Chuyển đổi cây thuốc lá sang trồng ngô sinh khối, sản xuất ngô lai F1
Thực hiện Chiến lược Quốc gia phòng chống tác hại thuốc lá đến năm 2030, Viện Quy hoạch và Thiết kế nông nghiệp (Viện) phối hợp với Quỹ Phòng chống tác hại của thuốc lá (Quỹ) triển khai thực hiện thí điểm 2 mô hình, gồm mô hình “Chuyển đổi cây thuốc lá sang trồng ngô sinh khối" tại xã Long Khánh, huyện Bến Cầu, tỉnh Tây Ninh và mô hình “Chuyển đổi cây thuốc lá sang sản xuất giống ngô lai F1" tại xã Tiên Thuận, huyện Bến Cầu, tỉnh Tây Ninh.
Mục tiêu của chương trình là tăng thu nhập của các hộ gia đình, giảm diện tích trồng cây thuốc lá thông qua việc chuyển đổi sang các cây trồng nông nghiệp khác có hiệu quả bền vững hơn cây thuốc lá; đưa ra bài học kinh nghiệm cho các địa phương khác.

Thu hoạch ngô sinh khối của mô hình “Chuyển đổi cây thuốc lá sang trồng ngô sinh khối" tại xã Long Khánh, huyện Bến Cầu, tỉnh Tây Ninh. Ảnh: Viện Quy hoạch và Thiết kế nông nghiệp.
Trong quá trình thực hiện, Viện và Quỹ đã phối hợp với các cấp chính quyền địa phương và các tổ chức, cá nhân liên quan như: Sở NN-PTNT (nay là Sở Nông nghiệp và Môi trường) Tây Ninh, phòng Phòng Nông nghiệp và Môi trường huyện Bến Cầu, UBND các xã Long Khánh và Tiên Thuận, Công ty TNHH Syngenta Việt Nam (đơn vị liên kết sản xuất, bao tiêu giống ngô lai F1), Công ty TNHH MTV Bò Sữa Việt Nam - Trang trại bò sữa Việt Nam (đơn vị liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm ngô sinh khối), các nhóm nòng cốt, các hộ để triển khai các hoạt động của mô hình.
Theo Viện Quy hoạch và Thiết kế nông nghiệp, quá trình triển khai mô hình, đoàn công tác đã tổ chức họp với chính quyền địa phương, các doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm, các hộ tham gia mô hình để thống nhất phương án triển khai mô hình.
Hiệu quả ban đầu từ mô hình
Sau khi thống nhất phương án triển khai mô hình, các hộ được tập huấn kỹ thuật (làm đất, gieo trồng, chăm sóc - phòng trừ sâu bệnh,…). Trong quá trình thực hiện mô hình được sự phối hợp, giám sát của chính quyền địa phương và các bên liên quan.
Mô hình chuyển đổi cây thuốc lá sang trồng ngô sinh khối tại xã Long Khánh, huyện Bến Cầu, tỉnh Tây Ninh có sự tham gia của 10 hộ với diện tích 5 ha. Các hộ được ngân sách Nhà nước hỗ trợ 50% chi phí vật tư (giống, phân bón, thuốc BVTV,…).
Ngoài ra, các hộ tham gia mô hình được hỗ trợ tập huấn kỹ thuật (gieo trồng, chăm sóc, thu hoạch,…). Sản phẩm của mô hình được Công ty TNHH MTV Bò Sữa Việt Nam - Trang trại bò sữa Việt Nam cam kết tiêu thụ sản phẩm.
Mô hình được triển khai thực hiện từ tháng 9/2024 (trong đó thời gian gieo trồng từ đầu tháng 12/2024), đã thu hoạch từ đầu tháng 3/2025. Viện Quy hoạch và Thiết kế nông nghiệp cho biết, sau khi trừ chi phí thì bình quân lợi nhuận thu được khoảng 30 triệu đồng/ha/vụ (mỗi vụ kéo dài 90 ngày, 1 năm có thể trồng được 2 đến 3 vụ. Phần lớn hộ dân trồng 2 vụ chính là đông xuân và hè thu), quy đổi lợi nhuận một năm là 60 triệu đồng/ha (tính cho 2 vụ ngô), cao gấp 1,3 lần so với cây thuốc lá (lợi nhuận của cây thuốc lá khoảng 46 triệu/năm).

Thu hoạch ngô giống lai F1 của mô hình “Chuyển đổi cây thuốc lá sang sản xuất giống ngô lai F1" tại xã Tiên Thuận, huyện Bến Cầu, tỉnh Tây Ninh. Ảnh: Viện Quy hoạch và Thiết kế nông nghiệp.
Mô hình chuyển đổi cây thuốc lá sang sản xuất giống ngô lai F1 tại xã Tiên Thuận, huyện Bến Cầu, tỉnh Tây Ninh có sự tham gia của 10 hộ trồng với diện tích 5 ha. Các hộ được ngân sách Nhà nước hỗ trợ 50% chi phí vật tư (phân bón, thuốc BVTV,…) và hỗ trợ tập huấn kỹ thuật (gieo trồng, chăm sóc, thu hoạch,…), Công ty TNHH Syngenta Việt Nam hỗ trợ 100% chi phí giống ngô bố mẹ và cam kết tiêu thụ sản phẩm.
Mô hình được triển khai thực hiện từ tháng 9/2024 (trong đó thời gian gieo trồng từ giữa tháng 11/2024), đã thu thu hoạch từ cuối tháng 2/2025 đến đầu tháng 3/2025. Sau khi trừ chi phí, bình quân lợi nhuận thu được khoảng 62 triệu đồng/ha/vụ (mỗi vụ kéo dài 107 ngày, một năm chỉ trồng được 1 vụ), quy đổi lợi nhuận một năm là 62 triệu đồng/ha, cao gấp 1,34 lần so với cây thuốc lá (lợi nhuận 46 triệu đồng/năm).