
Anh Nguyễn Văn Tình bên con cá tầm nuôi trên sông Hồng, Hà Nội. Ảnh: Dương Đình Tường.
Đem cá đến nuôi ở các dòng sông
Chỉ một lúc cả người của anh Nguyễn Văn Tình-Công ty CP cá sạch Việt Nam đã ướt đẫm nước sông Hồng vì những cú quẫy của những con cá tầm Siberi, Beluga nặng cả yến. Lúc còn nhỏ, sống ở quê tại Đoan Hùng, tỉnh Phú Thọ anh đã được bố mẹ truyền cho cái nghề nuôi cá, buôn cá rồi rong ruổi đạp xe đi cấp cá giống cho những vùng nuôi trong tỉnh, ngoài tỉnh.
Lớn lên, anh đi học ngành công nghệ dệt, làm nghề được khoảng mươi năm rồi lại quay về với đam mê cũ là nuôi cá. Nhưng lúc này những kinh nghiệm nuôi cá trước đây đã trở thành lỗi thời, anh phải tìm đến Viện nghiên cứu Thủy sản I để học hỏi thêm mới đủ tự tin thả các ô lồng cá trên sông Bứa, sông Lô, sông Đà...
Thế nhưng "người tính không bằng trời tính". 4 năm nuôi cá lồng trên sông thì 3 lần anh phá sản do lũ bùn, lũ quét lại phải “khăn gói quả mướp” xuống Hà Nội để tìm thuê địa điểm sản xuất cá giống bán lên miền núi và mua cá thịt từ miền núi về bán. Trong quá trình ấy, anh nhận thấy nhu cầu về cá sạch của Hà Nội rất lớn nhưng cá ở miền núi với nuôi thời gian lâu và chủ yếu bằng thức ăn tự nhiên có thịt rất thơm ngon lại có giá bán thấp, trong khi các chủ cơ sở nuôi phải mua giống dưới đồng bằng để thả với giá cao.
Vì thế nên năm 2018 anh đã thành lập Công ty CP cá sạch Việt Nam với mục đích kết nối cung ứng giống và tiêu thụ hàng cá sạch cho bà con, cũng như tự nuôi để chủ động nguồn hàng về cả số lượng và chất lượng.
Ngoài hơn 60 ô lồng đang thả cá ở sông Hồng, anh còn 3 cơ sở nuôi trồng thủy sản tại Phú Thọ, Cao Bằng và Lào Cai. Anh tận dụng mùa hè ở miền núi khi nhiệt độ nước suối dẫn về chỉ 17-24 độ C để nuôi cá tầm giống trong bể; sau đó tận dụng mùa đông ở dưới đồng bằng, khi nhiệt độ nước tại các sông hồ cũng chỉ 17-24 độ C để nuôi cá tầm thương phẩm trong lồng.

Khu lồng bè nuôi cá trên sông Hồng của anh Nguyễn Văn Tình. Ảnh: Dương Đình Tường.
“Câu chuyện bắt đầu từ năm 2019 khi tôi gợi ý cho anh Cường và anh Tuân ở huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương cũ nuôi cá tầm bởi thấy nhiệt độ nước ở dưới đồng bằng vào mùa đông rất phù hợp. Năm đầu họ nuôi thử nghiệm trên quy mô nhỏ mà đã rất thành công khi thu được khoảng 10 tấn cá tầm thương phẩm.
Nếu như mùa đông ở miền núi, nuôi cá tầm còn bị teo đi, con cá từ 2,4 kg qua đông chỉ còn 2,2 kg bởi có những ngày lạnh sâu dưới 8 độ C. Trong khi đó mùa đông ở dưới đồng bằng nuôi cá tầm lại bùng nổ về tăng trưởng, trung bình 500 gram/tháng, thậm chí có con đạt 1kg/tháng. Về chất lượng, cá nuôi ở dưới đồng bằng còn ngon hơn ở miền núi bởi lưu lượng nước sông chảy xiết liên tục làm cho chúng phải vận động liên tục; thứ nữa là hàm lượng các vi lượng trong nước sông dưới đồng bằng nhiều hơn hẳn so với nước suối ở miền núi nên cá ngọt, thơm, thịt vàng hơn.
Còn khó khăn khi nuôi cá tầm ở dưới đồng bằng là phụ thuộc vào thời tiết. Năm nào lạnh kết thúc sớm thì thời gian nuôi ngắn, còn năm nào lạnh kết thúc muộn thì thời gian nuôi được kéo dài. Như tháng 10 năm 2024 tôi bắt đầu tự nuôi cá tầm trong 20 ô lồng trên sông Hồng ở chân cầu Thanh Trì, Hà Nội tới tận tháng 7 năm 2025 này mà cá vẫn ăn đều, tăng trưởng đều, không phải chuyển ngược lên Sapa để nuôi tiếp đến khi đạt kích cỡ thương phẩm nữa.
Tốc độ sinh trưởng của cá tầm nuôi dưới đồng bằng nhanh gấp rưỡi so với trên miền núi, lại ít xảy ra dịch bệnh. Hiện tôi đã thu hoạch được 50 tấn cá thương phẩm và vẫn giữ lại một ít để nuôi thử nghiệm tiếp cho chúng qua hè”.
Lợi thế của cá tầm Việt Nam
Tôi hỏi anh Tình, cá tầm Việt Nam hiện đang bị cạnh tranh khốc liệt bởi cá tầm Trung Quốc nơi hội tụ tất cả các điều kiện tốt như tự nhiên ưu đãi, tự chủ về công nghệ sản xuất giống, thức ăn, quy trình kỹ thuật nên có giá bán rất thấp. Trong khi đó ta vẫn phụ thuộc khi phải nhập giống, nhập thức ăn nên có giá bán khá cao, vậy điều gì là lợi thế của nghề nuôi cá tầm ở Việt Nam?
Anh Tình trả lời rằng thực tế cho thấy nghề nuôi cá tầm ở Việt Nam đang có mấy lợi thế: quãng đường vận chuyển ngắn nên cá tới tay người tiêu dùng khỏe hơn; lao động thuê với giá rẻ hơn; chủ cơ sở biết ứng dụng linh hoạt các điều kiện tự nhiên như mùa hè nuôi giống trên miền núi, mùa đông nuôi thương phẩm dưới đồng bằng; quan trọng nhất là chất lượng cá tầm Việt Nam ngon hơn hẳn. Hiện giá xuất tại bè của anh là 200.000đ/kg và bán rất chạy, trong khi đó cá tầm Trung Quốc về tới chợ đầu mối tại Hà Nội chỉ khoảng 140.000đ/kg. Đó là đang vụ hè, khi sản lượng cá tầm nuôi ở Việt Nam còn ít nhưng khi vào đông, sản lượng nuôi nhiều thì giá sẽ hạ xuống, trung bình chỉ 140-150.000đ/kg. Tuy nhiên với mức giá đó vẫn còn có lãi khá vì giá hòa vốn chỉ khoảng 70.000-80.000đ/kg:

Giống cá tầm hiện chủ yếu nhập từ Trung Quốc. Ảnh: Nhân vật cung cấp.
“Nuôi cá lồng là đưa tiền của, thậm chí cả sổ đỏ của nhà mình xuống sông, nếu có gì sơ sảy thì mất hết. Bởi thế tôi có lời khuyên với những người có ý định nuôi cá tầm trong lồng bè là phải chọn giống loại khỏe mạnh, trọng lượng tối thiểu từ 1 kg trở lên để nuôi 3-5 tháng có thể thu hoạch được ngay trong vụ đông, không để đến vụ hè. Thời tiết năm nay rất thuận lợi để nuôi cá tầm vì lạnh kéo dài đến cả vụ hè chúng vẫn còn tăng trưởng nhưng sẽ có những năm nóng sớm, phải “chạy” cá lên vùng núi để nuôi tiếp đến kích cỡ thương phẩm. Khi ấy, không chỉ tốn chi phí mà con cá vận chuyển đi vận chuyển lại cũng sẽ bị yếu, bị hao hụt”.
Ngoài cá tầm, Công ty CP cá sạch Việt Nam của anh Tình còn nuôi nhiều loại cá khác như lăng đen, trắm đen, diêu hồng, rô Phi, ngạnh sông…Một chuỗi giá trị đang được hình thành từ việc tự sản xuất giống, nuôi thương phẩm đến tiêu thụ. Không chỉ vậy đơn vị còn hợp tác với các cơ sở khác ở nhiều tỉnh thành để cung cấp cá giống và bao tiêu cá thương phẩm.
Cá tầm là một trong những chi cá cổ nhất hiện còn tồn tại, chúng có nguồn gốc tại các vùng nước châu Âu, châu Á và Bắc Mỹ. Chúng thường kiếm ăn ở tầng đáy bằng cái mồm hình nêm sục sạo dưới lớp bùn mềm để phát hiện các loài động vật giáp xác và cá nhỏ. Khi ở tuổi trưởng thành, cá tầm dài khoảng 2,5-3,5 m và một số loài có thể còn to lớn hơn.