Những con số ấn tượng
Ngành du lịch Hà Nội thời gian qua đã chủ động, tập trung phát triển các sản phẩm mới mang tính đặc trưng và phù hợp xu thế. Nổi bật là các sản phẩm du lịch nông nghiệp, du lịch nông thôn và tour du lịch đêm - vốn đang được nhiều du khách quan tâm.
Với thế mạnh trung tâm của cả nước, Hà Nội đã đẩy mạnh liên kết với các tỉnh, thành phố xây dựng chuỗi sản phẩm du lịch chất lượng, đậm bản sắc văn hóa - ẩm thực vùng miền; tích cực tổ chức các chương trình đón đoàn famtrip quốc tế và các địa phương khác đến khảo sát sản phẩm, qua đó mở rộng mạng lưới đưa khách về với Thủ đô.

Hồ Hoàn Kiếm là điểm du lịch hấp dẫn khách du lịch trong nước và quốc tế. Ảnh: Xuân Vũ.
Nhờ những nỗ lực không ngừng, năm 2024, du lịch Hà Nội ghi dấu ấn với 27,88 triệu lượt khách du lịch, trong đó, 6,37 triệu lượt khách quốc tế và 21,51 triệu lượt khách nội địa, tăng 7,5% so với năm 2023. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt khoảng 110.660 tỷ đồng.
6 tháng đầu năm 2025 tiếp tục ghi nhận tín hiệu tích cực khi Hà Nội đón 15,55 triệu lượt khách, tăng 11,8% so với cùng kỳ năm trước. Khách quốc tế đạt 3,66 triệu lượt (tăng 21,8%), khách nội địa đạt 11,9 triệu lượt (tăng 9%). Tổng doanh thu từ du lịch ước đạt 62.299 tỷ đồng, tăng 14,6% so với cùng kỳ năm 2024.
Xây dựng điểm đến chuyên nghiệp, tầm thương hiệu quốc tế
Phát huy những kết quả đã đạt được, ngành du lịch Hà Nội đặt mục tiêu đến năm 2030, sẽ đón khoảng 46 triệu lượt du khách, trong đó có khoảng 12 triệu lượt khách quốc tế, 34 triệu lượt khách nội địa. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 280 nghìn tỷ đồng; Công suất sử dụng phòng trung bình khối khách sạn đạt 68%; Tỷ lệ đóng góp tổng hợp của ngành du lịch vào GRDP TP.Hà Nội khoảng 7-7,5%, trong đó đóng góp trực tiếp khoảng 3,5%.
Để hoàn thành mục tiêu này, trong thời gian tới, ngành du lịch Thủ đô sẽ ưu tiên ngân sách đầu tư hạ tầng du lịch và thu hút nhà đầu tư lớn, qua đó hình thành 3 khu du lịch quốc gia gồm Khu du lịch Ba Vì; Khu du lịch Di tích thắng cảnh Hương Sơn; Khu du lịch khu vực Hồ Hoàn Kiếm - phụ cận và khu phố cổ Hà Nội.

Khách du lịch quốc tế tham quan Văn Miếu. Ảnh: Phạm Hùng.
Đồng thời xây dựng từ 3-5 khu du lịch cấp thành phố: Khu du lịch Hồ Tây và vùng phụ cận; Tổ hợp khu du lịch sinh thái; văn hóa và vui chơi giải trí huyện Sóc Sơn; Khu du lịch sinh thái và vui chơi giải trí Đầm Lai Cách…; phát triển mới 10-20 tổ hợp khách sạn, khu nghỉ dưỡng cao cấp 4-5 sao.
Du lịch Thủ đô còn phối hợp với doanh nghiệp lữ hành và các địa phương hình thành và phát triển mới 3-5 tuyến phố đi bộ gắn các tuyến phố ẩm thực, biểu diễn văn hóa theo chủ đề; 3-5 mô hình du lịch đêm; Mô hình du lịch nông nghiệp, nông thôn thực sự đặc sắc, hấp dẫn; 2-3 tổ hợp du lịch thể thao chuyên nghiệp, hấp dẫn.
Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đặng Hương Giang, cho biết: Hà Nội sẽ nỗ lực đầu tư xây dựng và phát triển tuyến du lịch sông Hồng; Điểm du lịch làng nghề Bát Tràng, làng nghề Vạn Phúc, làng cổ ở Đường Lâm… thành điểm đến thực sự chuyên nghiệp, có thương hiệu đối với cả thị trường trong nước và quốc tế.