
Triển lãm quốc gia '80 năm hành trình Độc lập-Tự do-Hạnh phúc' dự kiến tổ chức tại Trung tâm Triển lãm Quốc gia, Hà Nội. Ảnh minh họa.
Triển lãm quốc gia với chủ đề “80 năm hành trình Độc lập – Tự do – Hạnh phúc” là một trong những sự kiện trọng điểm nằm trong chuỗi hoạt động chào mừng Kỷ niệm 80 năm Quốc khánh nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam. Sự kiện được Chính phủ chỉ đạo thực hiện và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL) là cơ quan thường trực, chủ trì tổ chức.
Được thiết kế với quy mô lớn, phong phú và toàn diện, Triển lãm sẽ mang đến những thành tựu nổi bật của đất nước trong 80 năm qua trên tất cả các lĩnh vực: từ công nghiệp – công nghệ, nông nghiệp – nông thôn, quốc phòng – an ninh, đầu tư – thương mại, đến văn hóa, giáo dục, y tế, du lịch... Đồng thời, đây cũng là dịp tôn vinh truyền thống văn hóa nghìn năm của dân tộc, sự đa dạng của 54 dân tộc anh em, vẻ đẹp con người và thiên nhiên Việt Nam, cùng các công trình kiến trúc tiêu biểu từ cổ đến kim.
Triển lãm còn dành không gian riêng giới thiệu các ngành công nghiệp hiện đại như công nghiệp xanh, công nghiệp hàng không – vũ trụ, công nghiệp quốc phòng – an ninh, chuyển đổi số và chuyển đổi xanh. Đặc biệt, sẽ có một khu vực trưng bày 12 ngành công nghiệp văn hóa và không gian giao lưu quốc tế với các nước có quan hệ ngoại giao đặc biệt với Việt Nam.
Về bố cục, triển lãm gồm ba phân khu chính: Phân khu khái quát (tại Nhà triển lãm Kim Quy), phân khu ngoài trời (gồm các sân Đông, Tây, Nam, Bắc), và phân khu quốc tế – công nghiệp văn hóa (tại Khối nhà A). Mỗi khu vực được tổ chức theo các chủ đề cụ thể, như: “Việt Nam – Đất nước – Con người”, “95 năm Cờ Đảng soi đường”, “Khát vọng bầu trời”, “Thanh gươm và lá chắn”, “Sáng tạo để kiến thiết”, “Việt Nam và thế giới”, v.v. Các không gian trưng bày kết hợp nhiều hình thức hiện đại như pano lớn, ảnh, bản vẽ, hiện vật, công nghệ trình chiếu 3D mapping, thực tế ảo, ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) và đa phương tiện.
Phó Thủ tướng Chính phủ Mai Văn Chính – Trưởng Ban Chỉ đạo Triển lãm, yêu cầu Bộ VH-TT-DL phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương để đảm bảo tiến độ, chất lượng và hiệu quả tổng thể. Các nhiệm vụ gồm xây dựng văn bản chỉ đạo, kế hoạch tổ chức lễ khai mạc, bế mạc, các hoạt động biểu diễn nghệ thuật, chiếu phim, giao lưu, hội nghị, hội thảo... nhằm tạo không gian hấp dẫn, sôi động, thu hút người dân trong nước và du khách quốc tế.
Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp ngày 2/7, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình khẳng định: "Triển lãm là sự kiện có ý nghĩa chính trị, văn hóa sâu sắc, nhằm quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam với cộng đồng quốc tế. Vì vậy, triển lãm phải đạt đẳng cấp quốc tế, sử dụng các hình thức giới thiệu sinh động, hiện đại và truyền cảm hứng, từ hiện vật truyền thống cho đến sản phẩm công nghệ số, qua đó để lại ấn tượng sâu sắc, lâu dài trong lòng người xem".