Theo Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Tuyên Quang, chỉ trong riêng tháng 6, từ miền núi, vùng cao đến vùng hạ lưu sông Lô của tỉnh Tuyên Quang, thiên tai không chỉ phá vỡ nhịp sống thường nhật, mà còn để lại những nỗi đau sâu sắc, cả về người và tài sản.
Ngày 20/6, người dân thôn Cuôm, xã Đồng Tâm, tỉnh Tuyên Quang bàng hoàng khi hay tin cháu Hoàng Thị Ph, sinh năm 2017, trên đường đi chăn trâu về đã bị lũ cuốn trôi. Những nỗ lực tìm kiếm kéo dài trong nhiều giờ của lực lượng chức năng và người dân địa phương cuối cùng chỉ có thể mang cháu về trong vòng tay đau đớn.
Một sinh mệnh non nớt mất đi, là hồi chuông cảnh báo về tính mạng con người trước những bất trắc của thiên tai, đặc biệt là với trẻ em vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa còn thiếu kỹ năng ứng phó với hiểm họa tự nhiên.

Thiên tai khiến nhiều nhà dân ở Tuyên Quang bị thiệt hại. Ảnh: Đào Thanh.
Chỉ ba ngày sau, xã Hùng An lại chứng kiến một tai nạn khác khi bà Mã Thị Thu, người dân thôn Thành Tâm, bị sét đánh trong cơn mưa lớn kèm giông lốc. May mắn thay, bà được đưa đến cơ sở y tế kịp thời và giữ được tính mạng. Nhưng câu chuyện này một lần nữa khắc họa rõ ràng sự mong manh của con người khi đối mặt với những hiện tượng thời tiết cực đoan ngày càng khó lường.
Theo Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Tuyên Quang, toàn tỉnh đã có hơn 60 ngôi nhà bị ảnh hưởng bởi mưa lũ, hoa màu, tài sản bị ngập úng. Nhiều tuyến đường giao thông, đặc biệt là những tuyến đường liên xã vùng cao bị sạt lở, gây chia cắt trong nhiều giờ đồng hồ. Mưa lớn, sạt lở không còn là điều hiếm gặp, nhưng sự chồng chất thiệt hại vẫn luôn khiến người dân rơi vào thế bị động, dù đã quen sống trong điều kiện khắc nghiệt.
Từ ngày 27 đến 30/6 mực nước sông Lô dâng cao bất thường, buộc hồ thủy điện Tuyên Quang phải liên tiếp mở ba cửa xả đáy nhằm đảm bảo an toàn công trình và vùng lòng hồ. Tại xã Yên Phú, nước sông Lô dâng cao đã khiến hàng chục ha cây trồng bị ngập úng, nhiều hộ dân điêu đứng vì mùa vụ mất trắng ngay trước kỳ thu hoạch.

Nhiều diện tích cây ăn quả tại xã Yên Phú, tỉnh Tuyên Quang bị ngập úng do mưa lũ. Ảnh: Đào Thanh.
Anh Phạm Mạnh Tường, thôn 5 Minh Phú, xã Yên Phú, tỉnh Tuyên Quang chia sẻ, vườn chanh và phật thủ gần 2 mẫu bị nước ngập quá lâu, đến khi rút thì cây đã rũ lá, rễ bị thối, khó phục hồi. Đó không chỉ là thiệt hại về nông sản, mà là công sức, kỳ vọng, là cả mùa lao động bị cuốn trôi theo dòng nước đục ngầu sau lũ.
Còn tại thôn 2 Thống Nhất, xã Yên Phú, tỉnh Tuyên Quang người dân vẫn chưa hết ám ảnh khi nhớ lại cảnh tượng chiều 29/6. Nước lũ lên đến gần 2m, cô lập 12 hộ dân trong xóm nhỏ. Ông Phạm Quang Duyệt kể lại: “Hôm ấy, chúng tôi phải đi thuyền vào làng bởi nước bao vây bốn bề, cũng may không có thiệt hại về người”.
Đại diện Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Tuyên Quang cho biết, thiên tai giờ đây không còn là chuyện “đến hẹn lại lên” theo chu kỳ, mà ngày càng trở nên bất thường, cực đoan, khó dự đoán. Điều đó đòi hỏi mỗi địa phương, mỗi cộng đồng dân cư cần có kế hoạch phòng ngừa, chủ động ứng phó từ sớm, đặc biệt là các giải pháp giảm thiểu rủi ro thiên tai gắn với thích ứng biến đổi khí hậu. Khi thiên nhiên nổi giận, sự chủ động và đoàn kết của cộng đồng chính là cốt lõi vững chắc nhất để bảo vệ cuộc sống bình yên.