Theo thông tin trên mạng thì SOS (mã Morse là: ... --- ...) là tín hiệu phát bằng vô tuyến điện báo hoặc bằng một cách phát khác thể hiện nhóm ký tự SOS, khi được sử dụng có nghĩa là có nguy hiểm nghiêm trọng, cấp bách đang đe dọa và yêu cầu trợ giúp. Quy ước tín hiệu SOS được đề xuất lần đầu tiên tại Hội nghị Quốc tế về Liên lạc Điện tín trên biển ở Berlin năm 1906. Nó đã được cộng đồng quốc tế phê chuẩn năm 1908 và được sử dụng rộng rãi từ đó.
Với mục đích dễ nhớ, SOS có thể được hiểu như là "Hãy cứu tàu chúng tôi" (save our ship), "cứu tâm hồn chúng tôi" (save our souls) hay "gửi cứu trợ" (send out succour), "nhằm vào tàu chúng tôi" (shoot our ship)... Thực ra, không có một ý nghĩa đặc biệt nào trong bản thân các chữ cái và hoàn toàn sai khi đặt các dấu chấm giữa các chữ cái này. SOS được chọn đơn giản vì đây là những tín hiệu ngắn, dễ nhận biết và có thể gửi đi nhanh chóng.
* Xin cho biết thế nào là văn hóa. Văn minh có đồng nghĩa với văn hóa hay không?
Vi Văn Đức, Phục Hòa, Cao Bằng
Theo nhà văn hóa Hữu Ngọc thì trên thế giới ít nhất cũng có tới 100 định nghĩa khác nhau về văn hóa (Culture). Khái niệm văn hóa xuất phát từ gốc chữ La Tinh là Cultura- có nghĩa là khai hoang, trồng trọt, về sau có thêm nghĩa bóng là giáo dục, chăm nom, đào tạo con người về mọi mặt. Hiện văn hóa có nghĩa rộng là trình độ phát triển lịch sử nhất định của một xã hội về vật chất và tinh thần, và có nghĩa hẹp là văn hóa tinh thần.
Theo tổ chức UNESCO của Liên Hiệp Quốc thì văn hóa là một tổng thể những hệ thống biểu trưng (ký hiệu) chi phối tư duy, cách ứng xử (người với thiên nhiên, người với người) và các mối quan hệ trong một cộng đồng, khiến cộng đồng ấy có đặc thù riêng. Cũng nên nhấn mạnh thêm văn hóa bao gồm hệ thống những giá trị để đánh giá một sự việc, một hiện tượng (đẹp hay xấu, đạo đức hay vô luân, phải hay trái, đúng hay sai…) theo cộng đồng ấy. Tất cả các nền văn hóa (cách ứng xử và quan hệ của một cộng đồng) đều phải được tôn trọng dù cho văn minh vật chất có thể còn thấp kém. Một người ít học có thể coi là người có văn hóa hơn cả một người nhiều chữ. Học thức chỉ là điều kiện chứ chưa phải là văn hóa
Tôi thiết nghĩ trong lý lịch nên ghi là trình độ học thức thì đúng hơn là trình độ văn hóa. Thiếu gì những người có học thức cao mà có những hành vi vô văn hóa (tham nhũng, hách dịch, phụ bạc…).
Cũng theo nhà văn hóa Hữu Ngọc thì văn hóa và văn minh có thể dùng thay cho nhau để chỉ kết quả khách quan của hoạt động con người (sản xuất, máy móc thiết bị, kết quả nhận thức, tác phẩm nghệ thuật, chuẩn tắc đạo đức, pháp luật…) cũng như các sáng tạo và năng lực con người được thể hiện trong hoạt động (tri thức, kỹ năng, thói quen, trình độ trí tuệ, sự phát triển đạo đức và thẩm mỹ, thế giới quan, phương thức và hình thức giao tiếp giữa con người với nhau). Nhiều trường hợp không giống nhau. Ví dụ dùng văn minh như tính từ để đánh giá (đối lập với dã man). Nói đơn giản hơn thì văn hóa nhấn mạnh về ứng xử với con người, văn hóa nhấn mạnh về ứng xử với thiên nhiên. Văn hóa thể hiện những khuynh hướng thầm kín nhất, những nhu cầu tâm tình và những quan niệm vũ trụ luận của dân tộc ấy. Còn văn minh thể hiện cách tổ chức đời sống bên ngoài của một dân tộc.
Hai nhà Việt Nam học là P.Huard và M.Durand nhận xét: Nhân phẩm và sự thông minh của con người không đo được bằng mức sống cao; một nền văn minh rất cao có thể trùng hợp với một nền văn hóa ở mức tầm thường.