Do ảnh hưởng của bão số 3, từ ngày 22/7, trên các sông Nghệ An đã xuất hiện một đợt lũ đặc biệt lớn. Từ khi bắt đầu đến khi lũ đạt đỉnh, chênh lệch mực nước thượng lưu sông Cả (biên độ lũ) cao từ 8,7-10,5m.

Nước lũ đục ngầu bao quanh khu dân cư ở Nghệ An. Ảnh: Việt Khánh.
Theo ghi nhận của các trạm thủy văn, đỉnh lũ trên thượng lưu sông đã vượt đỉnh lũ lịch sử.
Tại Mường Xén, đỉnh lũ xuất hiện lúc 1h sáng 23/7, cao hơn lũ lịch sử 0,4m với biên độ lũ lên 8,77m.
Tại Thạch Giám, đỉnh lũ xuất hiện lúc 8h sáng 23/7, cao hơn lũ lịch sử 4,31m với biên độ lũ lên 12,57m.
Tại Con Cuông, đỉnh lũ xuất hiện lúc 14h chiều 23/7, cao hơn lũ lịch sử 1,66m với biên độ lũ lên 10,80m.
Tại Dừa, đỉnh lũ xuất hiện lúc 7h ngày 24/7, cao hơn mức báo động 3 là 0,14m. Biên độ lũ lên 10.58m.

Công trình giếng ghi mực nước và đường dẫn tại Trạm thủy văn Thạch Giám (Tương Dương, Nghệ An) bị nước lũ bao vây, cành cây và rác lớn mắc vào, sáng 24/7. Ảnh: ĐVCC.

Cán bộ Trạm thủy văn Thạch Giám dọn cây cối, rác lấp vào tuyến cọc để đi đo lúc 5h40 sáng 25/7. Ảnh: ĐVCC.
Tính đến 15h ngày 24/7, mực nước sông cả tại khu vực thượng lưu (Thạch Giám, Con Cuông) đang xuống dưới mức lịch sử, nhưng vẫn cao hơn báo động 3. Cụ thể, tại trạm Thạch Giám là 69,67m (đỉnh lũ 76,13m). Trạm Con Cuông 30,51m (đỉnh lũ 34,20m). Mực nước các sông trung lưu và hạ lưu đang lên nhưng vẫn ở mức thấp.
Thực hiện chỉ đạo của Cục Khí tượng Thủy văn, Đài Khí tượng Thủy văn Trung Bộ, Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Nghệ An đã chỉ đạo các trạm khí tượng thủy văn trong mạng lưới chuyển số liệu về không bị gián đoạn, đầy đủ, kịp thời, đúng quy định.
Bên cạnh đó, ưu tiên cao nhất vẫn là đảm bảo an toàn tính mạng cho cán bộ quan trắc. Bởi, trong tình huống thiên tai khẩn cấp, cán bộ vẫn phải thường xuyên đối mặt với lũ dữ. Chỉ một chút sơ sẩy trượt chân hay vướng bụi cây, khúc gỗ trôi nổi, tai nạn có thể xảy ra.
“Trạm Thủy văn Thạch Giám chú ý bảo đảm an toàn cho người, thực hiện chạy lũ theo lệnh chính quyền địa phương, không tự bám trụ 1 mình tại trạm, phải đảm bảo tuyệt đối an toàn tính mạng. Mất số liệu không vấn đề gì cả. Đây là Lệnh của Giám đốc Đài Trung Bộ”.
Trích tin nhắn chỉ đạo của Đài KTTV Trung Bộ gửi trạm Thạch Giám khi lũ lên rất nhanh.

Trạm thủy văn Nam Đàn bị sạt lở 2 bên tuyến đo mực nước. Ảnh: ĐVCC.
Sau khi có lệnh chỉ đạo về bão số 3, suốt từ ngày 19/7, Đài tỉnh đã chỉ đạo các trạm khí tượng thủy văn trên toàn mạng lưới nghiêm túc thường trực 24/24 theo dõi và thu thập đầy đủ thông tin về tình hình thời tiết, thủy văn và nhận định khả năng ảnh hưởng của mưa lớn, lũ đến Nghệ An.
Các bản tin dự báo, cảnh báo ảnh hưởng của đợt mưa, lũ trên khu vực được gửi đến Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn, Sở Nông nghiệp và Môi trường, Báo và Phát thanh – Truyền hình, Báo điện tử tỉnh Nghệ An và các xã, phường trong khu vực. Việc truyền tin thực hiện qua điện thoại, nhắn tin, email và mạng xã hội (Zalo).
Ngoài ra, lãnh đạo Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh liên tục gọi điện và nhắn tin cho lãnh đạo tỉnh và Ban chỉ huy phòng chống thiên tai, Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh, phục vụ công tác chỉ đạo nhằm nỗ lực giảm thiểu đến mức tối đa thiệt hại do mưa, lũ gây ra.
Cán bộ Trạm thủy văn Mường Xén dọn dẹp sau lũ, sáng 24/7. Video: ĐVCC.
Theo ông Tăng Văn An, Phó Giám đốc Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Nghệ An, suốt những ngày qua, khu vực các trạm thủy văn nằm trên hệ thống lưu vực sông Cả đều bị ngập. Nước lũ, bùn bao vây xung quanh các tuyến bậc thang quan trắc mực nước, giếng ghi mực nước sát bờ sông. Mặc dù vậy, các cán bộ thủy văn vẫn nỗ lực ghi nhận dữ liệu và truyền thông tin về đài tỉnh, đảm bảo tuân thủ thời gian truyền tin phục vụ công tác dự báo, cảnh báo lũ.
“Quan trắc viên các trạm vẫn cố gắng ghi dữ liệu từng giờ để báo về trung ương phục vụ ra bản tin cho hạ du, cố gắng mang máy móc biểu tài liệu quan trắc chạy lên cao để tiếp tục quan trắc truyền số liệu”, ông An chia sẻ.

Cán bộ trạm thủy văn Con Cuông dọn bùn cát lấp tuyến và đường đi ra tuyến đo mực nước. Ảnh: ĐVCC.
Hiện nay, lũ ở các trạm thượng nguồn sông Cả đang xuống. Bùn đất, cây cối, rác lấp vào các tuyến cọc đo thủy văn. Trong thời gian giữa các ốp quan trắc, các cán bộ trạm thủy văn tranh thủ dọn dẹp vệ sinh xung quanh, khắc phục tạm thời để đảm bảo công việc quan trắc không bị gián đoạn.
Theo báo cáo nhanh của các trạm thuộc Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Nghệ An:
Trạm Thủy văn Mường Xén trôi toàn bộ công trình cáp, bao gồm: 2 mố cáp, cáp giữ nôi, trụ chống cáp, cầu công tác, tuyến quan trắc mực nước. Tổng thiệt hại ước tính khoảng 700 triệu đồng.
Trạm thủy văn Thạch Giám đổ 50m bờ rào phía Bắc trạm, trôi toàn bộ công trình giếng đặt máy tự ghi mực nước. Tổng thiệt hại ước tính khoảng 600 triệu đồng.
Trạm thuỷ văn Dừa bị đứt dây cáp thủy trực, đổ các cột chống đường dây nguồn, tín hiệu của camera giám sát thuộc dự án WB8 tổng thiệt hại khoảng 60 triệu đồng.
Tuyến mực nước hiện tại của các trạm chưa đánh giá được do đang ngập trong lũ nhưng khả năng một số trạm sẽ bị hỏng tuyến quan trắc mực nước.
Các cán bộ làm việc tại một số trạm như trạm thủy văn Con Cuông, trạm thủy văn Quỳ Châu đã có những thiệt hại về nhà cửa, tài sản.