
Trong số gần 600 sản phẩm do Hacofood Group và Rance Pharma phát triển, có nhiều sản phẩm được ghi nhãn là thực phẩm dùng cho chế độ ăn đặc biệt như Sure IQ Gludiabet, Sure IQ Sure Gold... Ảnh: VTV.
Ngày 17/4, đại diện Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) Hà Nội chia sẻ với báo chí, trong tổng số gần 600 sản phẩm của Công ty CP Dược quốc tế Rance Pharma và Công ty CP Dược dinh dưỡng Hacofood Group, cơ quan có cấp giấy tiếp nhận bản đăng ký công bố sản phẩm cho 71 sản phẩm, chiếm khoảng 12%.
Tuy vậy, cũng theo vị đại diện này, các sản phẩm này chủ yếu thuộc nhóm thực phẩm dinh dưỡng thông thường, hoàn toàn không có sản phẩm nào dành cho các đối tượng đặc biệt như người bị tiểu đường, suy thận, trẻ sinh non thiếu tháng hay phụ nữ mang thai.
Đại diện Chi cục ATVSTP Hà Nội cho biết thêm, từ năm 2021 đến nay, đơn vị đã tiếp nhận và cấp giấy công bố cho 67 sản phẩm thuộc Công ty Rance Pharma và 4 sản phẩm của Hacofood Group. Như vậy, phần lớn sản phẩm còn lại - khoảng 90% - được công bố tại các địa phương khác, không thuộc thẩm quyền quản lý của Hà Nội.
Trước những thông tin dư luận quan tâm liên quan đến các sản phẩm sữa giả, Cục An toàn thực phẩm (ATTP) thuộc Bộ Y tế đã có văn bản yêu cầu các địa phương bao gồm Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hòa Bình, Hưng Yên và Hải Dương rà soát, tổng hợp thông tin liên quan đến hoạt động sản xuất và kinh doanh các sản phẩm sữa của các doanh nghiệp liên quan.
Các Sở Y tế, Sở ATTP, Ban Quản lý ATTP và Chi cục ATVSTP tại các địa phương này được yêu cầu cung cấp danh sách sản phẩm đã được công bố, số lượng hồ sơ, tình hình cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP, cũng như kết quả thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm từ năm 2021 đến nay.

Đại diện Chi cục ATVSTP Hà Nội cho biết thêm, từ năm 2021 đến nay, đơn vị đã tiếp nhận và cấp giấy công bố cho 67 sản phẩm thuộc Công ty Rance Pharma và 4 sản phẩm của Hacofood Group. Ảnh: Tuổi trẻ.
Việc công bố và đăng ký sản phẩm thực phẩm hiện nay được thực hiện theo quy định tại Nghị định 15/2018/NĐ-CP. Theo đó, phần lớn thực phẩm được doanh nghiệp tự công bố. Tuy nhiên, với 4 nhóm sản phẩm đặc thù như thực phẩm bảo vệ sức khỏe, thực phẩm dinh dưỡng y học, thực phẩm dùng cho chế độ ăn đặc biệt và sản phẩm dinh dưỡng cho trẻ dưới 36 tháng tuổi, bắt buộc phải đăng ký bản công bố sản phẩm tại cơ quan Nhà nước có thẩm quyền trước khi được phép lưu hành trên thị trường.
Một bộ hồ sơ công bố hợp lệ cần bao gồm phiếu kết quả kiểm nghiệm sản phẩm trong vòng 12 tháng và tài liệu khoa học chứng minh công dụng của sản phẩm hoặc của các thành phần có tác dụng chính đã được nêu. Ngoài ra, theo phân cấp quản lý trong Nghị định 15/2018/NĐ-CP, UBND cấp tỉnh chịu trách nhiệm tổ chức tiếp nhận và quản lý hồ sơ công bố đối với các nhóm sản phẩm đặc biệt nêu trên.
Trong số gần 600 sản phẩm do Hacofood Group và Rance Pharma phát triển, có nhiều sản phẩm được ghi nhãn là thực phẩm dùng cho chế độ ăn đặc biệt như Sure IQ Gludiabet, Sure IQ Sure Gold; hay các sản phẩm dinh dưỡng như Kid Baby Talacmum dành cho trẻ từ 0 đến 12 tháng tuổi, IQ Grow Talacmum dành cho trẻ từ 1 đến 15 tuổi, Gain Talacmum và thực phẩm bổ sung Talacmum For Mum. Tuy nhiên, theo xác nhận của Chi cục ATVSTP Hà Nội, không sản phẩm nào trong số này được công bố tại địa phương.