Lan rộng các mô hình thí điểm
Sáng 13/7, tại TP Cần Thơ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì chương trình làm việc với các bộ ngành, địa phương về Đề án phát triển bền vững một triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL (gọi tắt là Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao).

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì chương trình làm việc với các bộ ngành, địa phương liên quan đến Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao. Ảnh: Kim Anh.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Trần Thanh Nam trực tiếp báo cáo với Thủ tướng Chính phủ một số kết quả đạt được từ các mô hình thí điểm Đề án. Cụ thể, vụ hè thu năm 2025, Bộ Nông nghiệp và Môi trường tiếp tục triển khai 11 mô hình ở các vùng sinh thái khác nhau, để đánh giá kỹ quy trình canh tác bền vững và đo đếm lượng giảm phát thải.
Ngoài ra, các địa phương vùng ĐBSCL đã chủ động triển khai 101 mô hình thí điểm, với tổng diện tích trên 4.518 ha. Kết quả các mô hình đều có năng suất tăng từ 5-10%, hiệu quả kinh tế tăng từ 3-5 triệu đồng/ha.
Điển hình, mô hình thí điểm ở tỉnh Đồng Tháp cho thấy, năng suất lúa đã đạt 7,1 tấn lúa/ha, tăng 4% so với ngoài mô hình. Lợi nhuận nông dân thu được gần 28 triệu đồng/ha, tăng hơn từ 4,6-4,8 triệu đồng/ha so với ngoài mô hình. Giá thành sản xuất trong mô hình giảm khoảng 500 đồng/kg lúa. Thu nhập tăng thêm từ việc bán rơm là 400 nghìn đồng/ha. Lượng giảm phát thải đo trong mô hình này cũng đạt khoảng 3,13 tấn CO2/ha/vụ.
Tại TP Cần Thơ, tính đến tháng 6/2025, diện tích triển khai Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao đã đạt khoảng 76.000 ha, với 12 mô hình.

Chủ tịch UBND TP Cần Thơ báo cáo Thủ tướng Chính phủ một số kết quả đạt được khi triển khai Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao. Ảnh: Minh Trung.
Năng suất lúa tại các mô hình đạt cao hơn từ 0,3-0,7 tấn/ha so với nông dân canh tác theo phương pháp truyền thống. Về hiệu quả kinh tế, tổng chi phí sản xuất ở các mô hình giảm trung bình 1,1 triệu đồng/ha. Lợi nhuận mô hình cao hơn đối chứng từ 1,3-6,5 triệu đồng/ha (tương đương tăng hơn 6,6-36,7%) nhờ giảm 50% lượng giống, giảm 30% lượng phân đạm, giảm 2-3 lần sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và giảm lượng nước tưới 30-40%. Đặc biệt, theo kết quả của IRRI về việc đo đạc phát thải khí nhà kính cho thấy, các mô hình triển khai tại TP Cần Thơ giảm từ 2-12 tấn CO2/ha.
Tính đến nay, tổng diện tích các địa phương ĐBSCL đăng ký triển khai đề án là 312.000 ha, tăng 112.000 ha so với kế hoạch đề án (khoảng 200.000 ha vào năm 2025). Đặc biệt, 60% diện tích này đã liên kết được với các doanh nghiệp để cung ứng vật tư đầu vào và tiêu thụ đầu ra.
Gỡ vướng tài chính, đầu tư hạ tầng thủy lợi
Tuy nhiên, Thứ trưởng Trần Thanh Nam cho biết: “Hiện các mô hình đang gặp khó khăn trong việc rút nước. Có những địa phương chỉ triển khai được một phần trong quy trình canh tác. Do theo quy trình phải rút 3 đợt nước, tuy nhiên hệ thống thủy lợi, kênh bao, kênh trục hiện không đảm bảo để thực hiện vấn đề này”.

Thứ trưởng Trần Thanh Nam kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giải quyết khó khăn liên quan cơ chế tài chính cho Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao. Ảnh: Kim Anh.
Trong khi đó, đầu tư hệ thống thủy lợi là một trong những hoạt động quan trọng để thúc đẩy thành công của đề án. Thời gian qua Bộ Nông nghiệp và Môi trường đã tích cực làm việc với Ngân hàng Thế giới (WB) để huy động nguồn vốn triển khai Dự án “Hỗ trợ hạ tầng và kỹ thuật cho lúa chất lượng cao và phát thải thấp vùng ĐBSCL”, khoảng 340 triệu USD.
Mới đây, WB đã cam kết hỗ trợ bước đầu cho Việt Nam khoảng 50 triệu USD không hoàn lại để triển khai đề án. Tuy nhiên, đến nay Bộ Nông nghiệp và Môi trường vẫn chưa thể tiếp nhận nguồn vốn này do vướng chính sách liên quan đến vấn đề tài chính. Do đó, Thứ trưởng Trần Thanh Nam kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính sớm có công văn gửi WB để có kế hoạch bố trí vốn, cũng như phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Môi trường và các địa phương tiếp tục chuẩn bị, hoàn tất các thủ tục tiếp theo để tiếp nhận nguồn vốn viện trợ nói trên. “Nếu không làm sớm, khi hết niên hạn đầu tư, WB sẽ chuyển nguồn vốn 50 triệu USD này sang quốc gia khác”, Thứ trưởng Trần Thanh Nam lý giải.
Bên cạnh đó, Thứ trưởng Nam cũng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, đồng ý về chủ trương cho phép Bộ Nông nghiệp và Môi trường tiếp cận theo cơ chế “Dự án đầu tư công đặc biệt” được quy định tại Điều 7, sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công số 90/2025/QH15.
6 nhiệm vụ trọng tâm
Khẳng định Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp là dự án đầu tiên trên thế giới cũng là niềm tự hào của Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá cao sự chủ động của các tỉnh ĐBSCL trong việc triển khai các mô hình và sự vào cuộc, hưởng ứng tích cực của bà con nông dân và các HTX.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định ý nghĩa của việc triển khai Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao và chỉ đạo nhiệm vụ trọng tâm cần thực hiện trong thời gian tới. Ảnh: Kim Anh.
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, vạn sự khởi đầu nan, đề án triển khai đầu tiên nên cũng không tránh khỏi khó khăn. Tuy nhiên, việc triển khai đề án mang lại ý nghĩa rất lớn, không chỉ về mặt vật chất mà còn quan trọng về chính trị và giá trị tinh thần.
Một là đảm bảo an ninh lương thực không chỉ cho Việt Nam, các nước đối tác trong khu vực và bạn bè quốc tế. Hai là đề án tạo đầu ra rộng, tránh được vấn đề được mùa mất giá, được giá mất mùa. Nếu bà con có kế hoạch đầu tư, phát triển một cách khoa học, bài bản, chuyên nghiệp, hệ thống sẽ mang lại hiệu quả cao. Bà là góp phần chống biến đổi khí hậu, tạo công ăn việc làm và sinh kế ổn định cho người dân. Bốn là thúc đẩy khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số trong nông nghiệp, nhất là chế biến sâu. Năm là tạo tính liên kết vùng, liên kết quốc tế trong chuỗi cung ứng, đa dạng hóa chuỗi sản xuất, thị trường… Sáu là nâng cao thương hiệu gạo quốc gia.
Từ đó, Thủ tướng đặt ra nhiều nhiệm vụ trọng tâm, cụ thể cho Bộ Nông nghiệp và Môi trường cùng các bộ ngành liên quan, các địa phương vùng ĐBSCL trong việc triển khai Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao thời gian tới. Thủ tướng yêu cầu các địa phương trong quý III/2025 phải hoàn thành việc quy hoạch vùng chuyên canh 1 triệu ha lúa chất lượng cao.
Các bộ ngành liên quan phải xây dựng thương hiệu gạo cho Việt Nam. Ngoài thương hiệu ST25 đã đoạt giải, cần được bảo vệ một cách bền vững, phải xây dựng những thương hiệu mới và tạo ra thương hiệu gạo Việt Nam nói chung. Riêng Bộ Khoa học Công nghệ phải góp phần xây dựng thương hiệu, mẫu mã bao bì hấp dẫn, bắt mắt, phù hợp với văn hóa, bản sắc dân tộc và dễ dàng nhận biết.

Lô gạo giảm phát thải đầu tiên từ Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao đã được xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản. Ảnh: Kim Anh.
Liên quan đến vấn đề huy động nguồn lực cho đề án và kiến nghị của Bộ Nông nghiệp và Môi trường, Thủ tướng Phạm Minh Chính giao nhiệm vụ cho Ngân hàng Nhà nước xây dựng chính sách ưu đãi cho đề án. Bộ Tài chính có nhiệm vụ giải quyết các vấn đề liên quan đến vay vốn các tổ chức quốc tế, trong đó có nguồn viện trợ theo cam kết bước đầu của WB là 50 triệu USD.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng chỉ đạo Bộ Công Thương phải triển khai ngay việc ký kết các hiệp định lâu dài về lúa gạo, đảm bảo đầu ra ổn định cho nông dân. Đối với các doanh nghiệp, Thủ tướng đề nghị đảm bảo cung ứng đầu vào và tiêu thụ đầu ra cho đề án.
Đến thời điểm này, đã có 620 HTX (giai đoạn 1) và 1.300 HTX (giai đoạn đến năm 2030) tham gia đề án. Ngoài ra, Bộ Nông nghiệp và Môi trường đã xác định được danh sách gần 200 doanh nghiệp tham gia đề án, trong đó khoảng 40% là các doanh nghiệp tiêu thụ nông sản quy mô liên kết từ 200 ha trở lên.
Thời gian tới, Bộ Nông nghiệp và Môi trường sẽ rà soát và hoàn thiện quy trình canh tác giảm phát thải cho vùng đề án; hoàn thiện và ban hành hướng dẫn về đo đạc, báo cáo và thẩm định phát thải (MRV) cho canh tác lúa chất lượng cao; xây dựng và triển khai chiến lược phát triển thương hiệu gạo Việt phát thải thấp; tham mưu đề xuất thí điểm chính sách và cơ chế chi trả tín chỉ carbon dựa vào kết quả cho vùng chuyên canh lúa chất lượng cao, chính sách và cơ chế thí điểm trao đổi tín chỉ carbon cho ngành hàng lúa gạo…