp xếp vẫn chưa đồng bộ.
Cụ thể, TP Cần Thơ (cũ) đã chuyển các trung tâm quỹ đất cấp huyện thành chi nhánh thuộc Trung tâm phát triển quỹ đất thành phố. Trong khi đó, tại Sóc Trăng (cũ), Trung tâm Phát triển quỹ đất vẫn trực thuộc Sở Nông nghiệp và Môi trường. Còn Hậu Giang chưa sắp xếp lại các trung tâm cấp huyện thành chi nhánh trực thuộc tỉnh.
Vì vậy, sau khi Hậu Giang hoàn tất việc sắp xếp, TP Cần Thơ mới có thể tiến hành thủ tục hợp nhất với các trung tâm còn lại.

Hoạt động tại Văn phòng đăng ký đất đai tỉnh Sóc Trăng (cũ). Ảnh: Kim Anh.
Trước những khó khăn, kiến nghị trên, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Trần Văn Lâu đánh giá, vấn đề điều chỉnh bảng giá đất không thể thực hiện trong thời gian ngắn, phải thuê tư vấn để xác định giá đất và trình HĐND thành phố phê duyệt. Trong khi đó, nếu không tạm thời áp dụng các bảng giá hiện có sẽ gây đình trệ, ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân và doanh nghiệp.
Do đó, ông Lâu thống nhất tiếp tục áp dụng bảng giá đất hiện có của ba địa phương cũ và chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Môi trường khẩn trương tham mưu, thuê tư vấn xây dựng bảng giá đất mới của TP Cần Thơ để sớm nhất để trình HĐND thành phố thông qua.