Phóng viên Báo Nông nghiệp và Môi trường đã có cuộc trao đổi với Ông Cao Văn Cường, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Thanh Hóa để hiểu hơn về vấn đề này.
Thưa ông, trong thời gian qua, Sở Nông nghiệp và Môi trường Thanh Hóa đã triển khai những hoạt động gì nhằm nâng cao nhận thức về tác hại của thuốc lá trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của ngành?
Ngay sau khi Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá có hiệu lực, Sở đã quán triệt và cụ thể hóa nội dung chỉ đạo của UBND tỉnh và Sở Y tế bằng các văn bản hướng dẫn triển khai tới toàn bộ phòng, ban, đơn vị trực thuộc. Chúng tôi xác định rõ rằng công tác nâng cao nhận thức là nhiệm vụ cốt lõi trong việc xây dựng môi trường làm việc không khói thuốc. Trước tiên, Sở đã yêu cầu tất cả các đơn vị nghiêm túc tuyên truyền Luật, đặc biệt là các quy định cấm hút thuốc tại nơi làm việc, phòng họp, khu vực công cộng nội bộ. Các nội dung này được lồng ghép thường xuyên trong các cuộc họp giao ban, sinh hoạt chuyên môn, hội nghị và tập huấn nghiệp vụ.

Ông Cao Văn Cường, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Thanh Hóa tuyên truyền, phổ biến tác hại của thuốc lá tại lớp tập huấn. Ảnh: Thu Thủy.
Bên cạnh hình thức tuyên truyền truyền thống, Sở đã áp dụng nhiều phương pháp trực quan sinh động như treo băng rôn, áp phích, biển cảnh báo “Cấm hút thuốc” tại trụ sở làm việc, hành lang, cầu thang, khu vực tiếp dân. Chúng tôi cũng sử dụng Cổng thông tin điện tử của Sở để cập nhật các tài liệu, bài viết, video tuyên truyền, phổ biến tác hại của thuốc lá điếu thông thường, thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng – các sản phẩm đang có xu hướng gia tăng trong giới trẻ.
Ngoài ra, việc lồng ghép nội dung phòng, chống tác hại của thuốc lá vào Quy chế văn hóa công sở của Sở cũng được triển khai nghiêm túc. Trong đó quy định rõ: không hút thuốc trong khu vực làm việc chung, phòng họp, hội trường, khu vực sinh hoạt công cộng. Điều này giúp hình thành nếp sống văn minh, tạo thói quen tích cực và nâng cao ý thức tự giác trong toàn thể cán bộ, công chức, viên chức và người lao động.
Thưa ông, định hướng của Sở trong thời gian tới là gì để tiếp tục xây dựng môi trường làm việc không khói thuốc, góp phần lan tỏa ý thức này ra cộng đồng?
Trong thời gian tới, chúng tôi xác định sẽ tiếp tục thực hiện đồng bộ các nhóm giải pháp với tinh thần kiên trì, chủ động và sáng tạo. Trước hết, Sở sẽ duy trì và nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền nội bộ, đặc biệt nhấn mạnh vào các hình thức truyền thông gần gũi, dễ tiếp cận. Chúng tôi đã và đang sử dụng bảng điện tử tại sảnh cơ quan, tận dụng mạng xã hội, fanpage của các đơn vị, cá nhân để lan tỏa thông điệp “Môi trường làm việc không khói thuốc – Vì sức khỏe cộng đồng”.

Sở Nông nghiệp và Môi trường Thanh Hóa treo băng rôn, áp phích tuyên truyền về tác hại của thuốc lá tại trụ sở làm việc. Ảnh: Thu Thủy.
Song song với tuyên truyền, Sở tiếp tục tăng cường kiểm tra, giám sát đột xuất tại các đơn vị trực thuộc về việc tuân thủ kỷ luật, kỷ cương; quy định không hút thuốc lá nơi công sở. Tiếp tục thực hiện nội dung phòng, chống tác hại của thuốc lá vào các lớp tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ các cấp, đảm bảo mỗi cán bộ ngành nông nghiệp – môi trường không chỉ là người gương mẫu thực hiện mà còn là tuyên truyền viên tích cực trong cộng đồng.
Một định hướng rất quan trọng nữa là mở rộng tuyên truyền ra cộng đồng dân cư, đặc biệt tại vùng nông thôn, nơi còn nhiều người dân chưa tiếp cận đầy đủ thông tin về tác hại của thuốc lá và các sản phẩm thuốc lá mới. Thông qua các hội nghị về chuyên môn, chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp với chính quyền các địa phương cấp xã, các đoàn thể, Hội Nông dân để tuyên truyền và khuyến khích các địa phương xây dựng “thôn, xã không khói thuốc”.
Từng bước, chúng tôi tin rằng nếu có sự phối hợp đồng bộ từ cơ quan quản lý đến cộng đồng, nhận thức xã hội sẽ thay đổi, môi trường sống và làm việc sẽ trong lành hơn. Quan trọng nhất là bảo vệ được sức khỏe cho mỗi người dân, cho thế hệ trẻ, và tạo nền tảng bền vững cho sự phát triển kinh tế - xã hội toàn tỉnh.
Xin trân trọng cảm ơn ông!