| Hotline: 0983.970.780

Sự hài lòng của người dân là ‘thước đo’ chính quyền hai cấp

Thứ Năm 03/07/2025 , 10:20 (GMT+7)

Sự hài lòng của người dân trở thành ‘kim chỉ nam’ cho hoạt động của chính quyền hai cấp, là ‘thước đo’ thực chất để đánh giá hiệu quả nỗ lực cải cách hành chính.

Ông Vũ Tuấn Trung, Chánh Văn phòng HĐND - UBND phường Cửa Nam (TP. Hà Nội) cho biết, khi triển khai chính quyền hai cấp phường Cửa Nam xác định sự hài lòng của người dân luôn là thước đo cuối cùng cho mọi nỗ lực cải cách. Phương châm này được thể hiện rõ nét qua việc đẩy mạnh chính quyền số, ứng dụng nền tảng dữ liệu mở, phát triển dịch vụ công trực tuyến và hệ thống giám sát đô thị thông minh, tất cả đều hướng đến một mục tiêu duy nhất là nâng cao hiệu quả quản lý, phục vụ người dân tốt hơn.

Ông Vũ Tuấn Trung, Chánh Văn phòng HĐND - UBND phường Cửa Nam (TP. Hà Nội).

Ông Vũ Tuấn Trung, Chánh Văn phòng HĐND - UBND phường Cửa Nam (TP. Hà Nội).

Mô hình chính quyền hai cấp là bước đi chiến lược

Ông kỳ vọng gì khi chuyển sang mô hình chính quyền hai cấp và đâu là những chuyển biến cụ thể mà người dân sẽ thấy rõ nhất trong thời gian tới?

Việc Hà Nội chính thức chuyển sang mô hình chính quyền đô thị hai cấp - chỉ còn cấp thành phố và cấp phường là bước đi mang tính chiến lược, nhằm tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và phục vụ người dân tốt hơn. Thành phố kỳ vọng mô hình này sẽ tạo ra một nền hành chính hiện đại, linh hoạt, đáp ứng nhanh các yêu cầu thực tiễn đô thị đang phát triển rất nhanh và phức tạp.

Ba chuyển biến người dân sẽ cảm nhận rõ rệt trong thời gian tới là thủ tục hành chính nhanh, gọn, minh bạch hơn: Việc phân cấp mạnh mẽ, tăng quyền chủ động cho các phường giúp giải quyết hồ sơ, thủ tục hành chính ngay tại cơ sở, giảm thời gian chờ đợi, giảm vòng luẩn quẩn ‘chuyển lên - xin ý kiến - chuyển về’.

Bộ máy tinh giản nhưng hoạt động hiệu quả hơn với việc không còn Hội đồng nhân dân cấp phường, cơ cấu tổ chức gọn hơn nhưng trách nhiệm và quyền hạn của chính quyền phường sẽ rõ ràng, linh hoạt hơn - tức là ‘nói đi đôi với làm’, giải quyết việc cho dân sát sao hơn. Người dân được phục vụ thay vì phải ‘xin - chờ - chạy’. Đây là thay đổi lớn về tư duy quản trị.

Hà Nội không chỉ kỳ vọng tinh gọn bộ máy, mà quan trọng hơn là nâng cao chất lượng sống cho người dân đô thị, để mỗi công dân cảm nhận được chính quyền gần hơn, hiệu quả hơn và minh bạch hơn.

Lấy chất lượng phục vụ củng cố niềm tin

Vậy theo ông, để mô hình mới vận hành hiệu quả ngay từ đầu, chính quyền cấp cơ sở cần làm gì để nâng cao năng lực cán bộ, trách nhiệm công vụ và giữ được niềm tin của nhân dân?

Theo tôi, muốn mô hình mới phát huy hiệu quả ngay từ giai đoạn đầu, chính quyền cấp cơ sở cần xác định rõ hai yếu tố then chốt là nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ và củng cố niềm tin của người dân.

Người dân đến làm thủ tục tại Điểm phục vụ hành chính công Cửa Nam. Ảnh: Xuân Hà.

Người dân đến làm thủ tục tại Điểm phục vụ hành chính công Cửa Nam. Ảnh: Xuân Hà.

Trước hết là năng lực cán bộ phải được đặt lên hàng đầu. Chúng tôi xác định, cán bộ cấp cơ sở không chỉ cần am hiểu chuyên môn, mà còn phải linh hoạt, sáng tạo trong xử lý công việc, gần dân, sát dân và lắng nghe dân. Việc tổ chức đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng quản trị, ứng xử và giải quyết tình huống thực tiễn phải được triển khai bài bản, liên tục.

Tiếp đó là trách nhiệm công vụ phải được cụ thể hóa bằng hành động. Muốn dân tin, cán bộ phải làm thật, làm đến nơi đến chốn, không hình thức, không né tránh. Minh bạch trong xử lý công việc, công khai trong thông tin và rõ ràng trong quy trình là điều kiện tiên quyết.

Cuối cùng, để giữ vững niềm tin của nhân dân, chính quyền cơ sở cần thực sự lắng nghe và đồng hành cùng người dân. Khi tiếng nói của người dân được coi trọng, khi những phản ánh, kiến nghị được giải quyết thấu đáo, niềm tin sẽ được củng cố và lan tỏa.

Phường Cửa Nam - Trái tim mới của Thủ đô Hà Nội

Ông có thể chia sẻ đôi nét về sự hình thành của phường Cửa Nam và trong quá trình chuyển đổi mô hình, đơn vị sẽ làm gì để đảm bảo tính công khai, minh bạch, kiểm soát quyền lực và đặc biệt là giữ vững kỷ cương, liêm chính trong thực thi công vụ?

Phường Cửa Nam hình thành trên cơ sở nhập toàn bộ diện tích tự nhiên và dân số của các phường: Trần Hưng Đạo, Hàng Bài, Phan Chu Trinh (Hoàn Kiếm); phần lớn diện tích tự nhiên và dân số của phường Cửa Nam (Hoàn Kiếm); một phần diện tích tự nhiên và dân số của các phường: Hàng Bông, Hàng Trống, Tràng Tiền (Hoàn Kiếm); Phạm Đình Hổ, Nguyễn Du (Hai Bà Trưng).

Người dân nhận kết quả tại Điểm phục vụ hành chính công Cửa Nam. Ảnh: Xuân Hà.

Người dân nhận kết quả tại Điểm phục vụ hành chính công Cửa Nam. Ảnh: Xuân Hà.

Chúng tôi xác định việc thành lập phường Cửa Nam không chỉ là bước điều chỉnh hành chính mang tính chiến lược theo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, mà còn là sự tái sinh của một vùng đất hội tụ tinh hoa, sẵn sàng vươn mình trở thành hình mẫu đô thị hiện đại - sáng tạo - bền vững giữa lòng Thủ đô ngàn năm văn hiến.

Trong quá trình chuyển đổi mô hình, phường Cửa Nam xác định rõ công khai, minh bạch và liêm chính không chỉ là nguyên tắc, mà là nền tảng. Để đảm bảo điều đó, phường Cửa Nam sẽ triển khai đồng bộ nhiều giải pháp có trọng tâm, trọng điểm.

Cụ thể là phường Cửa Nam sẽ công khai hóa quy trình ra quyết định, bổ nhiệm, điều chuyển cán bộ, đồng thời xây dựng hệ thống giám sát chặt chẽ thông qua công nghệ số và sự tham gia của người dân.

Phường sẽ tăng cường kiểm soát quyền lực thông qua cơ chế kiểm tra, giám sát chéo giữa các cơ quan chức năng. Những sai phạm, biểu hiện tiêu cực trong thi hành công vụ sẽ bị xử lý nghiêm minh, không có ngoại lệ, không có “vùng cấm”.

Đặc biệt, việc giữ vững kỷ cương, liêm chính sẽ gắn với trách nhiệm người đứng đầu. Thành phố Hà Nội nói chung và phưởng Cửa Nam nói riêng đều hướng tới một bộ máy hành chính không chỉ hiệu quả mà còn sạch và vững vàng, đúng với tinh thần ‘vì dân phục vụ’.

Trân trọng cảm ơn ông!

Đến hết 2/7/2025, Điểm phục vụ hành chính công Cửa Nam có tổng số lượt công dân đến làm việc tại điểm tiếp nhận hành chính công là 128 lượt. Trong đó, số giao dịch lĩnh vực Hộ tịch (khai sinh, khai tử, kết hôn …) 15 lượt; Chứng thực 106 lượt; Địa chính - xây dựng 1 lượt; Y tế, lao động thương binh xã hội 1 lượt; Kinh tế, công thương 5 lượt.

 

Xem thêm

Bình luận mới nhất