| Hotline: 0983.970.780

Phụ nữ thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo vệ sinh kế bền vững

Thứ Sáu 06/06/2025 , 18:54 (GMT+7)

Phụ nữ ở nông thôn đang chịu tác động bởi biến đổi khí hậu, nhưng chính họ giữ vai trò then chốt trong thích ứng và bảo vệ sinh kế.

Việt Nam trước khủng hoảng khí hậu và thách thức vùng Đồng bằng sông Cửu Long

Là một trong những quốc gia dễ bị tổn thương nhất trước biến đổi khí hậu, Việt Nam đang đối mặt với khủng hoảng khí hậu ngày càng nghiêm trọng. Mực nước biển dâng cao cùng với các hiện tượng thiên tai cực đoan không chỉ đe dọa đến cảnh quan tươi đẹp của đất nước mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống và sinh kế của hàng triệu người dân - từ thành thị đến miền núi, ven biển.

Đồng bằng sông Cửu Long - vùng trọng điểm sản xuất nông nghiệp của cả nước, là minh chứng điển hình cho tính dễ bị tổn thương này khi thường xuyên phải đối mặt với hạn hán, xâm nhập mặn và mực nước biển dâng. Bão Yagi là một lời nhắc nhở khắc nghiệt khác về cuộc chiến không ngừng nghỉ của Việt Nam với các thảm họa do biến đổi khí hậu.

Đồng bằng sông Cửu Long chịu ảnh hưởng nghiêm trọng bởi hạn hán, minh chứng rõ nét cho tính dễ tổn thương của Việt Nam trước biến đổi khí hậu. Ảnh: An Bình.

Đồng bằng sông Cửu Long chịu ảnh hưởng nghiêm trọng bởi hạn hán, minh chứng rõ nét cho tính dễ tổn thương của Việt Nam trước biến đổi khí hậu. Ảnh: An Bình.

Theo Báo cáo Đánh giá Đa ngành Quốc gia, bão Yagi đã gây thiệt hại trên diện rộng tại 26 tỉnh thành, cướp đi sinh mạng của 320 người. Ngành nông nghiệp - nguồn sống của phần lớn người dân nông thôn, chịu ảnh hưởng nặng nề, làm trầm trọng thêm những khó khăn kinh tế.

Phụ nữ ở nông thôn - nhóm dễ bị tổn thương và vai trò then chốt trong nông nghiệp

Trong bối cảnh đó, phụ nữ là nhóm chịu tác động bất bình đẳng nhất. Phụ nữ đóng vai trò then chốt trong lĩnh vực nông nghiệp, một lĩnh vực dễ bị tổn thương bởi biến đổi khí hậu. Theo Khảo sát Mức sống dân cư Việt Nam, 63% phụ nữ nông thôn tham gia vào sản xuất nông nghiệp, cao hơn so với tỷ lệ 58% ở nam giới.

Đặc biệt, trong cộng đồng dân tộc thiểu số, nơi có tới 81% dân số làm nông, phụ nữ chiếm tỷ trọng lao động lớn. Tuy nhiên, họ lại thường thiếu các nguồn lực cần thiết để phục hồi sau các cú sốc khí hậu như lũ lụt, hạn hán, thiếu nước, đe dọa nghiêm trọng đến sinh kế. Do đó, việc nâng cao khả năng chống chịu khí hậu cho phụ nữ thông qua đào tạo, tiếp cận tín dụng và kỹ thuật canh tác bền vững là điều thiết yếu để đảm bảo an ninh lương thực và ổn định kinh tế.

Trong chuyến thăm Cà Mau vào tháng 11/2024, chị Nguyễn Thúy Huỳnh, 39 tuổi, nông dân ở xã Khánh Bình Tây chia sẻ: “Tôi phải tự gánh nước để tưới cây. Công việc này rất tốn thời gian và vất vả, nhất là vào mùa khô".

Ở nhiều gia đình nông thôn, việc tiếp cận nước sạch là cuộc vật lộn hằng ngày, và phụ nữ thường là người phải gánh vác trách nhiệm này. Bên cạnh đó, việc tiếp cận hạn chế với nguồn tài chính, công nghệ và quyền sở hữu đất đai khiến phụ nữ càng khó duy trì sinh kế trong nông nghiệp.

Chị Trần Thị Hiền, một phụ nữ thụ hưởng tại Cà Mau, đang vận hành hệ thống tưới tiêu tiết kiệm nước do dự án 'Nước là Sự sống' hỗ trợ. Ảnh: Nguyễn Đức Hiếu (UN Women).

Chị Trần Thị Hiền, một phụ nữ thụ hưởng tại Cà Mau, đang vận hành hệ thống tưới tiêu tiết kiệm nước do dự án “Nước là Sự sống” hỗ trợ. Ảnh: Nguyễn Đức Hiếu (UN Women).

Việt Nam đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ phụ nữ trong nông nghiệp, nhưng vẫn cần đầu tư thêm nguồn lực và tăng cường sự tham gia của phụ nữ vào quá trình ra quyết định. Các cam kết quốc tế như Cương lĩnh và Tuyên bố Hành động Bắc Kinh, Nghị quyết COP29 về Giới và Khí hậu, hay Tuyên bố châu Á - Thái Bình Dương về Bình đẳng giới đều nhấn mạnh sự cần thiết phải giải quyết các thách thức riêng của phụ nữ và đảm bảo tiếng nói của họ trong các nỗ lực thích ứng với biến đổi khí hậu.

Sáng kiến hợp tác và giải pháp nâng cao khả năng thích ứng khí hậu cho phụ nữ

UN Women tại Việt Nam cùng Đại sứ quán Nhật Bản đang phối hợp chặt chẽ với Chính phủ nhằm tăng cường khả năng chống chịu khí hậu cho phụ nữ. Với nguồn tài trợ từ Nhật Bản, năm 2024, UN Women đã triển khai Dự án “Hỗ trợ sinh kế cho phụ nữ dễ bị tổn thương tại Ninh Thuận và Cà Mau chịu ảnh hưởng bởi hạn hán và xâm nhập mặn”. Dự án hướng đến cải thiện khả năng tiếp cận nước sạch cho phụ nữ và trẻ em. Ngoài ra, Nhật Bản còn phối hợp với IOMUNICEF để xây dựng các công trình nước thiết yếu tại khu vực miền núi phía Bắc, bao gồm tỉnh Cao Bằng - địa phương bị thiệt hại nặng nề do bão Yagi.

Ông Ito Naoki và bà Caroline Nyamayemombe thăm hộ gia đình của một phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn đang được hưởng lợi từ hệ thống tưới tiêu tiết kiệm nước và bình trữ nước do dự án 'Nước là sự sống' hỗ trợ, tháng 11/2024. Ảnh: Nguyễn Đức Hiếu (UN Women).

Ông Ito Naoki và bà Caroline Nyamayemombe thăm hộ gia đình của một phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn đang được hưởng lợi từ hệ thống tưới tiêu tiết kiệm nước và bình trữ nước do dự án “Nước là sự sống” hỗ trợ, tháng 11/2024. Ảnh: Nguyễn Đức Hiếu (UN Women).

Tại Lào Cai và Đà Nẵng, các sáng kiến hợp tác giữa UN Women và Thụy Điển, New Zealand cũng đang mang lại kết quả rõ rệt. Các sáng kiến này không chỉ trao quyền cho phụ nữ thông qua việc tăng cường tiếng nói trong hoạch định chính sách, cung cấp công nghệ thông minh ứng phó khí hậu và đào tạo, mà còn cải thiện công tác ứng phó thiên tai dựa trên dữ liệu tách biệt theo giới và tích hợp phòng ngừa bạo lực giới. Các hội phụ nữ địa phương giữ vai trò trung tâm trong triển khai nhiều hoạt động thiết thực.

Chị Pi Năng Thị Thiên, 38 tuổi, là mẹ đơn thân người dân tộc Raglai tại xã Phước Chiến, tỉnh Ninh Thuận, là một trong những người thụ hưởng từ dự án “Nước là Sự sống” do UN Women và Nhật Bản triển khai tại Ninh Thuận và Cà Mau. Dự án hỗ trợ thiết bị tưới tiêu tiết kiệm nước, giúp phụ nữ quản lý tài nguyên hiệu quả hơn. “Tôi không còn lo mất cả vườn cây ăn trái vì hạn nữa. Nhờ hệ thống tưới phun và máy bơm mà dự án hỗ trợ, tôi có thể kiểm soát việc tưới nước cho vườn dừa, mít, chuối, ngô và mía của mình,” chị chia sẻ.

Chị Chamaleá Thị Nhận đang sử dụng máy bơm nước được hỗ trợ từ dự án 'Nước là Sự sống' để phục vụ sản xuất nông nghiệp. Chị là một trong số những phụ nữ tại Ninh Thuận được cải thiện sinh kế nhờ dự án. Ảnh: Nguyễn Đức Hiếu (UN Women).

Chị Chamaleá Thị Nhận đang sử dụng máy bơm nước được hỗ trợ từ dự án “Nước là Sự sống” để phục vụ sản xuất nông nghiệp. Chị là một trong số những phụ nữ tại Ninh Thuận được cải thiện sinh kế nhờ dự án. Ảnh: Nguyễn Đức Hiếu (UN Women).

Những thay đổi tích cực trong sinh kế của các nữ nông dân như chị Thiên có được là nhờ vào vai trò lãnh đạo của chị Chamaléa Thị Liếm - Chủ tịch UBND xã Phước Chiến từ năm 2021. Sinh năm 1980, chị  đã nỗ lực vận động mạnh mẽ để đưa dự án “Nước là Sự sống” triển khai nhanh chóng, chỉ đạo rõ ràng cho đội ngũ cán bộ địa phương và đảm bảo hỗ trợ kịp thời cho phụ nữ trong việc tưới tiêu nông nghiệp. Khả năng sử dụng thành thạo cả tiếng dân tộc Raglai lẫn tiếng Việt giúp chị truyền tải hiệu quả các thông tin và kết quả của dự án, mang lại thay đổi tích cực cho phụ nữ và trẻ em tại địa phương.

Những câu chuyện này cho thấy công nghệ thích ứng khí hậu đang từng bước làm thay đổi cuộc sống của phụ nữ nông thôn, giúp giảm bớt gánh nặng lao động và bảo vệ sinh kế trước những tác động của biến đổi khí hậu.

Khi Việt Nam đặt mục tiêu trở thành quốc gia thu nhập cao vào năm 2045 và đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, việc trao quyền cho phụ nữ và trẻ em gái phải luôn là ưu tiên hàng đầu. Khả năng thích ứng thực sự không chỉ nằm ở công nghệ nông nghiệp thông minh – mà còn đòi hỏi sự tham gia đầy đủ và thực chất của phụ nữ trong việc xây dựng các chiến lược ứng phó khí hậu.

Việt Nam đã chính thức công bố Kế hoạch Hành động Quốc gia về Phụ nữ, Hòa bình và An ninh vào năm 2024. Đây là dấu mốc quan trọng trong thúc đẩy bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ trong lĩnh vực hòa bình và an ninh. Chúng tôi tin tưởng rằng sáng kiến hợp tác giữa UN Women và Nhật Bản là một bước tiến đầy ý nghĩa đối với Việt Nam. Bằng cách đầu tư vào sinh kế nông nghiệp và vai trò lãnh đạo của phụ nữ, chúng ta đang đầu tư cho một tương lai phát triển bền vững và thích ứng khí hậu - phù hợp với tầm nhìn dài hạn của đất nước.

Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam - Trưởng Đại diện UN Women tại Việt Nam

Xem thêm

Bình luận mới nhất