Thứ Bảy, 5/7/2025 11:57 (GMT +7)

| Hotline: 0983.970.780

Thương khúc Nam Ai, Nam Bằng: Đi nghe ca Huế "cách tân"

Thứ Ba 21/04/2009 , 09:19 (GMT+7)

Kể từ khi ca Huế trên sông Hương trở thành một sản phẩm văn hóa phục vụ du lịch độc đáo cũng là lúc bị pha tạp, rẻ rúng...

Kể từ khi ca Huế trên sông Hương trở thành một sản phẩm văn hóa phục vụ du lịch độc đáo cũng là lúc bị pha tạp, rẻ rúng...

>> Thương khúc Nam Ai, Nam Bằng: Từ cung đình ra sông Hương

Chỉ 50% là... hàng hiệu

Theo lệ cũ, một đêm ca Huế bao giờ cũng được mở màn rộn rã với bản hoà tấu "Đăng đàn cung chào khách", sau đó mới đi vào chính thức với các bản Lưu Thủy, Kim Tiền, Xuân Phong, Long Hổ... mang tiết tấu vui tươi, mạnh mẽ đặc trưng của điệu Bắc. Tiếp đó là các bài bản mang âm hưởng trang trọng, uy nghi như Long Ngâm, Tứ Đại Cảnh... Chỉ khi đêm về khuya, bốn bề tĩnh mịch, gió mát, trăng thanh, mới đến các bản mang điệu Nam: Nam Ai, Nam Bình, Cổ Bản, Tương tư khúc...

Theo thống kê của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh TT-Huế, hiện nay ca nhạc truyền thống Huế có khoảng trên 80 làn điệu, bài bản của dòng nhạc dân gian, âm nhạc thính phòng và một phần Nhã nhạc Cung đình Huế. Trong đó Nhã nhạc Cung Đình Huế gồm 10 bài bản trong liên khúc "Mười bản ngự để hòa tấu". Về âm nhạc thính phòng ca Huế có trên 24 bài bản của hai điệu Bắc và Nam với các bài nổi tiếng như "Cổ bản", "Lưu thủy”, "Lộng điệp", "Nam ai", "Nam bình"... Về dân ca có trên 25 điệu hò như "Hò mái nhì", "Hò mái đầy", "Hò giã gạo", "Hò khoan"...

Còn về lý có khoảng 19 làn điệu, trong đó nổi bật là các điệu "Lý mười thương", "Lý chuồn chuồn"... Ngoài ra còn có các hình thức kể vè giản dị nhưng rất trữ tình và cả khúc chầu văn Huế sôi động, giàu chất tâm linh gắn với tín ngưỡng dân gian. Các bài ca đều được sáng tạo theo âm điệu của nhạc khúc quen thuộc, gieo vần ở cuối câu, ít dùng tiếng đệm mà thường dùng tiếng láy. Nghệ nhân ca Huế khi trình diễn thường bắt đầu bằng một điệu hò, một điệu lý, rồi mới nhẹ nhàng chuyển qua bài ca Huế...

Trớ trêu thay, muốn nghe một màn ca Huế đúng điệu như vậy bây giờ thật không dễ, cho dù sông Hương đêm nào cũng tấp nập vài chục thuyền đỏ đèn sênh phách. Một đêm ca Huế được "xé lẻ" thành hai ca, mỗi ca kéo dài 90 phút. Trong 90 phút ấy lại mất tới 30 phút cho du khách thả đèn, ngắm sông và ca sĩ "tiếp thị" băng đĩa với lời giới thiệu: "Chương trình mấy chục phút không nói hết được cái hay của ca Huế, mời quý khách mua băng, đĩa để thưởng thức trọn vẹn". Vậy là trong mấy chục phút ngắn ngủi còn lại, du khách chỉ được thưởng thức một chương trình ca nhạc đơn thuần chứ không phải ca Huế chính hiệu.

Từ những điệu ca, lời ca cổ, những lời ca mới được hát có phần dễ dãi, bông phèng hơn, phù hợp với một số khách lên thuyền chủ yếu là để nhậu. "Hò giã gạo" luôn là làn điệu được sử dụng để bông phèng nhiều nhất bởi lời ca dễ chế và lối hát đối đáp qua lại. Nếu đặt đúng trong không gian văn hóa, ứng xử của nó như ông bà ngày xưa thì "Hò giã gạo" là điệu hò đi liền với lao động, hát trong những ngày mùa. Những câu: “Thân em như trái mãng cầu, đặt trên hương án hạc chầu lọng che. Thân anh như thể con dơi, chao qua liệng lại xơi luôn hai trái mãng cầu” sẽ không mang tính dung tục. Nhưng những câu ca như vậy giờ được hát ở các thuyền ca Huế trên sông trong không gian ồn ào nhậu nhẹt, đùa giỡn của du khách và những người hát bỗng trở nên vô duyên, phản cảm.

Màn chào khách "Đăng đàn cung chào khách" khi có khi không, các bài bản điệu Bắc chỉ được hát lấy lệ một hai khúc như Kim Tiền, Lưu Thủy... Sau khi điểm thêm một vài điệu Long Ngâm, Tứ Đại Cảnh, Nam Ai, Nam Bình, Mười thương, ca sĩ thản nhiên đổi ngay qua tân nhạc với một số ca khúc phổ biến như Mưa trên phố Huế, Thương về Cố đô, Huế thương, Đây thôn Vĩ Dạ và áp chót là các bài dân ca rộn rã với các điệu Lý Ngựa ô, Hò giã gạo và kết thúc bằng màn hát đối đáp vui vẻ "chàng mà đoán được thiếp thời xin theo".

Đội ngũ "cò" lôi kéo du khách đi nghe ca Huế chui

"Phần lớn du khách đi nghe ca Huế như đi thưởng thức "đặc sản địa phương" nên không phải ai cũng thích nghe và nghe được nhạc cổ truyền. Vì thế, phải lồng thêm tân nhạc cho... dễ nghe. Ca Huế chính gốc chiếm được 50% đã là may lắm rồi" - một nhạc công giải thích.

Ai phá ca Huế?

Về vấn đề ca Huế bị... "cách tân", nhiều người cho rằng nguyên nhân chính bắt nguồn từ phương pháp đưa ca Huế trở thành sản phẩm phục vụ du lịch.  Bên cạnh những người có tâm huyết với ca Huế, cũng không ít anh bán quán nhậu, bán trứng vịt lộn, thấy chạy show ca Huế dễ ăn, sống được bèn ghi tên dự khóa đào tạo cấp tốc 1- 2 tháng là ra hành nghề. Các chủ đò vốn là dân vạn chài ở Huế, khi nghề ca Huế trên sông hái ra tiền, họ đua nhau đóng thuyền chở khách ca Huế.

Hiện nay, trên sông Hương có khoảng một trăm chiếc thuyền phục vụ biểu diễn ca Huế hàng đêm, mỗi tối một thuyền phục vụ hai ca. Nếu một đêm cả 100 chiếc thuyền cùng có khách (cho cả hai ca) thì cần tới 150 - 200 lượt phục vụ. Mỗi lượt là một nhóm bao gồm 2-3 nhạc công, 4-5 ca sĩ, như vậy số nhạc công, ca sĩ cần có cũng phải suýt soát con số hàng ngàn. Tuy nhiên, số ca sĩ, nhạc công được Sở VH - TT - DL Huế cấp giấy phép biểu diễn chính thức mới chỉ có 400 người, phần lớn thuộc 5 đoàn nghệ thuật được cấp phép là Ca kịch Huế, Múa hát truyền thống, Ca múa Cung đình, CLB Nhà văn hóa Huế, CLB ca Huế với 110 diễn viên và gần 100 nhạc công ở 5 đoàn nghệ thuật nói trên được cấp giấy phép, nhưng mỗi năm có cả triệu du khách tới Huế, vì thế xuất hiện nhiều bầu sô, không nghề, không giấy phép cũng đến các khách sạn, tiếp cận với các đoàn khách du lịch và chủ thuyền để tổ chức biểu diễn ca Huế kiếm tiền.

Tháng 7/2008, UBND tỉnh TT-Huế đã ban hành “Đề án nâng cao chất lượng hoạt động ca Huế trên sông Hương”. Theo đó, trong năm 2008 và 2009 sẽ thực hiện các hoạt động chính: Tổ chức rà soát, thẩm định, phân loại chất lượng diễn viên, nhạc công, thuyền trưởng, thuyền viên, nhân viên phục vụ về các điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định hiện hành.

Nhưng nhiều người cho rằng: “Chấn chỉnh phải thực hiện từng bước. Các đối tượng khai thác kinh doanh ca Huế trình độ cao có, thấp có nên việc quản lý không hề dễ dàng". Ông Phan Tiến Dũng - Giám đốc sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch TT-Huế cho biết: “Hiện Sở đã cấp phép biểu diễn ca Huế cho gần 400 nhạc công, ca sỹ. Nhưng còn khá nhiều người nghiệp vụ chưa đạt chuẩn, phải bồi dưỡng thêm”.

Không chỉ thế, những nghề ăn theo ca Huế cũng không ngừng phát triển. Đó là các tay cò vé, các chủ thuyền cho khách đi nghe ca Huế... chui. Giá vé quy định mỗi lần nghe ca Huế cho khách lẻ là 40.000 đồng/vé/người nhưng khách nào lơ ngơ chưa kịp biết nơi mua vé, du khách sẽ được cò vé tiếp đón ngay đoạn bến sông Công viên Ba Tháng Hai, từ chân cầu Trường Tiền đến bến Toà Khâm. Những người bán vé tự do này thường bám rặt lấy du khách, mời chào cho đến khi người khách nổi cáu lên thì thôi. Thậm chí, lúc đi mới lắc đầu nguầy nguậy, sau một hồi đi về lại bị cò quay lại mời đi show sau. Người viết cũng đã không ít lần được các cò ca Huế năn nỉ đi nghe chui với giá lên thuyền chỉ 20.000 đồng cho một suất diễn 90 phút. Hóa ra, nghe chui là chỉ việc lên thuyền, lò dò bám theo những chiếc thuyền rồng phục vụ ca Huế, ghé mái thuyền vào và… nghe lỏm. Vừa đỡ tiền vé vừa đỡ tiền tặng hoa cho các ca sĩ.

Nhiều người cho rằng, nguyên nhân là do công tác quản lý hoạt động liên quan đến ca Huế sông Hương hiện rất chồng chéo. Từ trung tâm quản lý nội dung, quy cách diễn viên; chính quyền địa phương quản lý an ninh; BQL bến thuyền quản lý việc thuyền xuất bến; CSGT đường thủy quản lý an toàn phương tiện lưu thông; Sở Giao thông - Vận tải quản lý đăng ký, dẫn đến việc ai "ưa chi làm nấy", còn chất lượng các show diễn... không cần quan tâm. (Hết)

Xem thêm
Công an Hà Nội vào chung kết Cúp Quốc gia 2024/2025

Tối 26/6, Công an Hà Nội giành quyền vào chơi trận chung kết Cúp Quốc gia 2024/25 sau chiến thắng 3-1 trước Thể Công Viettel trên sân Hàng Đẫy.

Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam sắp thu vé tham quan

Từ ngày 12/4/2025, người dân và du khách khi vào tham quan Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam cần mua vé với mức giá 40.000 đồng/người/lượt.

Đánh thức tiềm năng du lịch đường sông ở Hải Phòng: [Bài 2] Triển khai đồng bộ bốn giải pháp căn cơ

Tiềm năng du lịch đường thủy ở Hải Phòng rất lớn, có thể tận dụng lợi thế từ cảng biển để phát triển du lịch đặc thù gắn với bảo vệ môi trường.

Vật liệu cũ ‘kể chuyện mới’

Vườn hoa Diên Hồng (Hoàn Kiếm, Hà Nội) bất ngờ ‘kể chuyện mới’ với một không gian nghệ thuật đầy màu sắc, được tạo dựng hoàn toàn từ vật liệu cũ.

Bình luận mới nhất