Sáng 14/7, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ để thảo luận, cho ý kiến về một số nội dung chuẩn bị cho phiên họp Chính phủ chuyên đề xây dựng pháp luật tháng 7/2025.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp của Thường trực Chính phủ về một số nội dung chuẩn bị cho phiên họp Chính phủ chuyên đề xây dựng pháp luật tháng 7/2025. Ảnh: Nhật Bắc.
Tham dự cuộc họp có Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình; các Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, Lê Thành Long, Hồ Đức Phớc, Bùi Thanh Sơn, Nguyễn Chí Dũng; cùng lãnh đạo nhiều bộ, ngành, cơ quan thuộc Chính phủ.
Tại cuộc họp, các đại biểu đã tập trung thảo luận về dự án Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi) do Bộ Công an chủ trì xây dựng; dự án Luật Thương mại điện tử do Bộ Công Thương chủ trì; và cơ chế tài chính đối với đề xuất dự án “Hỗ trợ hạ tầng và kỹ thuật cho lúa chất lượng cao, phát thải thấp vùng đồng bằng sông Cửu Long” sử dụng vốn vay Ngân hàng Thế giới.
Đối với dự án Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi), Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh quan điểm xuyên suốt là xác định công tác phòng ngừa là cơ bản, chiến lược, lâu dài và quyết định, cần huy động sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị. Việc kiên quyết loại bỏ ma túy học đường sẽ góp phần tạo dựng môi trường học tập an toàn, lành mạnh cho học sinh, sinh viên và lớp trẻ.
Với dự án Luật Thương mại điện tử, Thủ tướng đánh giá đây là lĩnh vực đang phát triển rất nhanh, mang lại lợi ích lớn cho người dân, doanh nghiệp, đồng thời đặt ra nhiều thách thức trong công tác quản lý.

Thủ tướng nhấn mạnh, việc xây dựng, hoàn thiện thể chế, pháp luật cần kịp thời thể chế hóa đầy đủ chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước. Ảnh: Nhật Bắc.
Do đó, Thủ tướng đề nghị cần có tư duy đổi mới, chủ động thể chế hóa đầy đủ các chủ trương của Đảng về chuyển đổi số. Luật phải góp phần tháo gỡ những vướng mắc hiện nay, đồng thời tạo thuận lợi để phát triển kinh tế số, xã hội số, công dân số, Chính phủ số; vừa tạo điều kiện, vừa thiết kế công cụ để quản lý hiệu quả. Trong đó, Thủ tướng đặc biệt nhấn mạnh vai trò quản lý chất lượng hàng hóa, thuế, chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng nhái, lừa đảo qua mạng.
Đối với việc xây dựng hồ sơ các dự án luật, Thủ tướng yêu cầu các cơ quan cần đảm bảo nguyên tắc “6 rõ”: Làm rõ nội dung lược bỏ, nội dung sửa đổi, bổ sung, những điểm cắt giảm và đơn giản hóa thủ tục hành chính, các nội dung phân cấp, phân quyền, những vấn đề còn ý kiến khác nhau và các vấn đề cần báo cáo thêm.
Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu thể chế hóa đầy đủ, kịp thời các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền gắn với phân bổ nguồn lực, nâng cao năng lực thực thi và tăng cường kiểm tra, giám sát. Cùng với đó, cần chuyển mạnh từ “tiền kiểm” sang “hậu kiểm”; lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, làm chủ thể; thúc đẩy cải cách hành chính, cắt giảm thủ tục, giảm phiền hà, tiết kiệm chi phí và thời gian tuân thủ.
Luật cần được quy định theo hướng khung, mang tính nguyên tắc, tập trung vào những vấn đề thuộc thẩm quyền của Quốc hội; còn những nội dung cụ thể sẽ do Chính phủ quy định nhằm đảm bảo tính linh hoạt, phù hợp với thực tiễn phát triển nhanh chóng của xã hội.
Thủ tướng nêu rõ tinh thần xuyên suốt là: “Cái gì đã chín, đã rõ, được thực tiễn chứng minh là đúng, thực hiện có hiệu quả, được đa số đồng tình, ủng hộ thì luật hóa, áp dụng vào cuộc sống; những vấn đề còn đang biến động, diễn biến phức tạp thì cần tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện, mở rộng dần, không cầu toàn, không nóng vội.”
Cuộc họp kết thúc với nhiều chỉ đạo cụ thể, nhằm giúp các cơ quan chủ trì hoàn thiện hồ sơ, chuẩn bị kỹ lưỡng nội dung trình tại phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật trong tháng 7 tới.
Phát triển 1 triệu ha lúa chất lượng cao là niềm tự hào của Việt Nam
Liên quan đến việc phát triển lúa chất lượng cao và phát thải thấp tại vùng Đồng bằng sông Cửu long, ngày 13/7 tại TP Cần Thơ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì buổi làm việc với các bộ, ngành và địa phương về Đề án phát triển bền vững một triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp. Thủ tướng khẳng định đây là dự án đầu tiên trên thế giới, thể hiện cam kết mạnh mẽ của Việt Nam với tăng trưởng xanh, phát triển bền vững và chống biến đổi khí hậu.
Theo Thủ tướng, đề án không chỉ đảm bảo an ninh lương thực trong nước và quốc tế, mà còn giúp tránh tình trạng "được mùa mất giá", tạo sinh kế ổn định cho người dân, thúc đẩy khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và nâng cao thương hiệu gạo quốc gia.
Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu các địa phương hoàn thành quy hoạch vùng chuyên canh trong quý III/2025. Bộ NN&MT và các bộ ngành liên quan phải đẩy mạnh xây dựng thương hiệu gạo, trong đó Bộ KH&CN có trách nhiệm phát triển mẫu mã, bao bì phù hợp với văn hóa Việt. Đồng thời, Thủ tướng giao Ngân hàng Nhà nước xây dựng chính sách tín dụng ưu đãi, Bộ Tài chính làm việc với các tổ chức quốc tế để huy động vốn, bao gồm 50 triệu USD cam kết từ Ngân hàng Thế giới (WB).