| Hotline: 0983.970.780

Nông nghiệp xanh là nền tảng bền vững cho siêu đô thị TP.HCM

Thứ Tư 16/07/2025 , 06:30 (GMT+7)

TP.HCM Nông nghiệp xanh trở thành trụ cột quan trọng trong chiến lược phát triển bền vững của TP.HCM mới, góp phần bảo vệ môi trường, đảm bảo sinh kế và an ninh lương thực.

Chia sẻ tại hội thảo "Bộ công cụ đánh giá chuyển đổi xanh cho TP.HCM mới" do Viện Nghiên cứu Phát triển TP.HCM phối hợp tổ chức ngày 15/7, TS.Tô Thị Thùy Trang – thành viên nhóm nghiên cứu, nhấn mạnh: Để thực hiện hiệu quả các mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính và thích ứng với biến đổi khí hậu, cần đánh giá đúng thực trạng và năng lực chuyển đổi xanh của từng ngành. Trong đó, nông nghiệp là một lĩnh vực đặc thù, đòi hỏi cách tiếp cận riêng phù hợp với điều kiện tự nhiên và mô hình sản xuất đa dạng.

Rau thủy canh - mô hình tiêu biểu của nông nghiệp xanh đô thị tại TP.HCM. Ảnh: Hà Duyên.

Rau thủy canh - mô hình tiêu biểu của nông nghiệp xanh đô thị tại TP.HCM. Ảnh: Hà Duyên.

Theo bà Trang, nông nghiệp trong khu vực TP.HCM mới hiện diện dưới nhiều hình thức, từ nông nghiệp đô thị, ven biển đến lâm nghiệp và thủy sản. Tuy nhiên, mức độ ứng dụng công nghệ cao, kinh tế tuần hoàn hay năng lượng tái tạo trong nông nghiệp xanh vẫn còn khiêm tốn, phần lớn do quy mô sản xuất nhỏ lẻ, khó tiếp cận tài chính xanh và thiếu cơ chế khuyến khích cụ thể.

Trong giai đoạn 2025 - 2030, TP.HCM mới cần định hình các tiêu chí phát triển nông nghiệp theo hướng “thông minh và carbon thấp”, gắn với khả năng kiểm chứng bằng dữ liệu và tác động thực tế. “Việc chuyển đổi nông nghiệp xanh không thể chỉ dừng ở khẩu hiệu. Chúng ta cần các chỉ số cụ thể để biết mình đang ở đâu, cần cải thiện gì và ai phải hành động”, bà Trang nói.

Hiện tại, TP.HCM đã bước đầu xây dựng một bộ khung đánh giá chuyển đổi xanh với 10 trụ cột chính, trong đó nông nghiệp là một cấu phần quan trọng. Bộ công cụ này hướng đến việc đo lường năng lực xanh hóa trong từng lĩnh vực, từ sử dụng tài nguyên, giảm phát thải, áp dụng công nghệ cao cho đến hiệu quả chuỗi giá trị và khả năng thích ứng với khí hậu cực đoan. Dù vậy, bà Trang cũng lưu ý rằng đây chỉ là công cụ kỹ thuật, còn hiệu quả triển khai phụ thuộc lớn vào năng lực thực thi tại từng địa phương và sự chủ động thay đổi từ phía nông dân, doanh nghiệp.

PGS.TS Phan Thị Thục Anh (Trường ĐH VinUni) nhận định, không nên xem đây là một khuôn mẫu cứng nhắc. Điều quan trọng là cách mỗi địa phương sử dụng dữ liệu, lấy đó làm căn cứ điều chỉnh chính sách, phân bổ đầu tư và hỗ trợ các mô hình hiệu quả.

Từ góc độ thị trường, GS.Edmund Malesky (Đại học Duke, Hoa Kỳ) cho rằng hành vi “xanh hóa” trong nông nghiệp chỉ thực sự bền vững nếu được thúc đẩy từ cả hai phía: chính sách và nhu cầu người tiêu dùng. Kết quả khảo sát của ông tại các quốc gia ASEAN cho thấy, doanh nghiệp sẵn sàng đầu tư vào công nghệ xanh nếu có tín hiệu rõ ràng về cơ hội thị trường và cam kết ổn định từ chính quyền.

Trong khi đó, tại nhiều khu vực nông thôn ven đô, một số mô hình tuần hoàn đã bước đầu hình thành như tái sử dụng phụ phẩm nông nghiệp, điện mặt trời áp mái, sử dụng vi sinh thay thế thuốc bảo vệ thực vật. Tuy nhiên, các mô hình này vẫn dừng ở mức tự phát, thiếu kết nối chuỗi và khó mở rộng nếu không có sự đầu tư bài bản từ cấp quản lý.

GS.Edmund Malesky nhấn mạnh rằng không thể áp dụng một giải pháp chung cho tất cả doanh nghiệp trong quá trình chuyển đổi xanh. Thay vào đó, cần phân hóa chính sách theo đặc điểm từng nhóm. Với doanh nghiệp nước ngoài, đặc biệt là các đơn vị hướng đến thị trường nội địa Việt Nam, việc tăng cường quản lý và thanh tra sẽ mang lại hiệu quả cao. Trong khi đó, doanh nghiệp trong nước có định hướng xuất khẩu sẽ phản ứng tốt hơn với áp lực từ xã hội và thị trường, như yêu cầu minh bạch thông tin và tiêu chuẩn môi trường của đối tác toàn cầu. Ngược lại, các doanh nghiệp nhỏ, phân tán không nên là trọng tâm kiểm tra dàn trải, bởi chi phí giám sát lớn mà hiệu quả thấp, thay vào đó, nên có chính sách hỗ trợ và dẫn dắt phù hợp.

Xem thêm
Thủ tướng cho ý kiến về hai dự án luật quan trọng

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì họp Thường trực Chính phủ, cho ý kiến về Luật Phòng chống ma túy, Luật Thương mại điện tử và một số đề án trọng điểm.

Bình luận mới nhất