| Hotline: 0983.970.780

Nghệ An cam kết nước rút đến đâu, tổ chức khắc phục nhanh đến đó

Thứ Năm 24/07/2025 , 21:14 (GMT+7)

Trong bối cảnh thiên tai khốc liệt, lãnh đạo tỉnh Nghệ An cam kết không để người dân nào lâm vào cảnh màn trời chiếu đất, thiếu ăn, thiếu mặc

Giải cứu 3 hộ gia đình và 9 người bị mắc kẹt trên mái nhà

Phát biểu tại Phiên họp lần thứ nhất của Ban Chỉ đạo Phòng thủ dân sự quốc gia về công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2025 chiều 24/7, lãnh đạo xã Mường Xén, tỉnh Nghệ An cho biết, từ tối ngày 21/7, mưa lớn trên địa bàn, nước sông Nậm Mộ dâng nhanh, tràn vào các khu vực dân cư ven sông ở thị trấn Mường Xén.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp lần thứ nhất của Ban Chỉ đạo Phòng thủ dân sự quốc gia, được kết nối trực tuyến từ trụ sở Chính phủ tới 34 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, 3.321 xã, phường, đặc khu trên cả nước. Ảnh: VGP/Nhật Bắc.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp lần thứ nhất của Ban Chỉ đạo Phòng thủ dân sự quốc gia, được kết nối trực tuyến từ trụ sở Chính phủ tới 34 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, 3.321 xã, phường, đặc khu trên cả nước. Ảnh: VGP/Nhật Bắc.

Nhiều nơi ngập sâu từ 1-4 m buộc người dân phải di dời khẩn cấp. Có khoảng 10-20 bản tại xã Mường Xén bị ngập từ 1 đến 3,5 m. Một số tuyến đường bị sạt lở gây cô lập hoàn toàn; toàn bộ địa bàn xã Mường Xén bị chia cắt, mất điện, mất sóng điện thoại; mất nước sinh hoạt tại nhiều khu vực. Đến nay, nước đã rút, nhưng nhiều tuyến đường vẫn còn ngập trong bùn đất, có đoạn lớp bùn cao tới hơn 3 m.

Cho đến thời điểm này, chưa ghi nhận thiệt hại về người. Tuy nhiên, nhiều tài sản và hoa màu đã bị cuốn trôi và hư hại. 9 nhà bị sập hoàn toàn, 8 nhà khác đang có nguy cơ sập.

Về công tác ứng phó, ngay trong đêm 21/7 và sáng ngày 22/7, các lực lượng, chính quyền xã đã di dời hàng trăm hộ dân ở vùng nguy hiểm. Đặc biệt trong đêm 21/7, đã kịp thời giải cứu 3 hộ gia đình với 9 người bị mắc kẹt trên mái nhà giữa dòng nước chảy xiết tại khối 5 và khối 3.

Sau khi nước rút, chính quyền đã huy động máy móc và nhân lực để dọn dẹp bùn đất, thông đường, khôi phục cơ sở hạ tầng, Quốc lộ 7 và trụ sở các cơ quan. Về kế hoạch tiếp theo, xã sẽ tiếp tục tập trung dọn dẹp, khôi phục cơ sở hạ tầng, thông tuyến giao thông và đánh giá thiệt hại để hỗ trợ người dân ổn định đời sống, tiếp tục sản xuất.

Nước rút đến đâu, tổ chức khắc phục nhanh đến đó

Báo cáo với Thủ tướng Chính phủ và Ban Chỉ đạo về công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2025, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Lê Hồng Vinh cho biết, trong bối cảnh là tỉnh thường xuyên chịu ảnh hưởng của nhiều loại hình thiên tai, Nghệ An luôn xác định phương châm bám sát chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ là “chủ động phòng ngừa, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và hiệu quả, trong đó lấy phòng là chính”.

Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Lê Hồng Vinh báo cáo từ điểm cầu tỉnh Nghệ An. Ảnh: Thành Duy/Báo Nghệ An.

Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Lê Hồng Vinh báo cáo từ điểm cầu tỉnh Nghệ An. Ảnh: Thành Duy/Báo Nghệ An.

Do đó, ngay trước mùa mưa bão, tỉnh đã quyết liệt chỉ đạo các địa phương chủ động rà soát, xây dựng phương án, kịch bản ứng phó thiên tai phù hợp với tình hình cụ thể tại địa phương theo phương châm “4 tại chỗ”.

Với tinh thần đó, trước diễn biến phức tạp của bão số 3, tỉnh thực hiện nghiêm túc, khẩn trương nội dung các Công điện của Thủ tướng Chính phủ về việc tập trung ứng phó và về việc tập trung khắc phục hậu quả.

Tuy nhiên, từ 19h ngày 21/7 đến 19h ngày 22/7, lượng mưa trên địa bàn tỉnh phổ biến từ 100mm đến 200mm, có nơi trên 250 mm; đồng thời lưu lượng nước từ thượng nguồn về rất lớn đã gây lũ lụt lịch sử, chia cắt, ngập lụt nhiều xã miền núi, cơ sở hạ tầng bị cuốn trôi, hư hỏng nặng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của Nhân dân.

Tỉnh đã di dời 3.440 hộ dân, điều động hơn 2.700 cán bộ lực lượng Quân đội, Công an ứng cứu, hỗ trợ người dân kịp thời. Huy động các thiết bị cứu hộ cứu nạn trên sông nước như xuồng, ca nô.

Tính đến 10h ngày 24/7, có 6 xã bị cô lập hoàn toàn và 24 xã bị cô lập một phần. Đối với những địa bàn này, Bộ Quốc phòng đã điều động trực thăng để vận chuyển hàng hóa, lương thực. Tỉnh cũng chủ động chuẩn bị nguồn hàng từ trước nên kịp thời bố trí để vận chuyển lên hỗ trợ bà con.

"Nước rút đến đâu, tỉnh sẽ tổ chức khắc phục nhanh đến đó. Trong ngày 25/7, tất cả các tuyến giao thông trên địa bàn sẽ được thông suốt. Hệ thống lưới điện cũng sẽ được khắc phục khi còn 7.800 khách hàng bị mất điện do 4 đường dây nhánh rẽ bị ảnh hưởng", ông Lê Hồng Vinh cam kết.

Cũng với phương châm đó, lãnh đạo UBND tỉnh Nghệ An cho biết, tỉnh sẽ cung ứng hàng hóa, xăng dầu, xây dựng phương án đảm bảo hàng hóa, thuốc men phục vụ nhu cầu thiết yếu của người dân. Đồng thời triển khai công tác khôi phục sản xuất nông nghiệp, khắc phục thiệt hại về nhà cửa của người dân.

Quân đội sử dụng máy bay trực thăng chở hàng cứu trợ để chuyển đến người dân Nghệ An bị cô lập do lũ lụt. Ảnh: Việt Khánh.

Quân đội sử dụng máy bay trực thăng chở hàng cứu trợ để chuyển đến người dân Nghệ An bị cô lập do lũ lụt. Ảnh: Việt Khánh.

“Hiện nay, tỉnh phân công các đồng chí lãnh đạo tỉnh bám sát địa bàn để chỉ đạo thực hiện sát trên từng lĩnh vực để bảo đảm điều kiện sinh hoạt cho người dân”, Chủ tịch Lê Hồng Vinh báo cáo và khẳng định: “Tỉnh quyết liệt chỉ đạo không để người dân nào lâm vào cảnh màn trời chiếu đất, thiếu ăn, thiếu mặc”.

Báo cáo với Thủ tướng Chính phủ và Ban Chỉ đạo, ông Lê Hồng Vinh cũng đã đúc rút các bài học kinh nghiệm trong công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục với thiên tai. Đặc biệt dù mới chỉ đi vào vận hành, song chính quyền cấp xã đã thể hiện được sự sâu sát, trách nhiệm, bám địa bàn, bám sát người dân, chủ động, không ỷ lại cấp trên trong quá trình ứng phó với các tình huống đợt lũ vừa qua.

Trước tình hình này, bên cạnh nỗ lực khắc phục của chính quyền và người dân địa phương, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An đã kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quan tâm hỗ trợ kinh phí để tỉnh sớm khắc phục hậu quả, đặc biệt là đối với hệ thống hạ tầng giao thông, điện, nhà ở của người dân và trụ sở làm việc…

Về lâu dài, ông Vinh cũng kiến nghị cần xây dựng các chính sách định canh, định cư bền vững cho người dân, bảo đảm chỗ ở ổn định, đầy đủ cơ sở hạ tầng thiết yếu; đồng thời, đề xuất xây dựng các công trình lưỡng dụng như tại trụ sở UBND cấp xã, vừa phục vụ hoạt động hành chính thường ngày, vừa có chức năng làm nơi cứu hộ, cứu nạn khi xảy ra thiên tai, đặc biệt tại các vùng miền núi khó khăn.

Chia sẻ nỗi đau, sự mất mát, thiệt hại to lớn về tài sản đối với người dân các xã miền núi tại tỉnh Nghệ An đang hứng chịu bởi đợt lũ lớn do ảnh hưởng của cơn bão số 3 và hoàn lưu sau bão, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, sáng 24/7, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phan Văn Giang đã chỉ đạo dùng máy bay trực thăng tiếp tế lương thực, thực phẩm và những đồ dùng thiết yếu cho người dân vùng bị chia cắt. Trước đó, Thủ tướng đã cử các Phó Thủ tướng Chính phủ có mặt tại các vùng xung yếu, làm việc, kiểm tra tình hình, trực tiếp chỉ đạo công tác ứng phó.

Thủ tướng nhắc nhở tuyệt đối không chủ quan, lơ là trước tình hình thiên tai, đặc biệt không thể nói "địa bàn bị chia cắt nên lãnh đạo không lên được". "Đang chia cắt mới cần lãnh đạo, cần lực lượng chủ công bằng mọi cách để nắm tình hình, bằng mọi cách để tiếp cận địa bàn bị chia cắt, bằng mọi cách để tiếp tế lương thực, thực phẩm, nước uống cho người dân", Thủ tướng nhấn mạnh.

Xem thêm

Bình luận mới nhất