Nghị quyết nêu rõ, Chính phủ thống nhất thông qua việc trình Quốc hội quyết định điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 như đề nghị của Bộ Nông nghiệp và Môi trường tại Tờ trình số 22/TTr-BNNMT ngày 05 tháng 4 năm 2025, Báo cáo số 34/BC-BNNMT ngày 15 tháng 4 năm 2025 và hồ sơ liên quan kèm theo.
Chính phủ giao Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ, thay mặt Chính phủ trình Quốc hội xem xét, quyết định điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV.

Chính phủ giao Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ, thay mặt Chính phủ trình Quốc hội xem xét, quyết định điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV. Ảnh minh họa.
Trước đó, ngày 18/3/2025, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 52/NQ-CP về việc phê duyệt Nhiệm vụ lập Điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Tại Nghị quyết này, Chính phủ giao cơ quan lập Điều chỉnh quy hoạch Bộ Nông nghiệp và Môi trường thực hiện vai trò chủ đầu tư lập Điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo trình tự, thủ tục rút gọn và chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật hiện hành.
Theo Nghị quyết 52, nguyên tắc Điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 phải bảo đảm các nguyên tắc: Phù hợp với bối cảnh tình hình mới và các quan điểm, chủ trương, chính sách của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất là các chủ trương, chính sách đột phá về phát triển kinh tế - xã hội, hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ; phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số gắn với việc sắp xếp các đơn vị hành chính để dự báo, xác định nhu cầu sử dụng đất.
Phù hợp với quy hoạch tổng thể quốc gia, đảm bảo tính thống nhất, tính kế thừa, sự đồng bộ giữa quy hoạch sử dụng đất với các quy hoạch quốc gia, ngành quốc gia, chiến lược và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội nhanh bền vững, bảo đảm kết hợp quản lý ngành với quản lý lãnh thổ; bảo đảm quốc phòng, an ninh; bảo vệ môi trường; phù hợp với điều kiện, tiềm năng đất đai của từng vùng, từng địa phương. Đồng thời, đảm bảo việc xử lý chuyển tiếp trong thực hiện và điều chỉnh quy hoạch, tránh tạo ra khoảng trống gây khó khăn trong tổ chức thực hiện.
Bảo đảm nhu cầu sử dụng đất hiệu quả trước mắt cũng như lâu dài cho các địa phương, các ngành, lĩnh vực; phân bổ sử dụng đất phải phù hợp, linh hoạt gắn với yêu cầu thực tiễn phát triển của đất nước, từng vùng, từng địa phương; đảm bảo tính liên kết liên vùng, liên tỉnh, gắn kết hữu cơ giữa đô thị và nông thôn, chuyển đổi nông thôn mới sang đô thị; gắn kết phát triển hạ tầng với quy hoạch dân cư, giữa công nghiệp hóa với đô thị hóa trên bình diện quốc gia và từng khu vực, địa phương…