Sáng 1/7, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp của Ban Thường vụ Đảng ủy Chính phủ về một số nội dung quan trọng, trong đó có đề án liên quan phát triển văn hóa để chuẩn bị trình cấp có thẩm quyền.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp. Ảnh: Nhật Bắc.
Phát biểu tại cuộc họp, bàn về vai trò của văn hóa, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nêu rõ, văn hóa là một trong những thành tố rất quan trọng trong hệ thống lý luận về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội tại Việt Nam. (Các thành tố này gồm: Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, truyền thống văn hóa - lịch sử hàng nghìn năm của dân tộc được vận dụng sáng tạo trong điều kiện, hoàn cảnh Việt Nam và bối cảnh quốc tế).
Theo Thủ tướng, trong quá trình lãnh đạo cách mạng, giải phóng dân tộc, bảo vệ và xây dựng, phát triển đất nước, với quan điểm "văn hóa soi đường cho quốc dân đi", văn hóa là sức mạnh nội sinh, văn hóa còn thì dân tộc còn, phát triển văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội…, Đảng, Nhà nước ta luôn đặc biệt quan tâm lĩnh vực văn hóa với nhiều quyết sách quan trọng, lịch sử như ban hành Đề cương văn hóa Việt Nam năm 1943; ban hành Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc (năm 1998); tổ chức các Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 1946 và năm 2021.
Đánh giá cao nỗ lực của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trong xây dựng Đề án “Quốc tế hóa bản sắc văn hóa dân tộc và dân tộc hóa tinh hoa văn hóa thế giới”, Thủ tướng cho biết, đây là đề án khó, nằm trong tổng thể chung các quyết sách chiến lược gần đây nhằm tạo sự phát triển đột phá trên các lĩnh vực trụ cột quan trọng, cùng với các nghị quyết "bộ tứ trụ cột" đã được Bộ Chính trị ban hành (về khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số; hội nhập quốc tế; xây dựng và thực thi pháp luật; phát triển kinh tế tư nhân) và hai nghị quyết về giáo dục - đào tạo và chăm sóc, sức khỏe nhân dân đang được xây dựng, hoàn thiện để trình Bộ Chính trị.
Nhấn mạnh văn hóa là một khái niệm rất rộng, Thủ tướng Chính phủ đề nghị nghiên cứu để tiếp tục xây dựng, hoàn thiện Đề án với tên gọi theo hướng quốc tế hóa bản sắc văn hóa dân tộc và dân tộc hóa tinh hoa văn hóa thế giới; đồng thời tiếp tục làm rõ hơn về nội hàm, phạm vi, đối tượng, mục tiêu, quan điểm, nhiệm vụ, giải pháp của Đề án.
Trong đó, Thủ tướng cho rằng cần xác định các mục tiêu tới năm 2030, tầm nhìn 2045; có mục tiêu tổng quát và mục tiêu cụ thể; mục tiêu trên các lĩnh vực văn hóa.
Thủ tướng đồng thời nhấn mạnh một số quan điểm chỉ đạo: Bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng; góp phần phát triển kinh tế - xã hội và thực hiện 2 mục tiêu 100 năm; nâng cao đời sống tinh thần, vật chất của người dân, lấy người dân làm trung tâm, làm chủ thể, người dân được thụ hưởng thành quả; đột phá về thể chế để huy động nguồn lực, nhất là hợp tác công tư; các sản phẩm văn hóa có thể thương mại hóa và những người làm văn hóa sống được bằng nghề với thu nhập cao.
Thủ tướng lưu ý các nhiệm vụ, giải pháp về: Nâng cao hơn nữa nhận thức; tiếp tục hoàn thiện thể chế; cơ chế phát triển công nghiệp văn hóa, giải trí, quản lý thông minh; cơ chế huy động, đa dạng hóa nguồn lực; đào tạo nguồn nhân lực; công tác tuyên truyền, quảng bá; nâng cao đời sống tinh thần, sự thụ hưởng của người dân; hợp tác quốc tế.
Thủ tướng giao cơ quan chủ trì là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tiếp thu các ý kiến, khẩn trương hoàn thiện đề án để trình cấp có thẩm quyền, bảo đảm tiến độ và chất lượng.

Việt Nam chủ trương đẩy mạnh ngoại giao văn hóa trong tiến trình hội nhập quốc tế và phát triển đất nước. Ảnh: Nguyễn Phan Yến Nhi.
Trước đó, phát biểu tại Hội nghị toàn quốc quán triệt Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu đẩy mạnh chuyển đổi số để phát triển công nghiệp văn hóa, công nghiệp giải trí. Xây dựng và phát triển các sản phẩm văn hóa số chất lượng cao. Thúc đẩy xây dựng cơ sở dữ liệu về văn hóa, di sản văn hóa. Quốc tế hóa văn hóa bản sắc văn hóa của Việt Nam; Việt Nam hóa tinh hoa văn hóa thế giới.
Đối với Việt Nam, văn hóa luôn có vai trò đặc biệt như Chủ tịch Hồ Chí Minh, Anh hùng giải phóng dân tộc, Nhà văn hóa kiệt xuất đã đánh giá: “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi”, văn hóa còn thì dân tộc còn.
Trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, Việt Nam chủ trương phát huy nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc, vận dụng sáng tạo trong hoàn cảnh Việt Nam và bối cảnh quốc tế hiện nay; thúc đẩy các thiết chế văn hóa, phát triển công nghiệp văn hóa, công nghiệp giải trí để người dân được thụ hưởng những giá trị gia tăng của văn hóa; đẩy mạnh dân tộc hóa nền văn minh thế giới, quốc tế hóa nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc Việt Nam ra thế giới.