| Hotline: 0983.970.780

Đa dạng hệ sinh thái cho cây sen Hà Nội

Chủ Nhật 13/07/2025 , 10:20 (GMT+7)

Gần đây nhiều người đi qua xã Chuyên Mỹ, TP Hà Nội đã phải dừng lại để ngắm, chụp ảnh và hít hà mùi thơm của một đầm sen lớn ở ngay ven đường.

Ông Nguyễn Xuân Đại - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Hà Nội (thứ hai từ trái) cùng cán bộ Trung tâm Khuyến nông Hà Nội kiểm tra mô hình sen tại xã Chuyên Mỹ. Ảnh: Dương Đình Tường. 

Ông Nguyễn Xuân Đại - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Hà Nội (thứ hai từ trái) cùng cán bộ Trung tâm Khuyến nông Hà Nội kiểm tra mô hình sen tại xã Chuyên Mỹ. Ảnh: Dương Đình Tường. 

Ao cá hóa đầm sen

Chiều ngày 11/7 ông Nguyễn Xuân Đại - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Hà Nội đã có chuyến đi kiểm tra, đánh giá mô hình khuyến nông 7,5 ha trồng sen gắn với xây dựng thương hiệu và phát triển du lịch tại xã Chuyên Mỹ. Anh Nguyễn Văn Thông đại diện cho 10 hộ dân tham gia mô hình thông tin, trước đây phần lớn diện tích là ao thả cá nhưng đều thua lỗ bởi dịch bệnh, bởi giá cám cao nhưng giá cá hạ.

Vụ này họ được Trung tâm Khuyến nông Hà Nội hỗ trợ 50% giống, phân bón và tập huấn về kỹ thuật trồng, chăm sóc sen để đảm bảo cây phát triển đều và không bị sâu bệnh. Nguồn thu năm đầu đến từ việc bán hoa tươi với giá 3.000-4.000đ/bông và bán trà sen ướp bông với giá 20.000/bông, tính ra được khoảng 80-100 triệu đồng/ha, khá khiêm tốn nhưng vẫn hơn nhiều so với nuôi cá. Thời gian tới nhóm hộ mong tiếp tục nhận được sự hỗ trợ của Sở Nông nghiệp và Môi trường trong việc xây dựng thương hiệu, phát triển các sản phẩm OCOP từ sen, đưa trà sen Chuyên Mỹ vươn ra thị trường thế giới.

Hà Nội đang có khoảng trên 600 ha sen được trồng tập trung ở các địa phương như Mỹ Đức, Mê Linh, Ba Vì, Thanh Oai, Thường Tín, Phú Xuyên, Ứng Hòa…Thành phố cũng đã bảo tồn được một giống sen quý như sen bách diệp Hồ Tây và phối hợp với Viện Nghiên cứu Rau quả khảo nghiệm hơn 30 giống sen mới, chọn lọc ra gần 20 giống phù hợp với điều kiện sinh thái, phục vụ mục tiêu đa dạng hóa sản phẩm (lấy hoa, lấy hạt, lấy củ, lấy tơ…).

Một số HTX như HTX sen Mê Linh đã xây dựng mô hình liên kết sản xuất trên tổng diện tích 50 ha gắn với chế biến, tiêu thụ đồng thời kết hợp du lịch trải nghiệm và bảo tồn văn hóa sen truyền thống. Hiện Hà Nội có 18 sản phẩm OCOP từ cây sen gồm trà ướp sen, chè sen, hạt sen sấy, tơ sen, khăn lụa sen, tinh dầu sen…Nổi bật nhất là sản phẩm lụa tơ sen đạt OCOP 5 sao của nghệ nhân Phan Thị Thuận ở Mỹ Đức với giá bán hàng triệu đồng/sản phẩm và trở thành quà tặng cho những khách VIP.

Bà Nguyễn Thị Kim Quế - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội kiểm tra mô hình sen ở xã Chuyên Mỹ. Ảnh: Dương Đình Tường.

Bà Nguyễn Thị Kim Quế - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội kiểm tra mô hình sen ở xã Chuyên Mỹ. Ảnh: Dương Đình Tường.

Thời gian gần đây Trung tâm Khuyến nông Hà Nội đã xây dựng mô hình sản xuất hoa sen giống mới năng suất, chất lượng, thích ứng với biến đổi khí hậu trên tổng diện tích 59,5 ha với 23 hộ tham gia. Riêng năm 2025, bên cạnh mô hình sản xuất hoa sen gắn với xây dựng thương hiệu và phát triển du lịch ở Chuyên Mỹ đơn vị còn triển khai mô hình sản xuất hoa sen giống mới năng suất (7,5ha), chất lượng thích ứng với biến đổi khí hậu tại Mỹ Đức và Phúc Thọ (20ha).

Đối với sen lấy hoa (giống bách diệp, super…) trung bình hái được 40.000 bông/ha, với giá bán 8.000 - 9.000 đồng/bông cho thu nhập 320-360 triệu đồng/ha trong thời gian 3 tháng. Đối với sen lấy hạt (giống sen mặt bằng) trung bình tách được 1.750 kg hạt khô, với giá bán 100.000-120.000 đồng/kg cho thu nhập 175 – 210 triệu đồng/ha.

Trồng sen ở vùng trũng, cấy lúa, thả cá kém hiệu quả giúp phát triển các sản phẩm OCOP của Hà Nội, kích thích du lịch sinh thái, tăng giá trị sản xuất trên một đơn vị diện tích, góp phần nâng cao thu nhập cho nông dân. Bởi thế, thành phố đặt mục tiêu năm 2025 sẽ có 900 ha sen cũng như tổ chức hội thảo quốc tế về sen, nghiên cứu phát triển các giống sen ra hoa bốn mùa, liên kết với các tỉnh, thành để phát triển vùng trồng sen, đặc biệt là giống sen quý bách diệp.

Sen chỉ là cái cớ để phát triển các sản phẩm tiếp

Theo ông Nguyễn Xuân Đại - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Hà Nội dù thành phố ưu tiên cho phát triển đô thị, công nghiệp, dịch vụ, du lịch nhưng vẫn không quên phát triển nông nghiệp bởi diện tích đất nông nghiệp còn tới 197.000 ha, bởi giá trị an sinh xã hội của nó. Thành phố đang giao cho Sở Nông nghiệp và Môi trường nghiên cứu nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp theo hướng đa giá trị, hiệu quả kinh tế cao đồng thời bảo vệ được môi trường, đa dạng sinh học.

“Chúng tôi đang chuẩn bị trình Hội đồng Nhân dân TP những cơ chế, chính sách hỗ trợ cho nông nghiệp cao hơn so với mức của trung ương hoặc trung ương không có. Đi kèm với đó là quy hoạch nhiều vùng sản xuất chuyên canh tập trung, đầu tư cho các mô hình sản xuất đa giá trị. Ở những vùng trũng thì có mô hình trồng sen.

Cận cảnh hoa sen ở xã Chuyên Mỹ. Ảnh: Dương Đình Tường. 

Cận cảnh hoa sen ở xã Chuyên Mỹ. Ảnh: Dương Đình Tường

Tới đây trồng sen không chỉ đơn thuần để bán hoa, bán hạt, bán củ mà còn tạo ra nhiều sản phẩm khác nữa. Chúng tôi sẽ trình Hội đồng Nhân dân để ban hành nghị quyết về việc cho phép xây dựng trên đất nông nghiệp với tỷ lệ nhất định, quy mô vừa phải, không vi phạm Luật đất đai để kết hợp phát triển du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm.

Hiện, có những nơi như Tây Hồ sen cho thu nhập 400 triệu đồng/ha nhưng sẽ còn phải áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, khai thác theo hướng đa giá trị, kết hợp với du lịch nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế hơn. Ở đó sen chỉ là cái cớ để phát triển những sản phẩm tiếp theo.

Thứ nhất là kỹ thuật, nông dân đang canh tác theo thói quen cũ nên có nhiều giống sen quý của Hà Nội không còn được giữ nguyên những giá trị như ban đầu. Thứ hai là với các giống cũ, lối canh tác cũ cây sen chỉ tồn tại được 2-3 tháng/năm trong khi muốn phát triển du lịch phải có thời gian gấp đôi, gấp ba như vậy. Trong thời gian vừa rồi chúng tôi đã mời nhiều nhà khoa học vào cuộc, xây dựng được khoảng 30 giống sen phù hợp với nhiều thời điểm trồng trong năm, không chỉ mùa hè mà cả mùa đông. Thứ ba là tất cả các vùng trồng sen phải xây dựng đề án đảm bảo về kỹ thuật, cảnh quan, môi trường...

Trong những năm gần đây số khách du lịch đến với Hà Nội đạt khoảng 30 triệu lượt/năm, tuy nhiên khoản thu từ du lịch vẫn còn khiêm tốn. Đặc biệt là Hà Nội còn chưa tận dụng hết những di tích; khoảng 1.300 làng nghề, làng có nghề; 14 con sông; hơn 30.000 ha đất bãi và sự đa dạng về địa hình như đồi núi, đồng bằng, vùng trũng ngập để làm du lịch sinh thái, du lịch nông nghiệp.

Vì vậy thành phố đã chỉ đạo các sở, ngành trong đó có Sở Nông nghiệp và Môi trường xây dựng nhiều chủ trương, chính sách, nghị quyết trình Hội đồng Nhân dân thông qua nhằm phát triển du lịch trong đó có du lịch nông nghiệp. Du lịch nông nghiệp cũng là cách để giảm tải cho nội đô khi chuyển bớt khách về nông thôn, thông qua đó mà giảm khoảng cách giữa nông thôn và thành thị nhờ tạo thêm nhiều việc làm cũng như nâng cao thu nhập cho người dân địa phương”.    

Trang thông tin có sự phối hợp của Trung tâm Khuyến nông Hà Nội

Xem thêm
Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân tiếp nữ phi hành gia Amanda Nguyễn

Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân tiếp nữ phi hành gia gốc Việt Amanda Nguyễn, khẳng định cam kết về bình đẳng giới, khoa học và giao lưu Việt - Mỹ.

Bình luận mới nhất