Tạm áp dụng quy định định mức kinh tế kỹ thuật hiện hành
Theo đó, các cơ quan, đơn vị liên quan trên địa bàn thành phố tiếp tục áp dụng quy định định mức kinh tế kỹ thuật thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) và vệ sinh môi trường công cộng hiện hành cho từng khu vực TP.HCM, Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu (trước sắp xếp) cho đến khi UBND TP.HCM (sau sắp xếp) ban hành định mức kinh tế kỹ thuật mới áp dụng thống nhất trên địa bàn thành phố.

Một khu chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt hợp vệ sinh trên địa bàn TP.HCM (cũ). Ảnh: Tường Tú.
Sở Nông nghiệp và Môi trường TP.HCM rà soát, xây dựng quy định về định mức kinh tế kỹ thuật trong công tác thu gom, vận chuyển, xử lý CTRSH để trình UBND TP.HCM sớm ban hành làm cơ sở thực hiện trên địa bàn thành phố; hướng dẫn UBND các xã, phường, đặc khu và các đơn vị cung cấp dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý CTRSH xây dựng đơn giá của dịch vụ này, gửi Sở Nông nghiệp và Môi trường thẩm định, trình UBND TP.HCM ban hành làm cơ sở thực hiện trong quý III/2025.
Trong tháng 8/2025, Sở Nông nghiệp và Môi trường chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan tham mưu, báo cáo đề xuất UBND TP.HCM chỉ đạo việc áp dụng định mức tỷ lệ chi phí chung, lợi nhuận định mức trong thời gian chờ Bộ ngành Trung ương nghiên cứu, ban hành quy định này đối với dịch vụ công lĩnh vực thu gom, vận chuyển, xử lý CTRSH và vệ sinh công cộng trên địa bàn thành phố.
Tiếp tục thực hiện hợp đồng đến hết năm 2025
Đối với công tác thu gom, vận chuyển CTRSH, UBND các xã, phường, đặc khu, các đơn vị có liên quan tiếp tục thực hiện hợp đồng đặt hàng/đấu thầu thu gom, vận chuyển CTRSH với các đơn vị cung ứng dịch vụ hiện hữu từ ngày 1/7/2025 đến hết ngày 31/12/2025 theo như chỉ đạo của UBND tỉnh, thành phố (trước sắp xếp) đảm bảo chặt chẽ, đúng quy định, theo đơn giá do UBND cấp huyện đã ký kết trước đó với nhà thầu.

Một góc nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh Bình Dương (cũ). Ảnh: Tường Tú.
Sở Nông nghiệp và Môi trường chủ trì, phối hợp với UBND các xã, phường, đặc khu rà soát đánh giá hiện trạng, nguồn lực quản lý, báo cáo đề xuất UBND TP.HCM về mô hình, đơn vị quản lý… để triển khai công tác thu gom, vận chuyển CTRSH trên địa bàn thành phố từ ngày 01/01/2026; rà soát, tham mưu UBND Thành phố chỉ đạo các đơn vị triển khai công tác đấu thầu thu gom, vận chuyển CTRSH đúng quy định trong quý III/2025.
Còn đối với công tác xử lý CTRSH, UBND các phường, xã, đặc khu, các đơn vị tiếp tục thực hiện hợp đồng đặt hàng/đấu thầu xử lý CTRSH với các đơn vị đang cung ứng dịch vụ xử lý CTRSH hiện hữu từ ngày 01/7/2025 đến hết ngày 31/12/2025, theo chủ trương, chỉ đạo của UBND tỉnh, thành phố (trước sắp xếp) đảm bảo chặt chẽ, đúng quy định.
Sở Nông nghiệp và Môi trường nghiên cứu việc áp dụng mô hình quản lý nhà nước của TP.HCM trước đây đối với các khu xử lý, các nhà máy xử lý CTRSH trên toàn thành phố cho phù hợp; tổ chức đặt hàng/đấu thầu xử lý CTRSH đối với các đơn vị cung ứng dịch xử lý và giám sát, nghiệm thu, thanh toán dịch vụ xử lý CTRSH theo đúng quy định; chủ động phối hợp nghiên cứu, rà soát để chuyển đổi mô hình quản lý kể từ ngày 01/01/2026, theo hướng thống nhất chung trên toàn địa bàn thành phố, đảm bảo hiệu quả và phù hợp với quy định.
Xây dựng lại Quy định chi tiết về quản lý rác sinh hoạt
Đối với việc triển khai các quy định, đề án… lĩnh vực chất thải rắn, Sở Nông nghiệp và Môi trường TP.HCM phối hợp cùng với các sở, ban, ngành và UBND các xã, phường, đặc khu rà soát các quy định của 3 địa phương (trước sắp xếp) đã ban hành để xây dựng lại Quy định chi tiết về quản lý CTRSH và Kế hoạch phân loại CTRSH tại nguồn giai đoạn 2026 - 2030, tham mưu trình UBND TP.HCM ban hành để thực hiện thống nhất trên địa bàn toàn thành phố (mới) trong quý III/2025.

Một góc nhà máy xử lý rác sinh hoạt trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (cũ). Ảnh: Linh Nga.
Trong quý III/2025, Sở Nông nghiệp và Môi trường TP.HCM rà soát, tham mưu, đề xuất UBND Thành phố, trình HĐND Thành phố xem xét, điều chỉnh Nghị quyết số 28/2023/NQ-HĐND ngày 08/12/2023 cho phù hợp với các quy định pháp luật hiện hành để áp dụng thống nhất trên toàn địa bàn TP.HCM (sau sắp xếp) nhằm đảm bảo mục tiêu xử lý CTRSH bằng công nghệ tiên tiến, hiện đại đạt trên 90% đến năm 2030.
Trong tháng 8/2025, Sở Nông nghiệp và Môi trường chủ trì, phối hợp với các sở ngành, đơn vị liên quan rà soát, đánh giá tình hình thực hiện các chương trình, đề án và nhiệm vụ lĩnh vực chất thải rắn hiện nay để báo cáo, đề xuất tham mưu UBND TP.HCM chỉ đạo triển khai các nội dung này, hướng đến mục tiêu giảm thiểu phát thải trên địa bàn thành phố.
Riêng về giải quyết các khó khăn, vướng mắc, kiến nghị của các xã, phường, đặc khu, Sở Nông nghiệp và Môi trường TP.HCM, Sở Tài chính khi tiếp nhận các báo cáo về khó khăn, vướng mắc, kiến nghị trong công tác quản lý, thu gom, vận chuyển, xử lý CTRSH thì phải nhanh chóng xem xét trả lời, hướng dẫn để các địa phương triển khai thực hiện.
Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Môi trường TP.HCM, tổng khối lượng CTRSH phát sinh trên địa bàn TP.HCM (mới) trung bình khoảng 14.000 tấn/ngày; trong đó, khu vực TP.HCM (cũ) khoảng 10.500 tấn/ngày, khu vực Bình Dương (cũ) khoảng 2.400 tấn/ngày và khu vực Bà Rịa - Vũng Tàu (cũ) khoảng 1.100 tấn/ngày. Tỷ lệ CTRSH phát sinh hiện nay được thu gom, vận chuyển và xử lý trên địa bàn TP.HCM (mới) đạt trên 99%; trong đó, khu vực TP.HCM (cũ) đạt 100%, khu vực Bình Dương (cũ) và Bà Rịa - Vũng Tàu (cũ) đạt 99%.