Ngày thứ 2 kể từ khi chính quyền địa phương hai cấp đi vào hoạt động, người dân đến thực hiện các thủ tục hành chính tại Trung tâm Phục vụ hành chính công các tỉnh ĐBSCL không phải chờ lâu, cũng như nhận được sự tận tâm của cán bộ địa phương.
Thủ tục hành chính được giải quyết nhanh, gọn, nhẹ
Tại phường Bạc Liêu (tỉnh Cà Mau), người dân đến làm chủ yếu các thủ tục hành chính liên quan đến lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là đăng ký nuôi trồng thủy sản.
Anh Lâm Văn Khải, hộ dân ở khóm Nhà Mát, phường Bạc Liêu, cho biết: “Gia đình tôi nuôi tôm công nghệ cao, hôm nay đến đăng ký lại hồ sơ vùng nuôi. Tôi quan tâm nhất là chuyện quản lý nguồn nước, rồi xâm nhập mặn mùa khô. Cán bộ ở đây hướng dẫn kỹ, thủ tục cũng đơn giản, không mất nhiều thời gian như trước”.
Ở xã Đất Mũi (Cà Mau), nhu cầu chủ yếu của người dân chủ yếu là thực hiện các thủ tục liên quan đến nuôi trồng thủy sản trên đất rừng ngập mặn. Với đặc thù sản xuất xen kẽ tôm - rừng, người dân nơi đây rất quan tâm đến thủ tục đăng ký vùng nuôi, cấp đổi mã số cơ sở, xác nhận nguồn gốc con giống và thủ tục xin hỗ trợ kỹ thuật, nước sạch phục vụ sản xuất.

Người dân đến làm thủ tục hành chính tại Trung tâm Phục vụ hành chính công phường Bạc Liêu, tỉnh Cà Mau trong những ngày đầu vận hành mô hình chính quyền hai cấp. Ảnh: Trọng Linh.
Ông Lê Văn Nhựt, hộ nuôi tôm sinh thái ở ấp Kinh Đào, xã Đất Mũi phấn khởi chia sẻ: “Hôm nay tôi đến làm thủ tục đăng ký lại vùng nuôi tôm theo mô hình tôm - rừng. Trước kia muốn làm mấy cái này phải lên tận huyện, giờ tại xã làm được là đỡ rất nhiều thời gian. Tôi chỉ mong Nhà nước quan tâm thêm vụ nước mặn, nước ngọt trong mùa khô thiếu nước. Nếu xã cập nhật thông tin thường xuyên, có thông báo nguồn nước rõ ràng thì dân đỡ rủi ro hơn nhiều”.
Tại tỉnh An Giang, mọi việc diễn ra thông suốt ở Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh An Giang (đặt tại đường Mậu Thân, phường Rạch Giá). Ghi nhận của chúng tôi, người dân đến không phải xếp hàng chờ, mỗi giao dịch chỉ 15-20 phút là xong.
Khu vực của Sở Nông nghiệp và Môi trường An Giang được bố trí 3 chuyên viên bộ phận một cửa tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả thuộc 3 lĩnh vực: nông nghiệp, thủy sản và môi trường.
Sáng nay, ông Lý Văn Hưởng, chủ tàu khai thác thủy sản ở phường Rạch Giá đến nhận giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm để sản xuất kinh doanh sản phẩm. Chỉ vài phút sau khi đưa giấy hẹn vào bộ phận một cửa, ông đã nhận được giấy chứng nhận do Chi cục Thủy sản - Kiểm ngư tỉnh cấp, dấu mộc còn tươi màu mực. Mọi thứ diễn ra nhanh đến nỗi khiến ông ngỡ ngàng, giờ thì ông thực sự tin vào khẩu hiệu chính quyền phục vụ nhân dân.
Nhiều kỳ vọng ở mô hình mới
Bước sang ngày làm việc thứ hai, công tác vận hành chính quyền hai cấp ở các địa phương càng dần nhịp nhàng, đi vào nền nếp. Một cán bộ ở xã Cù Lao Dung (TP Cần Thơ) chia sẻ, công việc có nhiều hơn, nhưng nhờ phân quyền rõ ràng và dùng phần mềm quản lý thống nhất, các cán bộ xử lý khá nhanh và ít sai sót hơn. Đặc biệt trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản vốn là thế mạnh sản xuất nông nghiệp của xã Cù Lao Dung nay được tinh gọn đầu mối đáng kể.
Ông Nguyễn Văn Đắc, Phó Chủ tịch UBND xã Cù Lao Dung (TP Cần Thơ) cho biết, trước đây việc quản lý nguồn nước trong hoạt động nuôi trồng thủy sản còn chồng chéo giữa một số ngành.
Điển hình với những hộ nuôi thủy sản theo hình thức công nghiệp công nghệ cao phải đảm bảo xây dựng hệ thống xử lý nước thải trước khi đưa ra môi trường. Đối với các hộ nuôi nhỏ lẻ dù cũng đã có quy định về kê khai diện tích, thời gian thả nuôi, số lượng nuôi, cam kết về bảo vệ môi trường, hệ thống xử lý nước thải, chất thải… nhưng thực tế rất khó thực hiện do diện tích nuôi nhỏ và do Phòng Nông nghiệp và Môi trường cấp huyện trước đây quản lý.

Người dân, doanh nghiệp Cù Lao Dung đánh giá cao thái độ, tinh thần làm việc của các cán bộ trong những ngày đầu. Ảnh: Kim Anh.
Cấp xã chỉ có chức năng xác nhận vùng nuôi, ao nuôi để cấp mã số hoặc xác nhận đăng ký đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Hiện nay tất cả các hoạt động này đều được giao về Phòng Kinh tế của các xã quản lý. Việc phân công rõ ràng cho một đầu mối đã giúp địa phương chủ động quản lý.
“Nhờ gần dân hơn, cán bộ xã nắm rõ tình hình thực tế từng ao nuôi, dễ theo dõi việc xử lý nước thải và môi trường, giúp sản xuất thủy sản trở nên bền vững hơn”, ông Đắc nhấn mạnh.
Chị Lâm Thị Mai Thi ở xã Cù Lao Dung (TP Cần Thơ) bộc bạch, trước đây khi thực hiện các thủ tục, hồ sơ liên quan đến hoạt động nuôi trồng thủy sản, chị phải liên hệ qua nhiều cấp, đơn vị. Đôi khi có những hồ sơ phải chờ đợi lâu, tốn nhiều thời gian và chi phí đi lại. Hiện nay, việc giải quyết thủ tục liên quan ngay tại cấp xã, chị Thi kỳ vọng sẽ được thuận lợi hơn.
Không chỉ người dân, nhiều doanh nghiệp thủy sản cũng đặt kỳ vọng lớn vào bộ máy mới vận hành. Ông Ngô Minh Tuấn, Giám đốc Công ty TNHH Nuôi trồng thủy sản Tuấn Hiền (xã Tân Phú Đông, tỉnh Đồng Tháp) chia sẻ, doanh nghiệp đang có 40 ha nuôi tôm công nghệ cao. Trước đây, để đầu tư xây dựng các farm nuôi thì cần xin phép và chịu sự giám sát địa phương, huyện, tỉnh.
Thực hiện chính quyền địa phương hai cấp, các thủ tục hành chính sẽ giảm bớt. Đặc biệt, tại bộ phận một cửa Trung tâm phục vụ hành chính công cấp xã sẽ nhận hồ sơ của người dân và xử lý thủ tục nhanh gọn, nên người dân, doanh nghiệp nuôi thủy sản cảm thấy rất phấn khởi vì thủ tục giảm đi rất nhiều.
“Doanh nghiệp đang dự định đầu tư mở rộng diện tích farm nuôi nên tôi kỳ vọng mô hình mới sẽ ngày càng đáp ứng tốt hơn nhu cầu giải quyết thủ tục hành chính của người dân”, ông Ngô Minh Tuấn chia sẻ.
Sẵn sàng phục vụ nhân dân
Với tâm trạng phấn khởi khi nhận nhiệm vụ Bí thư xã Tràm Chim (tỉnh Đồng Tháp), ông Trần Thanh Nam, Bí thư xã chia sẻ: “Tôi cùng anh em đã có sự chuẩn bị tâm thế nhiều tuần qua. Khi bộ máy mới bắt đầu đi vào hoạt động từ ngày 1/7/2025, chúng tôi đã sẵn sàng nhận nhiệm vụ, sẵn sàng cống hiến. Trong quá trình chuẩn bị, xã Tràm Chim mới đã cơ bản hoàn thiện việc sắp xếp nhân sự, thành lập các cơ quan chuyên môn Đảng và chính quyền, đặc biệt là Trung tâm phục vụ hành chính công xã cũng đã vận hành thông suốt từ giữa tháng 6”.
Tinh thần sẵn sàng nhận nhiệm vụ, sẵn sàng cống hiến không chỉ lan tỏa trong đội ngũ cán bộ mà đi vào bản chất của công việc, mục tiêu trước mắt là tạo điều kiện tốt nhất phục vụ nhân dân.
Trao đổi với ông Võ Văn Tự, Phó Giám đốc Trung tâm phục vụ hành chính công tỉnh An Giang, ông Tự cho biết: Hoạt động dịch vụ hành chính công của chính quyền 2 cấp hiện nay không lệ thuộc vào địa giới hành chính. Có nghĩa là người dân nộp hồ sơ ở bất kỳ xã, phường nào trong tỉnh cũng được. Một hồ sơ thuộc thẩm quyền của sở, ngành tỉnh giải quyết, đáng lẽ phải đến Trung tâm phục vụ hành chính công tỉnh An Giang nộp, nhưng người dân ở gần UBND xã nào thì qua đó nộp. Nhiệm vụ của bộ phận một cửa là phải tiếp nhận và chuyển đến nơi có thẩm quyền giải quyết. Người dân chỉ cần chờ để nhận kết quả theo giấy hẹn”.