
Buổi diễn tập phòng, chống thiên tai lồng ghép yếu tố giới tại xã Hòa Phú, Đà Nẵng với mục tiêu nhằm nâng cao sự bảo vệ cho phụ nữ, trẻ em và các nhóm dễ bị tổn thương. Ảnh: Hồng Ngọc.
Sáng 27/4, gần 300 người dân xã Hòa Phú (huyện Hòa Vang, TP. Đà Nẵng) tham gia buổi diễn tập phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn có lồng ghép yếu tố giới và phòng ngừa bạo lực trên cơ sở giới. Đây là lần đầu tiên thành phố triển khai mô hình diễn tập toàn diện, nhằm bảo vệ công bằng và hiệu quả hơn cho phụ nữ, trẻ em, người cao tuổi và người khuyết tật trong thiên tai.
Chương trình do Trung tâm Chính sách và Kỹ thuật Phòng, chống thiên tai (Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai, Bộ Nông nghiệp và Môi trường) phối hợp cùng Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn xã Hòa Phú tổ chức, với sự hỗ trợ kỹ thuật từ Cơ quan Liên hợp quốc về Bình đẳng giới và Trao quyền cho phụ nữ (UN Women), tài trợ bởi Chính phủ New Zealand và Thụy Điển.
Theo các nghiên cứu của Liên hợp quốc, phụ nữ và trẻ em chịu ảnh hưởng nặng nề hơn trong thảm họa, từ nguy cơ tử vong cao hơn đến mất kế sinh nhai và khó khăn trong phục hồi. Trong các tình huống khẩn cấp, nguy cơ bạo lực giới cũng gia tăng, đòi hỏi các kế hoạch ứng phó phải nhạy cảm và đáp ứng nhu cầu đa dạng của cộng đồng.
Tham dự và phát biểu trực tuyến tại buổi diễn tập, bà Caroline T. Nyamayemombe, Trưởng Đại diện UN Women tại Việt Nam, nhấn mạnh: “Diễn tập hôm nay giúp chúng ta suy ngẫm về cách đáp ứng tốt hơn nhu cầu của phụ nữ, trẻ em, người khuyết tật và các nhóm dễ bị tổn thương khác. Nếu những nhu cầu này không được giải quyết kịp thời, quá trình phục hồi sẽ bị kéo lùi và khả năng chống chịu của cộng đồng sẽ bị suy giảm”.

Bà Caroline T. Nyamayemombe, Trưởng Đại diện UN Women tại Việt Nam, phát biểu trực tuyến, nhấn mạnh tầm quan trọng của lồng ghép yếu tố giới trong ứng phó thiên tai. Ảnh: Hồng Ngọc.
Cũng phát biểu trực tuyến, bà Rebecca Wood, Phó Đại sứ New Zealand tại Việt Nam, cho rằng: “Cuộc diễn tập này là một bước tiến nhằm đảm bảo rằng các phản ứng khẩn cấp có tính nhạy cảm về giới, bao trùm và đáp ứng được nhu cầu đa dạng của mọi thành viên trong cộng đồng - bất kể giới tính, độ tuổi hay khả năng. Chúng tôi hy vọng bài tập này sẽ củng cố thông điệp rằng yếu tố giới không nên chỉ được cân nhắc sau cùng mà cần được lồng ghép ngay từ đầu trong mọi hoạt động quản lý thiên tai”.
Ông Bùi Quang Huy, Phó Giám đốc Trung tâm Chính sách và Kỹ thuật Phòng, chống thiên tai, cho biết: "Bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới là nội dung then chốt, giúp nâng cao hiệu quả phòng, chống thiên tai tại cấp cơ sở. Việc lồng ghép này đảm bảo rằng trong quá trình sơ tán và ứng phó khẩn cấp, phụ nữ, trẻ em gái, người cao tuổi và người khuyết tật được ưu tiên bảo vệ, không ai bị bỏ lại phía sau".

Ông Bùi Quang Huy, Phó Giám đốc Trung tâm Chính sách và Kỹ thuật Phòng, chống thiên tai, phát biểu tại buổi diễn tập phòng, chống thiên tai tại xã Hòa Phú, TP. Đà Nẵng. Ảnh: Hồng Ngọc.
Trong buổi diễn tập, ngoài việc thực hiện đúng nguyên tắc “4 tại chỗ”, yếu tố giới được tích hợp xuyên suốt từng bước hành động. Các hoạt động được thiết kế nhằm ngăn ngừa các hành vi xâm hại thể chất, tinh thần, tình dục, kinh tế đối với mọi nhóm dân cư, trong đó ưu tiên tạo môi trường an toàn cho nhóm dễ bị tổn thương.
Chia sẻ sau buổi diễn tập, chị Ra Pát Thự Phượng (thôn Phú Túc, dân tộc Cơ Tu) nhớ lại trận bão năm 2023: "Khi lũ tràn về, nước ngập đến nhà, đất sạt lở ầm ầm ngay trong đêm, gia đình tôi phải vội vã sơ tán. Lúc đó chỉ biết ôm con, gọi cha mẹ và chồng chạy ngay, trong lòng chỉ tràn ngập nỗi lo sợ".
Tham gia diễn tập lần này, chị Phượng học được nhiều kỹ năng thực tiễn: "Tôi biết cách sơ tán người, gia súc, gia cầm để bảo vệ tài sản, tính mạng. Ở nhà tránh trú, tôi còn được hướng dẫn nhận biết bạo lực gia đình, xâm hại tình dục, và cách liên hệ đường dây nóng khi cần hỗ trợ".
Chị cho biết thêm: "Chúng tôi được phát băng vệ sinh, mì tôm, cháo ăn liền, tờ thông tin hướng dẫn và cảm thấy rất an tâm khi nhà tránh trú có đủ chỗ rửa tay, khu vệ sinh riêng biệt cho nam và nữ, đảm bảo sạch sẽ, an toàn cho cả gia đình và cộng đồng".

Các đại biểu và người dân xã Hòa Phú chụp hình lưu niệm sau buổi diễn tập phòng, chống thiên tai lồng ghép yếu tố giới, góp phần xây dựng cộng đồng an toàn và bền vững. Ảnh: Hồng Ngọc.
Buổi diễn tập tại Hòa Phú được kỳ vọng sẽ là bước khởi đầu cho việc nhân rộng mô hình phòng chống thiên tai nhạy cảm giới trên cả nước, góp phần xây dựng cộng đồng an toàn, công bằng và bền vững hơn trước những thách thức từ biến đổi khí hậu.