
Cả một khu vực chìm trong biển nước đục ngầu. Ảnh: Việt Khánh.
Số đông người dân, đồng bào tại các xã vùng cao như Mường Xén, Tương Dương, Tam Quang, Tam Thái, Con Cuông… nhất mực quả quyết, từ khi cha sinh mẹ đẻ đến giờ mới chứng kiến trận lũ khủng khiếp đến nhường này.
Tình hình chuyển biến quá nhanh khiến họ chẳng kịp trở tay. Trong đêm tối mịt mùng, thiên tai càng hiểm nguy, trắc trở, ngược lại sức người trở nên quá nhỏ bé. Đặt trong bối cảnh đó, giữ được tính mạng không thôi đã là điều thần kỳ.

Biển nước mênh mông bao trùm khắp xã Tam Quang. Ảnh: Ngọc Linh.
Ghi nhận đến 12h ngày 23/7, thời tiết ít nhiều có chuyển biến, mưa đã bớt nặng hạt, nước lũ cũng rút khá nhiều nhưng nhiều tuyến đường vẫn bị chia cắt. Riêng tuyến Quốc lộ 7 nối dài từ cửa khẩu Nậm Cắn, chạy qua các huyện Tương Dương (cũ), Kỳ Sơn (cũ), Con Cuông (cũ) vẫn chưa thể thông tuyến, đồng nghĩa cuộc sống thường nhật cần thêm thời gian để phục hồi.
Xuyên đêm chỉ đạo công tác ứng phó mưa bão, ông Nguyễn Hữu Hiến, Chủ tịch UBND xã Tam Quang, hiểu rõ áp lực bộn bề: “Nước lũ tràn về quá nhanh, chẳng mấy chốc đã dâng cao quây kín khắp nơi. Riêng Khe Bố, Làng Nhùng, Bãi Sở, những điểm thấp trũng thì ngập nặng hơn. Có lúc, tuyến Quốc lộ 7 ngập sâu 4-5 m, hay như Trạm kiểm lâm Khe Bố nước chạm đến tận nóc. Bùn lầy, rác thải thì nhiều không kể xiết.
Xác định thiên tai khó lường, ngay từ chiều 22/7, chính quyền cấp xã đã họp bàn, qua đó thống nhất phương án vận động, di dời 18 hộ dân trong diện ngập lụt nặng năm 2018 để tránh bất trắc. Dù đã nêu cao cảnh giác nhưng diễn biến về sau vẫn khiến nhiều người bất ngờ”.

Riêng những điểm thấp trũng lại làng Nhùng chịu tác động hết sức nặng nề. Ảnh: Ngọc Linh.
Trải qua một đêm kinh hoàng, đến giờ sự hãi hùng vẫn hiện rõ trong từng lời nói của anh Trần Văn Chinh, cán bộ giữ rừng tại Trạm Kiểm lâm Khe Bố (thuộc Hạt Kiểm lâm Tương Dương): “Trạm đóng tại khu vực làng Nhùng của xã Tam Quang, vị trí này nằm cao hơn Quốc lộ 7 hàng mét. Những tưởng sẽ an toàn nhưng khi nước lũ tràn về đã làm đảo lộn tất cả.
Nhận thấy nước dâng nhanh bất thường, anh em chúng tôi chỉ kịp kê cao một số vật dụng, đồ đạc thiết yếu rồi khẩn trương tìm nơi tránh trú. Chưa đầy một tiếng sau, nước lũ đã chạm đến mái nhà. Quả thực trong mơ cũng không hình dung nổi”.

Cuộc sống của người dân bị đảo lộn. Ảnh: Ngọc Linh.
Hì hục lau dọn, vận chuyển đồ đạc từ sáng sớm, ông Nguyễn Văn Hướng, SN 1971, trú tại làng Nhùng, xã Tam Quang mặt đỏ bừng, quần áo ướt đẫm mồ hôi. Tâm trạng âu lo, mệt mỏi rã rời, ông Hướng chỉ kịp tâm sự mấy lời: “Đêm qua (22/7) nhìn chung mưa không lớn, chủ yếu là nước lũ từ bên Lào đổ về thôi, lưu lượng mạnh nhất vào khoảng 2h sáng.
Lũ về trong đêm thành thử ai cũng hoảng loạn, hàng chục hộ ở dưới thấp phải chạy lũ xuyên đêm, số đông di dời đến nhà hội trường của bản, có những hộ xin tránh trú tại một phòng khám tư nhân trên địa bàn, số khác đang ở trong nhà tôi. Giữa lúc hoạn nạn mới hiểu rõ tình làng nghĩa xóm chú ạ”.
Sau đêm 22/7, khắp vùng cao Nghệ An bị chìm trong mênh mông nước. Nước lũ đã làm ngập sâu cả ngàn căn nhà, chia cắt cục bộ nhiều làng, bản, khiến hàng loạt tuyến giao thông trọng yếu tê liệt, đồng thời gây thiệt hại lớn về sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi. Theo nhận định chung, đây là trận thiên tai mang tính lịch sử.