| Hotline: 0983.970.780

Rác thải sinh hoạt bị ùn ứ tại nhiều phường của Quảng Ninh

Thứ Tư 23/07/2025 , 20:08 (GMT+7)

Tại các phường, xã của TP Cẩm Phả (cũ), nhiều ngày nay rác thải sinh hoạt không được thu gom, bốc mùi hôi thối, làm nhếch nhác khu dân cư.

Rác thải tập kết tại đường vào chung cư Cẩm Bình (TP Cẩm Phả cũ), nhiều ngày nay chưa được thu gom, vận chuyển. Ảnh: Cường Vũ.

Rác thải tập kết tại đường vào chung cư Cẩm Bình (TP Cẩm Phả cũ), nhiều ngày nay chưa được thu gom, vận chuyển. Ảnh: Cường Vũ.

Nguyên nhân do khu chôn lấp rác tập trung của TP Cẩm Phả (cũ) tại khu 10, phường Mông Dương phát tán mùi, nhân dân địa phương bức xúc nên đã chặn không cho xe chở rác đi vào khu chôn lấp.

Anh Hợp, người dân khu 10 (phường Mông Dương) cho biết, khâu khử khuẩn của khu chôn lấp chưa được tốt dẫn đến phát tán mùi và xuất hiện nhiều ruồi trong nhà dân. Nước thải từ bãi rác chảy xuống suối, đây có thể là nguyên nhân khiến cá chết hàng loạt.

Một số người dân khu 10 Mông Dương dựng bạt để 'canh' không cho xe chở rác vào khu chôn lấp. Ảnh: Cường Vũ. 

Một số người dân khu 10 Mông Dương dựng bạt để "canh" không cho xe chở rác vào khu chôn lấp. Ảnh: Cường Vũ. 

Chị Hoàng Điệp, người dân phường Cửa Ông, than thở: "3 ngày hôm nay rồi không có người đi thu gom rác tại nhà. Còn các bãi tập kết rác thải cứ ngày một cao lên, bốc mùi, gây ô nhiễm môi trường".

Trao đổi với phóng viên Báo Nông nghiệp và Môi trường, một lãnh đạo Công ty Môi trường đô thị Cẩm Phả xác nhận nhiều ngày hôm nay rác thải sinh hoạt của các hộ dân khu vực Cẩm Phả cũ không được thu gom do người dân khu 10 Mông Dương chặn xe chở rác.

"Các phường đang họp khẩn để tìm cách giải quyết và báo cáo lên UBND tỉnh Quảng Ninh", vị cán bộ cho hay.

Rác tập kết trước cổng trường, mặt đường quốc lộ 18, phường Cẩm Phả. Ảnh: Cường Vũ. 

Rác tập kết trước cổng trường, mặt đường quốc lộ 18, phường Cẩm Phả. Ảnh: Cường Vũ. 

Theo tìm hiểu của PV, trước ngày 1/5/2021, toàn bộ rác thải của TP Cẩm Phả (cũ) đều được thu gom, vận chuyển về khu xử lý rác tại xã Vũ Oai (TP Hạ Long cũ).

Đến cuối năm 2021, TP Cẩm Phả triển khai xây dựng công trình khu xử lý rác thải sinh hoạt toàn thành phố tại phường Mông Dương. Dự án có tổng diện tích khoảng 6,1 ha, gồm 2 bãi chôn lấp có công suất xử lý khoảng 200 tấn/ngày, hệ thống thu xử lý nước rỉ rác, nhà xử lý nước rỉ rác, trạm cân... Tổng mức đầu tư trên 52 tỷ đồng, được thực hiện từ nguồn vốn ngân sách của thành phố. Sau khi dự án hoàn thành, mỗi ngày tiếp nhận khoảng 200 tấn rác để xử lý.

Tuy nhiên, thời gian gần đây công tác khử khuẩn bãi rác chưa đảm bảo, phát tán mùi và thu hút ruồi muỗi, khiến nhân dân địa phương bức xúc.

Cần sớm đầu tư nhà máy xử lý rác thải rắn sinh hoạt hiện đại

Không riêng khu Cẩm Phả (cũ) "long đong" trong việc xử lý rác, ngay cả vùng Hạ Long, nơi tập trung rác thải lớn nhất Quảng Ninh cũng đang phải "chia" rác làm 2 nơi. Các phường miền Đông của TP Hạ Long cũ như Hạ Long, Hồng Gai, Cao Xanh, Hà Lầm, Hà Tu,.. rác được thu gom, vận chuyển vào khu chôn lấp tại Vũ Oai, Hòa Bình.

Còn khu miền Tây của Hạ Long cũ, gồm các phường: Bãi Cháy, Tuần Châu, Hoành Bồ, Việt Hưng thì chở rác lên nhà máy xử lý rác Khe Giang (Uông Bí cũ) để đốt.

Một số phường của Hạ Long (cũ) đang phải đưa rác về đốt tại nhà máy Khe Giang, Uông Bí (cũ). Ảnh: Cường Vũ. 

Một số phường của Hạ Long (cũ) đang phải đưa rác về đốt tại nhà máy Khe Giang, Uông Bí (cũ). Ảnh: Cường Vũ. 

Theo thống kê của Sở Xây dựng, khối lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh khoảng 1.300 tấn/ngày, trong đó khu vực đô thị là 988 tấn/ngày. Để thu hút các nhà đầu tư trong lĩnh vực này, tỉnh đã phê duyệt Đồ án điều chỉnh quy hoạch quản lý chất thải rắn trên địa bàn tỉnh với 5 khu xử lý chất thải rắn cấp vùng.

Đến nay thu hút được một số nhà đầu tư có năng lực, nghiên cứu xây dựng các cơ sở xử lý chất thải rắn bằng phương pháp đốt, đã có 3/5 khu, nhà máy xử lý đi vào hoạt động là: Khe Giang (TP Uông Bí cũ), Quảng Nghĩa (Móng Cái cũ), Tràng Lương (TP Đông Triều cũ). Ngoài Nhà máy xử lý rác thải tại Đông Triều (cũ) hoạt động khá tốt do mới được đầu tư, còn nhà máy Khe Giang và Quảng Nghĩa do hệ thống lò đốt sử dụng công nghệ trong nước, dẫn đến hiệu quả xử lý chưa cao, ảnh hưởng tới sức khỏe người lao động và môi trường.

Nhà máy đốt rác Khe Giang và Quảng Nghĩa, công nghệ đốt đã cũ nên thường xuyên phát tán khói bụi ra môi trường. Ảnh: Cường Vũ.

Nhà máy đốt rác Khe Giang và Quảng Nghĩa, công nghệ đốt đã cũ nên thường xuyên phát tán khói bụi ra môi trường. Ảnh: Cường Vũ.

Những bất cập trên cho thấy, việc quản lý và xử lý rác đang là vấn đề khá "nóng" của tỉnh Quảng Ninh, nhất là khi quá trình đô thị hóa ngày càng nhanh, dẫn đến lượng rác thải phát sinh tăng đột biến. Theo tính toán, đến năm 2030, lượng chất thải rắn sinh hoạt của tỉnh sẽ phát sinh khoảng 862.000 tấn/năm (gấp khoảng 2 lần hiện nay).

Để nhanh chóng khắc phục những vướng mắc liên quan đến vấn đề này, thời gian qua UBND tỉnh đã yêu cầu Sở Xây dựng, Sở NN-MT cùng với các đơn vị, địa phương liên quan rà soát, đánh giá lại công tác thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt một cách chi tiết, cụ thể, mang tính đồng bộ cao, từ công tác lập quy hoạch đến bố trí các điểm trung chuyển, điểm đấu nối, phân công trách nhiệm, công nghệ xử lý...

Rác thải sinh hoạt của một số phường TP Hạ Long (cũ) được xử lý bằng phương pháp chôn lấp trong khu Vũ Oai, Hòa Bình. Ảnh: Cường Vũ. 

Rác thải sinh hoạt của một số phường TP Hạ Long (cũ) được xử lý bằng phương pháp chôn lấp trong khu Vũ Oai, Hòa Bình. Ảnh: Cường Vũ. 

Lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh khẳng định, luôn đặt nhiệm vụ nâng cao chất lượng, mức sống của nhân dân phải tương xứng với chất lượng môi trường. Do đó, đối với quy hoạch xử lý rác thải tích hợp vào quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, tỉnh đã yêu cầu các sở, ngành liên quan phải khẩn trương rà soát quy hoạch.

Trong đó, Sở Xây dựng chủ trì điều chỉnh, bổ sung, thiết kế hạ tầng, không gian xử lý rác thải và phải nêu định hướng, quy mô dự kiến. Sở NN-MT tham mưu, bố trí quy hoạch sử dụng đất cho các khu xử lý rác thải sinh hoạt, rác thải nguy hại. Các địa phương bố trí tối thiểu một cơ sở xử lý chất thải rắn sinh hoạt hoặc khu liên hợp xử lý để chủ động trong công tác thu gom, vận chuyển, xử lý và thu hút đầu tư. Các doanh nghiệp đẩy nhanh tiến độ các dự án đang triển khai để sớm đưa vào hoạt động.

Bên cạnh những nỗ lực của chính quyền, người dân cũng cần nâng cao ý thức trong việc phân loại rác tại nguồn, hạn chế sử dụng rác thải nhựa. Các cơ sở sản xuất, kinh doanh cần tiếp tục quan tâm đầu tư thay thế, cải tiến các thiết bị sản xuất thân thiện với môi trường, xây dựng hệ thống xử lý chất thải rắn đảm bảo quy chuẩn môi trường theo quy định.

Xem thêm
Khách hàng Thanh Hóa đổ xô 'săn' ưu đãi chưa từng có để lên đời xe điện VinFast

Những ngày cuối tuần 18-20/7, Quảng trường Lam Sơn (Thanh Hóa) sôi động hơn bao giờ hết với hàng nghìn người dân đổ về sự kiện 'Vi vu muôn ngả - Phủ xanh Việt Nam' do VinFast tổ chức.

TP HCM gỡ vướng quản lý chất thải rắn sau sáp nhập hành chính

TP HCM cần phải thay đổi phương thức điều hành, kiểm tra, giám sát trong công tác thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt.

Nguyên nhân thời tiết khác biệt trong cùng hoàn lưu bão số 3

Sáng 22/7, dù cùng chịu ảnh hưởng của bão số 3 nhưng thời tiết các khu vực khác nhau lại khác biệt rõ rệt: Có nơi mưa to gió lớn, có nơi lại hửng nắng.

5 Luật mới định hình tương lai khoa học công nghệ Việt Nam

Quốc hội thông qua 5 đạo luật nhằm tháo gỡ điểm nghẽn trong lĩnh vực khoa học và công nghệ.

Thanh Hóa huy động 150 người khắc phục sự cố đê Tam Điệp - Bỉm Sơn

Chiều ngày 22/7, đê sông Tam Điệp - Bỉm Sơn xảy ra sự cố sụt lún với chiều dài 150m, chính quyền địa phương đã nhanh chóng gia cố đảm bảo an toàn.

Bình luận mới nhất