Trang bị kỹ năng tác nghiệp an toàn cho phóng viên trong thiên tai
Thứ Năm 10/07/2025 , 18:00 (GMT+7)
Phóng viên cần trang bị kỹ năng tác nghiệp trong thiên tai để đảm bảo an toàn, truyền tải thông tin chính xác, góp phần nâng cao năng lực phòng chống thiên tai cộng đồng.
Ngày 10/7, tại Phú Thọ, Cục Quản lý đê điều và Phòng chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) tổ chức Chương trình Tập huấn kỹ năng tác nghiệp an toàn trong thiên tai cho đội ngũ phóng viên chuyên trách về phòng chống thiên tai.
Phó Cục trưởng Cục Quản lý đê điều và Phòng chống thiên tai Nguyễn Văn Tiến phát biểu khai mạc Chương trình. Ảnh: Phạm Hiếu.
Chuyển đổi số là chìa khóa nâng cao hiệu quả tuyên truyền
Theo ông Đặng Khắc Lợi, Phó Cục trưởng Cục Báo chí (Bộ VD-TT-DL), hiện nay, công tác tuyên truyền về phòng chống thiên tai tại nhiều cơ quan báo chí vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn như nhân lực mỏng, nội dung chưa hấp dẫn, ứng dụng công nghệ và nền tảng số còn hạn chế, sự phối hợp giữa các bên liên quan chưa hiệu quả.
“Trong bối cảnh đất nước đang đẩy mạnh chuyển đổi số toàn diện và hội nhập quốc tế sâu rộng, công tác truyền thông về phòng chống thiên tai càng cần được nâng tầm cả về nội dung lẫn phương thức thể hiện. Báo chí không chỉ là cầu nối giữa người dân và cơ quan quản lý mà còn giữ vai trò định hướng dư luận, nâng cao nhận thức, khuyến khích hành động đúng đắn của cộng đồng và doanh nghiệp”, ông Đặng Khắc Lợi khẳng định.
Theo đó, đại diện Cục Báo chí khuyến nghị các cơ quan báo chí cần phát triển các nền tảng số, từ việc xây dựng fanpage, website, YouTube, TikTok đến ứng dụng công nghệ mới như AI, chatbot, big data để lan tỏa thông tin và tương tác với công chúng.
“Chuyển đổi số giúp cá nhân hóa trải nghiệm, nâng cao hiệu quả tiếp cận. Thông qua các công cụ kỹ thuật số và hệ thống phân tích dữ liệu lớn, có thể thiết kế chiến dịch tuyên truyền theo từng nhóm đối tượng, từng khu vực, từng lĩnh vực nghề nghiệp”, ông Đặng Khắc Lợi nêu rõ.
Theo ông Đặng Khắc Lợi, các cơ quan báo chí cần phát triển các nền tảng số trong công tác tuyên truyền về phòng chống thiên tai. Ảnh: Phạm Hiếu.
Dù vậy, ông Lợi cũng thẳng thắn chỉ ra rằng quá trình chuyển đổi số trong công tác tuyên truyền về phòng chống thiên tai hiện vẫn gặp nhiều rào cản như thiếu ngân sách, hạ tầng công nghệ chưa đồng bộ, đội ngũ chưa được đào tạo bài bản và đặc biệt là nguy cơ tin giả, thông tin xấu độc, rủi ro an ninh mạng ngày càng gia tăng.
Trước thực tế đó, ông đề xuất một số giải pháp như tăng cường đầu tư và nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin theo tinh thần Nghị quyết 57-NQ/TW, lấy nền tảng số làm động lực phát triển; Đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ phóng viên, biên tập viên về kỹ năng số, ứng dụng dữ liệu trong hoạch định chiến lược tuyên truyền; Sản xuất nội dung sáng tạo, gần gũi với giới trẻ, học sinh, sinh viên – những nhóm tiếp nhận thông tin chủ yếu trên môi trường số; Tăng cường liên kết với doanh nghiệp, đối tác công nghệ, đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động truyền thông; Bảo đảm an toàn thông tin và trải nghiệm người dùng khi kết nối qua các nền tảng số.
“Phát huy vai trò của cơ quan quản lý báo chí, kết hợp với sự đổi mới sáng tạo của các cơ quan báo chí sẽ là chìa khóa nâng cao uy tín, hình ảnh ngành phòng chống thiên tai trong kỷ nguyên số”, ông Đặng Khắc Lợi nhấn mạnh.
Kinh nghiệm ‘thực chiến’ cho đội ngũ phóng viên thiên tai
Chia sẻ tại Chương trình, bà Nguyễn Thị Thúy Ái, Cục Quản lý đê điều và Phòng chống thiên tai, khẳng định, báo chí chính là cầu nối trực tiếp giữa cơ quan quản lý và người dân, góp phần đảm bảo tính công khai, minh bạch và chính xác trong cung cấp thông tin thiên tai từ dự báo, cảnh báo sớm, khuyến cáo ứng phó đến định hướng hành vi cộng đồng.
Bà Nguyễn Thị Thúy Ái nhấn mạnh vai trò quan trọng của các cơ quan báo chí trong phòng chống thiên tai. Ảnh: Phạm Hiếu.
Từ đó, đại diện Cục Quản lý đê điều và Phòng chống thiên tai chỉ ra 3 giai đoạn chủ chốt mà báo chí cần tham gia trong công tác truyền thông phòng chống thiên tai.
Cụ thể, trong giai đoạn phòng ngừa, báo chí cần tuyên truyền sâu rộng các kiến thức pháp luật về phòng chống thiên tai, tổ chức chiến dịch nâng cao nhận thức cộng đồng, truyền tải các biện pháp chuẩn bị ứng phó và giới thiệu mô hình, cá nhân điển hình. Đồng thời, phản ánh các hành vi vi phạm pháp luật về phòng chống thiên tai, từ đó nâng cao tính tuân thủ và trách nhiệm của chính quyền và người dân trong bảo vệ đê điều, giảm nhẹ rủi ro.
Trong giai đoạn ứng phó, khi thiên tai xảy ra, báo chí cần cập nhật liên tục, chính xác diễn biến, thông tin chỉ đạo điều hành, vị trí xung yếu, phương án sơ tán, cứu trợ... Các hướng dẫn “nên làm - không nên làm” cần được phổ biến rõ ràng. Thông tin phải dễ tiếp cận, chính thống, nhất quán, nhằm giảm thiểu hoang mang và phòng ngừa tin giả, tin đồn sai lệch trên mạng xã hội.
Trong giai đoạn khắc phục hậu quả, sau thiên tai, báo chí đóng vai trò trong việc thông tin thiệt hại, hướng dẫn phục hồi sinh kế, bảo vệ sức khỏe, vệ sinh môi trường và ổn định xã hội. Việc biểu dương mô hình phục hồi hiệu quả, cá nhân tích cực cũng góp phần lan tỏa tinh thần đoàn kết, chủ động ứng phó trong cộng đồng.
Phóng viên Kiên Trung, Báo Nông nghiệp và Môi trường, chia sẻ những kinh nghiệm tác nghiệp trong điều kiện thiên tai. Ảnh: Phạm Hiếu.
Đặc biệt, bà Nguyễn Thị Thúy Ái nhấn mạnh vai trò của báo chí trong tuyên truyền kỹ năng ứng phó cụ thể theo từng loại hình thiên tai, để thông tin không chỉ đúng mà còn thiết thực và dễ áp dụng.
Với bão, báo chí cần hướng dẫn người dân theo dõi sát các bản tin dự báo, cảnh báo bão để chủ động phòng tránh; Dự trữ lương thực, nước uống, thuốc men, vật dụng thiết yếu; Gia cố nhà cửa, sơ tán đến nơi an toàn khi có yêu cầu; Đảm bảo an toàn tàu thuyền, chuồng trại, thu hoạch sớm nông sản; Không ở lại trên tàu, lồng bè, chòi canh khi bão đổ bộ; Ghi nhớ và phổ biến các số điện thoại cứu hộ, cứu nạn trong trường hợp khẩn cấp.
Với lũ quét, sạt lở đất, báo chí cần hướng dẫn người dân nhận diện các dấu hiệu nguy hiểm như mưa lớn kéo dài, đất nứt, nước suối đổi màu, tiếng động lạ từ sườn đồi; Khuyến cáo di dời sớm khỏi khu vực ven sông, sườn núi, vùng trũng; Cảnh báo về các hành vi nguy hiểm như đi qua ngầm tràn, đánh bắt cá, bơi lội khi mưa lũ; Hướng dẫn chuẩn bị sẵn vật dụng khẩn cấp như đèn pin, dây thừng, thực phẩm, nước sạch và phương tiện liên lạc; Nhấn mạnh tuyệt đối tuân thủ chỉ đạo của chính quyền địa phương.
Ông Lê Trọng Đảm phát biểu tại Chương trình. Ảnh: Phạm Hiếu.
Phóng viên phải biết tự đảo đảm an toàn khi tác nghiệp
Theo ông Lê Trọng Đảm, Phó Tổng Biên tập Báo Nông nghiệp và Môi trường, trong công tác tuyên truyền về phòng chống thiên tai, các phóng viên không chỉ đóng vai trò truyền tải thông tin mà còn là những người trực tiếp có mặt tại hiện trường, tác nghiệp trong điều kiện khắc nghiệt, tiềm ẩn rủi ro cao từ lũ lụt, sạt lở, bão lớn đến vùng dân cư sơ tán khẩn cấp.
“Do đó, phóng viên phụ trách lĩnh vực phòng chống thiên tai không chỉ cần dũng cảm mà phải được trang bị kiến thức, kỹ năng để tự bảo đảm an toàn cho chính mình, từ đó mới có thể lan tỏa thông điệp phòng chống thiên tai hiệu quả tới người dân và cộng đồng”, ông Lê Trọng Đảm nhấn mạnh.
Không chỉ dừng lại ở kỹ năng tác nghiệp hiện trường, ông Đảm cũng cho rằng phóng viên cần được trang bị thêm kiến thức chuyên sâu về biến đổi khí hậu, xu thế cực đoan của thiên tai cũng như các cơ chế ứng phó của cơ quan chức năng để phản ánh đúng, trúng, kịp thời.
“Thông tin nhanh, kịp thời, đầy đủ và chính thống là yếu tố then chốt để người dân không bị cuốn vào những luồng thông tin sai lệch, thất thiệt lan truyền trên mạng xã hội. Báo chí không chỉ là người đưa tin mà còn là lực lượng tiên phong trong việc xây dựng niềm tin, củng cố năng lực phòng ngừa và ứng phó với thiên tai trong cộng đồng”, Phó Tổng Biên tập Báo Nông nghiệp và Môi trường khẳng định.
Việc duy trì các trạm chuyên môn ngành dọc nông nghiệp tại địa phương là yêu cầu cấp thiết, để thực thi chính sách, cầu nối giữa quản lý nhà nước và thực tiễn.
Nhiều nông sản đạt chuẩn Halal của Việt Nam sắp có cơ hội thâm nhập sâu hơn vào thị trường Pakistan nhờ thúc đẩy hợp tác, mở cửa xuất khẩu song phương.
Sở Nông nghiệp và Môi trường TP. Cần Thơ kiến nghị UBND TP nhiều nội dung cấp thiết của ngành sau sáp nhập, nhằm sớm ổn định tổ chức, vận hành hiệu quả.
Ông Vinod Ahuja - tân Trưởng đại diện FAO tại Việt Nam - đã xác định ba mục tiêu xuyên suốt nhiệm kỳ của mình: 'Vì Việt Nam, với Việt Nam và từ Việt Nam'.
Các đối tượng đã thu mua lợn bệnh, tổ chức giết mổ trái phép và tuồn ra thị trường, tiêu thụ tại các chợ đầu mối, nhà hàng, quán ăn trên địa bàn thành phố.
Với mối quan hệ tốt đẹp, Việt Nam và Thụy Sĩ có nhiều triển vọng mở rộng hợp tác song phương trong lĩnh vực nông nghiệp và môi trường giai đoạn 2025-2028.
Nghiên cứu cơ bản trong phòng chống thiên tai đóng vai trò nền tảng khoa học để thiết kế giải pháp hiệu quả về lâu dài, tiến tới ứng phó một cách chủ động.