Căn phòng riêng thuộc Khu tập thể Bệnh viện 108 (Hà Nội), GS.BS Nguyễn Thị Ngọc Toản vẫn sống một mình giữa sách vở và những bức tường phủ kín ảnh chồng con. Có lẽ ở nơi tận cùng thương nhớ, cánh cửa tâm linh sẽ mở ra. Gia tài quý nhất của bà là những bức thư Trung tướng Cao Văn Khánh (1916 - 1980) gửi từ mọi chiến trường, trong cuộc đời đằng đẵng mấy mươi năm Nam chinh Bắc chiến của ông.
Cao Văn Khánh sinh ra và lớn lên tại ngôi nhà có những khóm hoa tường vi ở đường Ngự Viên, nay đổi tên là Nguyễn Du, thành phố Huế và trải qua con đường học vấn giống các anh trai mình. Cơn lốc thời cuộc 1945 đã cuốn bốn anh em đầy cá tính và khí phách về những chân trời khác nhau cho đến ngày cuối cùng của chiến tranh.
Năm 1953 đánh dấu một sự kiện quan trọng trong đời ông .Một hôm sau chiến dịch Hòa Bình, ông Lê Quang Đạo cho ông xem bức ảnh cô sinh viên y khoa Nguyễn Thị Ngọc Toản, một cô gái Huế với những đường nét thanh tú, nói: “Cô này mới trong thành ra, con Cụ Thượng mà cũng đi kháng chiến đấy nhé”.
Đại đoàn trưởng Vương Thừa Vũ, lúc đó đang nằm điều trị tại bệnh xá, còn tự tay chụp ảnh “đối tượng” đang thực tập tại đây, gửi cho người Phó của mình, kèm theo một mũi tên và dòng chữ gạch đít rõ đậm “mụ đeo kính mà chông cho rõ nhé!”(có lẽ “chông” và “mụ” là cách ông gọi đùa Cao Văn Khánh). Lá thư đầu tiên ba gửi đến tay mẹ tôi một thời gian sau đó, bắt đầu thiên tình sử trong xa cách của ông bà.
Kể từ khi yêu nhau, ba tôi viết cho mẹ tôi gần như hằng ngày. Ba tôi viết rất nhiều, trên mỗi nẻo đường chiến trận, về cuộc sống chiến trường, những xúc động trước mỗi trận đánh lớn, hay niềm hạnh phúc tự hào khi thắng trận.
Những ghi chép và những lá thư của ông tuy kín đáo nhưng vẫn tràn đầy cảm hứng và tình yêu cuộc sống, như những tác phẩm nhỏ. Con người nghệ sĩ “tiểu tư sản” trong ông không bị thui chột bởi cuộc sống chiến trường, không bị bức tử bởi những cuộc chỉnh huấn chinh quân, nó như một người bạn tâm giao, nâng đỡ và an ủi những mơ ước chưa thực hiện, đem lại cho ông những ánh sáng hi vọng từ trong rừng thẳm.
Mặt trận B3 - Tây nguyên
Sau khi Mỹ ồ ạt đưa quân đội vào miền Nam, tháng 9 năm 1964, Quân ủy Trung ương quyết định điều một số đơn vị chính quy lớn vào miền Nam chiến đấu. Đại tá Cao Văn Khánh, Phó Tư lệnh kiêm Tham mưu trưởng Quân khu 3, lên đường vào Nam chiến đấu tháng 4/1966. Từ 1966 đến 1969, ông lần lượt giữ các chức vụ Phó Tư lệnh của Chiến trường B3, Quân khu Trị Thiên, Quân khu IV.
Nằm cuối đường vận chuyển 559, lại xa các tuyến chi viện đường biển, bộ đội Tây Nguyên thường xuyên bị đói, bệnh tật, không có gạo và các nhu yếu phẩm khác, muối cũng không có, tiêu chuẩn mỗi ngày có chiến sĩ đếm được mấy chục hạt muối nhỏ.
Đi đôi với cái đói là sốt rét ở Tây Nguyên. Bộ đội càng đói càng dễ mắc sốt rét ác tính, nằm la liệt ở bệnh viện, trạm xá. Bác sĩ Đinh Văn L., Viện phó Viện Ngoại của mặt trận Tây Nguyên, chết do sốt rét ác tính tiểu ra huyết cầu tố. Mẹ tôi lại càng lo lắng vì ba tôi nhiều lần bị sốt rét ác tính. Bà viết “Nhìn ảnh anh gầy rộc, tóc rụng hết, tôi không sao cầm được nước mắt”.
Trong thư ngày 22/12/1966 gửi vào Tây Nguyên, mẹ kể cho ba: “Vân cứ hỏi sao ba đi mãi không về ăn cơm sợ ba đói?” “Bảo nói với Vân: Khi nào ba đánh hết Mỹ, thì ba được về ăn Tết. Các chú bộ đội cũng được về hết. Bé Vân nói "Ba được về, nhưng cũng có chú bộ đội phải ở lại để đánh thằng Mỹ”. Bảo cãi lại: "Đã bảo là đánh hết thằng Mỹ thì ba mới về, thì còn chú nào phải ở lại? Ba về thì các chú cũng về hết! Vân không chịu: “Em nghĩ phải có một chú bộ đội ở lại để giữ, nhỡ có một thằng Mỹ nó quay lại, nó bắn ta thì sao?”…
(Bây giờ nghĩ lại, hóa ra anh Bảo tôi đã nhận định rất đúng khi mới 6 tuổi, chỉ có điều không ngờ chiến tranh lại diễn ra lâu như thế… Ba tôi chỉ được ra ăn Tết đầu năm 1974, sau khi Mỹ đã rút quân khỏi Việt Nam)
Băng ghi âm mấy mẹ con nói chuyện gửi ra mặt trận làm ba bất ngờ thích thú: “Tiếng nói của em và con ấm áp quá, gần gũi quá sức, như đứng bên cạnh anh. Tiếng hát của con trong trẻo và ngây thơ, nhất là khi mẹ hỏi con yêu ai nhất - Yêu ba Khánh mẹ Toản nhất, ba ơi khi nào thống nhất ba về với con… Và cũng chính vì để cho mọi người cùng về với vợ con nên ba mới cố gắng nỗ lực phi thường đó con ạ!”
Khi nghe con hát, hơn một chục đồng chí xúm vào nghe và rất thích thú. Ai có con đều thấy như nghe con mình đang hát và đều chung vui với anh. Ở đây tình cảm riêng đã thành tình cảm chung. Tiếng cười của con ngây thơ và ấm áp làm sao.
Khe Sanh
Đợt cuối 1967, ba ra Hà Nội có mấy ngày mà lại đi suốt, nên mẹ không vui lắm. Ba giải thích ông đi đưa thư của anh em ở chiến trường gửi cho gia đình họ.
Nhiều năm sau, bà mới biết ba tôi ra nhận nhiệm vụ tổ chức chiến dịch “vừa nghi binh vừa đánh thật” ở Khe Sanh, thu hút tối đa lực lượng tinh nhuệ của Mỹ, để tạo thuận lợi cho các chiến trường khác trong chiến dịch Mậu Thân 1968.
Đảm nhiệm vai trò chỉ huy Mặt trận Khe Sanh để thay Tư lệnh về nghỉ dưỡng bệnh, Cao Văn Khánh đã thể hiện bản lĩnh quyết đoán và luôn kiểm soát được tình hình. Lần đầu tiên gặp sư đoàn kỵ binh bay, lực lượng cơ động mạnh nhất của Mỹ, tư tưởng tinh thần chiến sĩ có phần bị tác động.
Trận chiến Khe Sanh đã thành món ăn hầu như hàng ngày của người xem truyền hình Mỹ, vốn đã quá mêt mỏi với những hình ảnh chết chóc đổ nát của cuộc chiến Việt nam, cũng như danh sách con em chết trận ngày càng dài ra.
Suốt thời gian chiến đấu, ba tôi luôn giữ bức thư của tôi gửi cho ông ở Khe Sanh: “Ba ơi con đã học sang quyển vỡ lòng tập hai. Con nhận được thư ba rồi con mừng lắm. Con nhớ ba lắm, khi nào thống nhất ba về với con…”.
Bức thư bà Vân gửi cho tướng Khánh
***
Dù đang mang bầu đứa con út, ba đứa con nhỏ gửi sơ tán ba nơi, nhưng mẹ tôi vẫn tràn đầy thất vọng khi đơn xin ra chiến trường không được chấp thuận.
Khi lớn lên, có những lúc tôi thầm nghĩ mẹ nhiệt tình xông pha như vậy cũng có phần thái quá, vì ở nhà chăm sóc con cái cũng là nhiệm vụ “cách mạng” của người phụ nữ. Khi tôi hỏi thẳng chuyện đó, mẹ nói khi nào tôi bị qui kết xuất thân “quan lại bóc lột”, “đội lốt chui vào Đảng” thì tôi mới hiểu được bà.
Từ ngày đi sâu vào chiến trường, thư ông gửi ra thưa thớt hơn, do điều kiện liên lạc rất khó khăn. Hóa ra 5 năm bom đạn chiến đấu liên tục ở chiến trường miền Nam vẫn được coi là ngắn, vì ngày 11/6/1970, ông viết cho vợ thông báo: “Về vấn đề sinh hoạt, hiện nay anh thuộc về chế độ B dài từ tháng 7…”
Đó là chế độ dành cho những người đi chiến trường lâu dài. Lính tráng kháo nhau từ B ngắn mà chuyển sang B dài thì nhiều khả năng sẽ đi sâu vào Nam. Quả thật, đối với mẹ tôi lúc đó cái tên “B dài” gợi lên hình ảnh một đường hầm càng đi càng hun hút tăm tối không sao trở ra được. Có những giây phút nản lòng với gánh nặng bốn đứa con thơ khi ông cứ đi biền biệt, bà viết:
19/7/1970... Đã có lúc có ý nghĩ thoáng qua rằng giá như trước đây, hai anh em mình sống độc thân để phục vụ cho cách mạng thì có lẽ hay hơn, khỏi phải bận bịu cho mình, và cũng đỡ khổ cho các con phải thương nhớ và cứ phải xa ba mãi…
Như đoán trước những thất vọng và buồn bã của vợ khi nhận tin này, ông kể về những chiến sĩ ở mặt trận nơi ông tới:
Anh em cán bộ ở đây đã lâu năm gian khổ với chiến trường, có người hứa hôn 10 năm rồi mà vẫn chưa được về cưới, người yêu ở nhà vẫn một lòng chờ đợi, thật cũng tội nghiệp. Anh cũng đang tìm cách tạo điều kiện để giải quyết những trường hợp trên.
Trung tướng Cao Văn Khánh (1916-1980), từng đảm nhận nhiều chức vụ quan trọng như Khu trưởng Khu 5 (1945), Đại đoàn phó Đại đoàn 308, Đại đoàn chủ lực đầu tiên của Bộ Tổng Tư lệnh, Cục trưởng Cục Quân huấn, Phó Tổng tham mưu trưởng QĐND Việt Nam (1974-1980). Ông được phong quân hàm Thiếu tướng (1974), Trung ướng (1980)… |
Nghĩ miên man rồi lại nghĩ đến em, đến những khó khăn em đã khắc phục một cách dũng cảm trong 5 năm anh đi vắng, vừa công tác vừa nuôi con, chu toàn mọi việc, và lại càng yêu em nhiều lắm. Một lần Tương viết thư cho anh đã nói: "Chị Toản tuy nhớ anh nhiều nhưng luôn luôn tỏ ra dũng cảm chịu đựng, bình tĩnh không để lột ra ngoài. Chúng em bảo nhau phải học tập gương của chị”. Càng yêu em anh càng tự hào về người vợ yêu của anh và thấy mình càng phải nỗ lực, làm thế nào để em cũng được tự hào về anh".
Chiến trường mới
Là người lạc quan, nhưng những tháng đầu tiên chuẩn bị cho chiến dịch ở mặt trận B70 thật hết sức gian nan, “nhiều lúc tưởng chừng không vượt qua được”.
Thế nhưng mỗi lần nhớ mái nhà hạnh phúc, nhiều trang thư của ông lại trĩu nặng những trăn trở trách nhiệm và chất chứa một nỗi niềm "thương lính" mà ông gọi là "những chiến sĩ vĩ đại", khi nhìn những chiến sĩ trẻ chỉ nhỉnh hơn con trai mình, trước một chiến dịch đã lường trước là vô cùng khốc liệt.
Hôm kia nghe tin bão đầu mùa, anh lại nghĩ đến em và các con. Mai kia Vũ lớn lên đi bộ đội, khi trời mưa bão cũng sẽ xông pha như những chú tân binh trẻ măng đang hăng hái xông ra mặt trận. Càng thương con, càng thương anh em chiến sĩ, thật là vĩ đại vô cùng, gian khổ bao nhiêu cũng luôn luôn vui vẻ, quyết tâm đánh giặc đến cùng. Thật là thế hệ anh hùng. Con ta sau này cũng thế.
Càng nghĩ đến các chú bé ngây thơ kia, anh càng thấy trách nhiệm của mình làm thế nào giành được thắng lợi lớn mà đỡ hy sinh nhiều cho anh em, và càng thấy lo lắng, vì mình thương con mình thì người ta cũng thương con người ta. Trách nhiệm người chỉ huy trong giai đoạn quyết liệt này thật là quá nặng.
Thư ba tôi viết từ mặt trận B70 ngày 15-1-1971 có đoạn:
15/1/1971: Chỉ còn hơn 10 ngày nữa là đến ngày Tết. Năm nay là 5 năm xa nhau, nhưng năm nào đến ngày Tết anh cũng luôn cảm thấy như có em và các con bên cạnh… Tết năm nay, chắc cũng không có dịp về thăm nhà, vì ngày Tết khẩn trương và phải sẵn sàng chiến đấu… nhưng anh sẽ nhớ đến em và các con rất nhiều đêm 30 Tết và trong những ngày đầu Xuân”…
…Em cố chuẩn bị cho các con ăn Tết cho thoải mái. Khi gia đình sum họp thì cứ coi như là anh đang ở bên cạnh em và các con, mặc dù anh ở xa… Gửi các con nửa cân kẹo Tết phần của ba…
Cửa Việt - trận cuối cùng trước giờ ngưng bắn
Tài liệu của Việt Nam Cộng Hòa viết: “Suốt ba đêm từ 28 đến 30/1, Đại tá Cao Văn Khánh chỉ huy điều động lực lượng và hoàn chỉnh đội hình để tấn công cảng Cửa Việt…".
Trận đánh này được ba tôi mô tả lại khá tỉ mỉ trong lá thư đề ngày 1/2/1973 (nhằm ngày 29 Tết), gửi cho mẹ tôi qua chú Hoàng Minh Thi.
“Em rất thân yêu của anh,
Ngày mai là 30 Tết, có anh Minh Thi về Hà Nội với anh H .
Đêm hôm nay, anh ngồi viết thư cho em trong một trạng thái tư tưởng chưa bao giờ có. Vì nhiều sự kiện dồn dập đến với anh trong một thời gian rất ngắn.
Hiệp định ngừng bắn tuy đã có hiệu lực từ hôm 28/1, nhưng đến hôm nay hòa bình thực sự mới có thể đảm bảo ở khu vực này, sau khi ta tiêu diệt hoàn toàn nhiều đơn vị lớn của địch và đánh bại hoàn toàn cuộc hành quân rất mạo hiểm của địch ra lấn chiếm Cửa Việt. Quân ta đã đánh một trận kết thúc chiến tranh đúng vào ngày trước Tết, bảo đảm cho đồng bào miền Bắc ăn Tết với lòng thanh thản, không lo âu.
Anh cũng vừa về Chỉ huy sở tối hôm nay, người rất mệt sau 5 đêm căng thẳng và không ngủ, và ngày hôm nay lại đi suốt ngày nên ý nghĩ hơi lộn xộn, nhưng có lẽ em cũng đã biết sơ sơ về trận đánh ngày 30-31 rồi. Anh nói nhiều đến trận đánh của bộ đội ta ở Cửa Việt, nhưng lại quên chưa nói em biết trận đánh như thế nào…
(…)
Xe anh qua cầu Hiền Lương, cầu phao của Mặt trận bắc để tiếp tế, anh xuống đi bộ cho thoải mái. Hai bờ sông Hiền Lương, hai cờ đối diện. Dưới sông thuyền máy chạy như mắc cửi, mang cờ Mặt trận và cờ đỏ sao vàng, vui quá. Công binh, nhân dân, phụ nữ đang sửa đường, và đang tíu tít làm cổng chào hai bên bờ cho kịp Tết. Bờ Bắc chào cờ Nam giải phóng, bờ Nam chào bờ Bắc tự do, hai bờ chào nhau chiến thắng vĩ đại. Lại có cả đèn điện căng lên, chuẩn bị đêm giao thừa cho hai miền. Thật là một trạng thái vô cùng huy hoàng sau gần 100 năm gian khổ và chết chóc đau thương.
Đây là hòa bình, hòa bình từ đây. Từ đây con cái chúng ta sẽ được yên ổn ăn học, vui chơi. Bé Vân sẽ được tha hồ học nhạc. Cu Anh sẽ đi mẫu giáo, Bảo sẽ có điều kiện phát triển trí óc thông minh của mình. Và nếu còn “đứa nào nữa” thì nó cũng sẽ vượt lên các anh và các chị để đóng góp phần vui vẻ của gia đình và xây dựng cho xã hội tương lai…”.