| Hotline: 0983.970.780

Việt Nam kỳ vọng doanh nghiệp Hoa Kỳ tiếp tục mở rộng đầu tư vào các lĩnh vực ưu tiên

Thứ Bảy 12/07/2025 , 07:47 (GMT+7)

Chiều 11/7, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có buổi tiếp và làm việc với đoàn doanh nghiệp của Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN (USABC).

Tham dự cuộc gặp có Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên, lãnh đạo các bộ, ngành liên quan cùng đại diện nhiều tập đoàn hàng đầu của Hoa Kỳ và thế giới như Apple, Google, Intel, Amazon, Boeing, Meta, IBM, Exxon Mobil, Citibank, Manulife, Ford, UPS, Abbott, Warburg Pincus, Zuellig Pharma…

Phía USABC có sự hiện diện của ông Ted Osius, nguyên Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam, hiện là Phó Chủ tịch cấp cao kiêm Giám đốc điều hành khu vực; ông Gregory Walters, Chủ tịch Ủy ban Tài chính và Quản lý rủi ro; và ông Brian MacFeeters, nguyên Đại sứ, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc USABC.

Chiều 11/7, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có buổi tiếp và làm việc với đoàn doanh nghiệp của Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN (USABC). Ảnh: VGP.

Chiều 11/7, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có buổi tiếp và làm việc với đoàn doanh nghiệp của Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN (USABC). Ảnh: VGP.

Đây là lần tiếp đoàn thứ 2 của Thủ tướng Chính phủ với các doanh nghiệp Hoa Kỳ khi từ cuối năm 2024. Ngoài các buổi làm việc chính thức, các doanh nghiệp Hoa Kỳ cũng đã nhiều lần có cơ hội đối thoại trực tiếp với lãnh đạo Việt Nam bên lề các hội nghị song phương và đa phương. Giới doanh nghiệp đánh giá cao sự lắng nghe và cam kết cải thiện môi trường đầu tư từ phía Việt Nam, đồng thời ghi nhận sự tiến triển rõ rệt trong tháo gỡ khó khăn sau mỗi cuộc trao đổi.

Tại buổi làm việc, Thủ tướng khẳng định định hướng cải cách tiếp tục là trọng tâm trong điều hành của Chính phủ. Việt Nam đang chuyển đổi mạnh mẽ từ mô hình quản lý sang phục vụ, lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm, từ đó tạo môi trường thuận lợi và minh bạch cho mọi thành phần kinh tế. Các bộ, ngành được yêu cầu khẩn trương tiếp thu và xử lý các đề xuất của doanh nghiệp với tinh thần cụ thể, rõ ràng về người chịu trách nhiệm, thời hạn, kết quả và phạm vi thẩm quyền.

Về phía doanh nghiệp Hoa Kỳ, nhiều ý kiến bày tỏ sự hài lòng với những thay đổi tích cực trong thủ tục hành chính, chính sách thu hút đầu tư và nỗ lực của Việt Nam trong việc bảo đảm quyền lợi hợp pháp của nhà đầu tư. Một số kiến nghị tập trung vào việc cải thiện thủ tục visa, điều kiện lao động và cơ chế kiểm soát an toàn thực phẩm, những yếu tố có ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động của doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam.

Thủ tướng khẳng định Việt Nam đang cải cách và sẽ còn cải cách hơn nữa, các cơ quan tiếp tục chuyển trạng thái mạnh mẽ, tạo thuận lợi nhất cho người dân và doanh nghiệp. Ảnh: VGP.

Thủ tướng khẳng định Việt Nam đang cải cách và sẽ còn cải cách hơn nữa, các cơ quan tiếp tục chuyển trạng thái mạnh mẽ, tạo thuận lợi nhất cho người dân và doanh nghiệp. Ảnh: VGP.

Phía USABC nhấn mạnh niềm tin vào nền kinh tế Việt Nam đang tăng trưởng ổn định và khẳng định không còn lo ngại về quy chế kinh tế thị trường. Đồng thời, các doanh nghiệp mong muốn tăng cường hợp tác với Việt Nam trong giai đoạn mới, đặc biệt là trong các lĩnh vực công nghệ cao, chuyển đổi số, năng lượng sạch và đổi mới sáng tạo.

Thủ tướng Phạm Minh Chính trân trọng cảm ơn các doanh nghiệp Hoa Kỳ đã ủng hộ, đóng góp tích cực trong thúc đẩy đàm phán giữa hai nước, cũng như hợp tác đầu tư, kinh doanh, thúc đẩy quan hệ song phương, tình hữu nghị, mang lại lợi ích thiết thực cho hai đất nước, cho doanh nghiệp và người dân hai nước.

Để tiếp tục thúc đẩy nâng cao chất lượng và hiệu quả hợp tác thương mại-đầu tư-kinh doanh giữa Việt Nam và Hoa Kỳ, Thủ tướng cũng đề nghị cộng đồng doanh nghiệp Hoa Kỳ tiếp tục có tiếng nói mạnh mẽ với Chính phủ Hoa Kỳ, đồng hành cùng Chính phủ Việt Nam trong việc đối thoại với các cơ quan của Hoa Kỳ để sớm đạt được thỏa thuận cụ thể về thuế quan đối với từng mặt hàng/nhóm hàng hợp lý, hướng tới kim ngạch thương mại ổn định, hài hòa, bền vững và cùng có lợi.

Đồng thời, có tiếng nói ủng hộ việc tăng cường hợp tác kinh tế- thương mại- đầu tư bền vững giữa hai nước; không sử dụng các biện pháp phòng vệ thương mại đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam hoặc có hành động làm ảnh hưởng đến quan hệ đang rất tốt đẹp giữa hai nước; thúc đẩy phía Hoa Kỳ sớm công nhận Quy chế kinh tế thị trường của Việt Nam và đưa Việt Nam ra khỏi danh sách hạn chế xuất khẩu công nghệ cao.

Phía USABC nhấn mạnh niềm tin vào nền kinh tế Việt Nam đang tăng trưởng ổn định và khẳng định không còn lo ngại về quy chế kinh tế thị trường. Ảnh: VGP.

Phía USABC nhấn mạnh niềm tin vào nền kinh tế Việt Nam đang tăng trưởng ổn định và khẳng định không còn lo ngại về quy chế kinh tế thị trường. Ảnh: VGP.

Chính phủ Việt Nam kỳ vọng các doanh nghiệp Hoa Kỳ tiếp tục mở rộng đầu tư có chất lượng tại Việt Nam, tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên như nông nghiệp công nghệ cao, công nghiệp chế biến, sản xuất bán dẫn và trí tuệ nhân tạo. Cùng với đó, việc chuyển giao công nghệ hiện đại, hỗ trợ nâng cao năng lực quản trị, đào tạo nguồn nhân lực cho doanh nghiệp Việt được xem là động lực quan trọng để nâng cao nội lực của nền kinh tế. Việt Nam cũng khuyến khích các tập đoàn Hoa Kỳ đẩy mạnh hợp tác chuỗi, tạo điều kiện để các doanh nghiệp trong nước tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu, qua đó từng bước nâng tầm vị thế và năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp nội địa.

Bên cạnh hoạt động đầu tư và kinh doanh, cộng đồng doanh nghiệp Hoa Kỳ được khuyến khích đóng vai trò tích cực hơn trong việc tham gia tham vấn, tư vấn chính sách, chia sẻ thông lệ quốc tế nhằm hỗ trợ Việt Nam hoàn thiện hệ thống thể chế, khung pháp lý và cơ chế điều hành phù hợp với yêu cầu của giai đoạn phát triển mới.

Trong quan hệ với Hoa Kỳ, Việt Nam theo đuổi nguyên tắc hợp tác dựa trên lợi ích hài hòa và chia sẻ rủi ro. Chính phủ cam kết đồng hành cùng doanh nghiệp với tinh thần trách nhiệm cao, thể hiện qua thông điệp rõ ràng: mọi cam kết phải được triển khai thực chất, mọi hành động phải mang lại hiệu quả cụ thể, có thể đánh giá và đo lường. Trên nền tảng đó, Việt Nam xác lập cơ chế “3 cùng”: cùng lắng nghe và thấu hiểu giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người dân; cùng chia sẻ tầm nhìn và phối hợp hành động để phát triển bền vững; cùng làm, cùng hưởng thành quả, cùng đóng góp vào sự thịnh vượng chung.

Chính phủ cũng sẽ tiếp tục cắt giảm rào cản hành chính, rà soát và hoàn thiện khung pháp lý theo hướng minh bạch, thông thoáng và bình đẳng. Những nỗ lực này nhằm xây dựng môi trường đầu tư thuận lợi, bảo đảm quyền lợi chính đáng của nhà đầu tư trong và ngoài nước, đồng thời giảm chi phí tuân thủ, chi phí đầu vào và logistics – các yếu tố thiết yếu giúp doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển ổn định, hiệu quả và lâu dài tại thị trường Việt Nam.

Xem thêm
Việt Nam là đối tác tiên phong trong nền tảng NPAP chống ô nhiễm nhựa

Đây là khẳng định của Giám đốc chương trình GPAP trước những cam kết quốc tế của Việt Nam trong vấn đề giảm ô nhiễm nhựa.

Bình luận mới nhất