Phường phải đủ mạnh để gánh thay cả cấp huyện
Từ sáng ngày 1/7, Trung tâm Hành chính công phường Tiền Phong (tỉnh Bắc Ninh mới) đã đón hàng trăm lượt người dân tới làm thủ tục. Khác với những buổi đầu cải cách thường bị lúng túng, không khí tại đây diễn ra ổn định, không bị ùn ứ, từng bộ phận đều hoạt động liên tục.

Ngày làm việc đầu tiên áp dụng mô hình chính quyền 2 cấp, người dân phường Tiền Phong (tỉnh Bắc Ninh mới) vẫn được "phụng sự" trơn tru. Ảnh: Phạm Minh.
Mô hình chính quyền địa phương hai cấp là bước cải cách hành chính lớn nhất của đất nước bước vào kỷ nguyên vươn mình. Với tỉnh Bắc Ninh mới, mô hình này sẽ góp phần hướng tới mục tiêu thành phố trực thuộc Trung ương sớm.
Thế nhưng, “gọn” về tổ chức không đồng nghĩa với nhẹ việc. Ngay trong ngày đầu tiên, các cán bộ phường đã cảm nhận rất rõ điều đó.
Trao đổi với phóng viên, ông Ong Thế Viên – Chủ tịch UBND phường Tiền Phong cho biết: “Không còn huyện, mọi công việc đều trực tiếp giữa phường với tỉnh. Không còn chờ đợi chỉ đạo trung gian, cũng đồng nghĩa với việc xã, phường phải tự chủ, chịu trách nhiệm nhiều hơn cả về chuyên môn lẫn pháp lý”.
Trước ngày 1/7, phường đã được tỉnh chỉ đạo tổ chức tập huấn, rà soát lại quy trình xử lý thủ tục hành chính, củng cố lại nhân sự theo năng lực. Các nền tảng số như Cổng dịch vụ công, phần mềm quản lý văn bản, ký số… được chuẩn hóa để đảm bảo kết nối thông suốt từ cấp xã đến tỉnh. Trong ngày đầu, lãnh đạo phường trực tiếp có mặt tại Trung tâm Hành chính công để theo dõi, xử lý tình huống phát sinh tại chỗ.
Ông Viên cho biết thêm: “Chiều 1/7, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Gấu đã trực tiếp về kiểm tra, động viên phường Tiền Phong. Đó là nguồn cổ vũ tinh thần rất lớn với toàn thể cán bộ trong ngày đầu triển khai mô hình mới”.

Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh mới Nguyễn Văn Gấu (thứ 2, hàng thứ nhất từ trái sang) trò chuyện với người dân tại phường Tiền Phong. Ảnh: Phạm Minh.
Người dân kỳ vọng nhiều hơn, từ cải cách tổ chức đến cách làm
Tại khu vực tiếp dân, ông Ngô Đức Minh – Phó Giám đốc Trung tâm phục vụ Hành chính công phường Tiền Phong chia sẻ: “Trước đây nhiều đầu việc chuyển qua huyện, giờ phường phải làm bước đầu và chịu trách nhiệm. Không còn ‘gửi lên trên’, nên làm chậm, làm sai là dân biết ngay.”
Theo ông Minh, khó khăn lớn nhất hiện nay là một số thủ tục chuyên môn cao như đất đai, xây dựng, trước kia do phòng chuyên môn cấp huyện xử lý, nay cán bộ phường còn phải học thêm, làm quen thêm. Trong khi đó, nhu cầu của người dân thì không đợi mô hình mới ổn định.
“Chúng tôi xác định rõ: mô hình mới chỉ có ý nghĩa nếu phường đủ năng lực thực hiện, đủ uy tín để dân tin. Nếu dân vẫn phải lên tỉnh vì phường xử lý không xong, thì không còn ý nghĩa gì nữa cả”, ông Minh thẳng thắn chia sẻ.

Người dân được cán bộ phường Tiền Phong hướng dẫn rất cụ thể từng việc. Ảnh: Phạm Minh.
Trong ngày làm việc đầu tiên, nhiều người dân đến làm thủ tục đã bày tỏ kỳ vọng cao hơn ở chính quyền cấp xã/phường. Ông Thân Văn Ổn, 68 tuổi, cho biết: “Tôi đi làm hồ sơ đất cho con. Ngày xưa phải lên huyện, rồi quay lại xã, đi lại vất vả, mất rất nhiều thời gian. Nay làm ngay tại phường, thuận tiện, tiết kiệm cả thời gian lẫn chi phí đi lại”.
Chị Nguyễn Thị Yên, công nhân tại một doanh nghiệp gần đó, cho biết: “Tôi xin giấy xác nhận lý lịch để nộp hồ sơ cho con chuẩn bị nhập trường. Mới đầu hơi lo, tưởng sẽ lộn xộn vì bỏ cấp huyện. Nhưng cán bộ hướng dẫn rất cụ thể, thao tác qua VNeID nhanh. Miễn là phường xử lý được thì tôi hoàn toàn ủng hộ mô hình mới”.
Từ ngày 1/7/2025, mô hình chính quyền địa phương 2 cấp được triển khai đồng bộ tại 34 tỉnh, thành phố theo đúng lộ trình của Trung ương. Vai trò cấp xã/phường được tăng cường rõ rệt. Nhưng đi kèm đó là yêu cầu rất cao về năng lực quản lý, tư duy phục vụ và khả năng ứng dụng công nghệ của cán bộ địa phương.
Tại tỉnh Bắc Ninh mới, các văn bản hướng dẫn phân cấp, phân quyền đã được ban hành kịp thời; các tổ hỗ trợ chuyên ngành từ cấp tỉnh đã được thiết lập nhằm tháo gỡ khó khăn cho xã, phường trong quá trình vận hành bộ máy mới. Tuy nhiên, như ông Ngô Đức Minh – Phó Giám đốc Trung tâm phục vụ Hành chính công phường Tiền Phong chia sẻ: “Hệ thống có tốt đến đâu mà cán bộ phường yếu thì cũng không chạy được. Không ai làm thay xã/phường nữa rồi.”

Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh mới Nguyễn Văn Gấu đã trực tiếp về kiểm tra, động viên phường Tiền Phong. Ảnh: Phạm Minh.
Nhìn từ phường Tiền Phong, có thể thấy bước đầu vận hành mô hình chính quyền hai cấp đã diễn ra ổn định, không gián đoạn. Nhưng đó là kết quả của sự chuẩn bị nghiêm túc, tinh thần trách nhiệm và sự vào cuộc từ chính cơ sở, nơi đang gánh vác nhiều hơn, trực tiếp hơn trong mô hình mới.
Người dân đang theo dõi. Cán bộ đang thay đổi. Và chính quyền – nếu muốn thực sự gần dân – sẽ phải làm được bằng năng lực thực chất, chứ không chỉ tinh gọn trên giấy tờ.