Cần nhất là thủ tục dễ hiểu, dễ làm
Tại Cơ sở 1 Trung tâm Hành chính công tỉnh Đồng Tháp (số 377, đường Hùng Vương, phường Đạo Thạnh, tỉnh Đồng Tháp), quy trình vận hành của hệ thống một cửa và sự tương tác giữa cán bộ với người dân, doanh nghiệp đảm bảo sự minh bạch, nhanh chóng và công bằng, tạo nên cơ chế vận hành hiệu quả.

Ông Nguyễn Thành Diệu (bên phải), Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp hỏi thăm ông Nguyễn Văn Ba khi đến thực hiện thủ tục hành chính tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh Đồng Tháp. Ảnh: Minh Đảm.
Ông Nguyễn Văn Ba, đại diện Công ty Ba Lâm Solar là một trong những “khách hàng” đầu tiên đã có trải nghiệm rất tích cực. Ông Ba cho biết đã được hướng dẫn rất cụ thể, chi tiết trong việc đổi giấy phép kinh doanh hết hạn, được hỗ trợ kịp thời và hiệu quả, đảm bảo hoạt động sản xuất kinh doanh không bị ảnh hưởng bởi những thay đổi về mặt hành chính.
Ông Nguyễn Hữu Đức, Chủ tịch UBND phường Đạo Thạnh, tỉnh Đồng Tháp cho rằng: Đáng mừng là không có trường hợp người dân nào đến nhầm chỗ để làm thủ tục hành chính. Đây là một dấu hiệu cực kỳ quan trọng, cho thấy hiệu quả của công tác thông tin, hướng dẫn và sự phối hợp đồng bộ giữa các cấp chính quyền. Việc người dân không bị "lạc đường" khi tìm đến đúng địa điểm giải quyết thủ tục là minh chứng rõ ràng nhất cho sự thành công của công tác chuẩn bị và tuyên truyền.

Người dân ĐBSCL không gặp trở ngại trong các thủ tục hành chính khi vận hành chính quyền hai cấp. Ảnh: Trọng Linh.
Tương tự tại Cà Mau, bà Nguyễn Thị Út, hộ nuôi tôm sú truyền thống tại xã Đất Mũi tới Trung tâm Phục vụ hành chính công của xã để xin xác nhận nguồn gốc con giống.
“Cán bộ xã hướng dẫn tận tình, làm hồ sơ tại chỗ, không mất nhiều thời gian. Dân quê như tôi cần nhất là thủ tục dễ hiểu, dễ làm và được cán bộ hướng dẫn khi cần tư vấn”, bà Út nói.
Qua đó cho thấy tầm quan trọng của Trung tâm Phục vụ hành chính công trong việc triển khai chính quyền hai cấp và sự kỳ vọng vào một cơ chế vận hành hiệu quả.
Ông Vũ Văn Đức, Giám đốc nhân sự Công ty Minh Phú Hậu Giang (ở xã Châu Thành, TP Cần Thơ) bày tỏ, công ty kỳ vọng rất nhiều vào sự đồng bộ về chính sách, hạ tầng và thủ tục hành chính. Việc mở rộng vùng nguyên liệu ra các địa bàn khác ở TP Cần Thơ sẽ không còn vướng mắc thủ tục như trước.
Vận hành linh hoạt
Ông Trần Lê, Chủ tịch UBND xã Đông Hiệp, TP Cần Thơ cho biết: Sau sáp nhập, các nhiệm vụ hành chính, phát triển kinh tế - xã hội đều dồn về cấp xã, với tổng số nhiệm vụ tăng lên đến 85 đầu việc theo Nghị định 1085. Trong khi đó, biên chế cán bộ theo quy định chỉ còn lại 32 người trong 5 năm tới, đòi hỏi bộ máy phải tinh gọn nhưng vẫn đảm bảo vận hành hiệu quả.
Theo ông Trần Lê, định hướng phát triển chủ lực của xã Đông Hiệp sau sáp nhập là nông nghiệp. Chính vì vậy, UBND xã Đông Hiệp sẽ đẩy mạnh liên kết, tập trung phát huy thế mạnh sản xuất nông nghiệp gắn với ứng dụng khoa học công nghệ, nâng cao giá trị nông sản, thu nhập cho người dân. Cùng với đó là sắp xếp lại tổ chức, phân công nhiệm vụ hợp lý, tạo sự đoàn kết trong đội ngũ để đáp ứng yêu cầu mới.

Việc vận hành thông suốt của chính quyền hai cấp được chuẩn bị kỹ lưỡng của các địa phương. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.
Còn tại Vĩnh Long, kể từ ngày 1/7 hàng trăm cán bộ, công chức, viên chức từ tỉnh Bến Tre cũ đã chính thức làm việc tại Trung tâm hành chính mới đặt tại tỉnh Vĩnh Long. Đường đến Vĩnh Long vất vả hơn bởi cầu Đình Khao chưa được khởi công xây dựng.
Anh Nguyễn Võ Nhất Duy, Phó trưởng Phòng Kế hoạch – Tài chính, Sở Nông nghiệp và Môi trường chia sẻ: "Thời gian đầu chưa rõ ăn ở thế nào nên mình sáng đi chiều về, một phần cũng vì chưa sắp xếp chuyện học hành cho hai đứa nhỏ được”.
Anh Duy cho biết thêm, dù phải vượt quãng đường xa đến hơn 60 km, thậm chí cách trở đò giang, nhưng tinh thần “tổng động viên” đã lan tỏa khắp đội ngũ cán bộ. Anh Duy và nhiều đồng nghiệp vẫn quyết tâm “đi thôi”. Bởi đây không chỉ là một cuộc chuyển dời về không gian, mà còn là dấu mốc mở ra giai đoạn mới trong tiến trình phát triển.

Hàng trăm cán bộ hàng ngày vượt quãng đường xa hàng chục cây số, phải qua phà vượt sông để đến nơi làm việc. Ảnh: Minh Đảm.
Theo ông Trần Văn Dũng, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Đồng Tháp, sau sáp nhập, tỉnh sẽ tận dụng hạ tầng hiện có của hai trung tâm thông tin thuộc hai tỉnh cũ, kết nối băng thông để đảm bảo hoạt động liên tục. Toàn hệ thống thông tin của tỉnh mới hiện có 99 điểm cầu, sẵn sàng phục vụ hội nghị trực tuyến.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Nguyễn Thành Diệu yêu cầu ngành khoa học và công nghệ chuẩn bị đầy đủ hạ tầng công nghệ để đảm bảo kết nối, vận hành thông suốt sau sáp nhập. Đồng thời, ông đề nghị thiết lập đường dây nóng hỗ trợ kỹ thuật, đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp, nhằm kịp thời đồng hành cùng các cơ sở sản xuất.