
Chính quyền và người dân Mường Xén khẳng định đây là trận lũ lịch sử. Ảnh: Cơ sở cung cấp.
Dù đã lường trước nhưng chẳng ai có thể ngờ đến kịch bản này, với đồng bào vùng cao Nghệ An đây chắc chắn là trận lũ lịch sử với sức nước kinh người.
Mưa như thác đổ suốt nhiều ngày trời, lượng nước từ bên Lào đổ về dồn dập, kết hợp các nhà máy thủy điện đồng loạt xả đã biến thành “hiểm họa” đối với người dân vùng cao Nghệ An, nhất là khu vực chạy dọc theo tuyến đường 7, kéo dài qua các huyện Kỳ Sơn (cũ), Tương Dương (cũ) và một phần của huyện Con Cuông (cũ).
“Oằn mình” chống lũ xuyên đêm, từ cấp chính quyền, cơ quan chức năng, đặc biệt là người dân đều mệt mỏi cả về tinh thần lẫn thể xác. Đáng nói mối nguy vẫn lửng lơ trên đầu khi diễn biến thời tiết còn nhiều bất ổn, kết hợp thủy điện xả lũ, nếu tình hình kéo dài mọi thứ sẽ vượt ngoài tầm kiểm soát.

Mức độ tàn phá còn lớn hơn trận lũ ống, lũ quét cuối năm 2022. Ảnh: Việt Khánh.
Ông Nguyễn Viết Hùng, người nhiều năm giữ chức Chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn (cũ), nay là Chủ tịch UBND xã Mường Xén, cấp cơ sở chịu ảnh hưởng nặng nề đợt này bày tỏ tâm tư:
“Tình hình đêm qua (22/7) rất căng, nước dâng cao đến tận 3 – 4 sáng mới rút. Tại khu vực Quốc lộ 7, nơi trung tâm xã có nơi dâng cao 2 – 2,5m, hiện tại nước đã rút được khoảng 1m rồi đấy, bà con tranh thủ nước rút đến đâu thì dọn dẹp đến đấy, lượng bùn quá lớn, nếu để đông cứng sẽ rất khó xử lý. Mức độ thiệt hại chưa tính được nhưng cơ bản là nặng, bà con khẳng định đây là trận lũ lịch sử hiếm có xưa nay”.
“Theo ông, mức độ tàn phá có bằng trận lũ ống, lũ quét vào tháng 10/2022 không”? PV đặt câu hỏi. “Không ăn thua so với đợt này. Lần đó phạm vi nhỏ hơn, chủ yếu là nước trong khe chảy ra, còn lần này nước lũ từ thượng Lào đổ về cuồn cuộn, mấy chốc mà nước sông Nậm Mộ, sông Nậm Nơn dâng cao đột biến. Thông tin anh em bên Lào báo về, họ chưa bao giờ thấy cảnh tượng như vậy”, ông Hùng trả lời.
Chủ tịch UBND xã Mường Xén nhấn mạnh, chính quyền địa phương đã lường trước sự thể nên chủ động xây dựng kế hoạch, vận động và hỗ trợ di dời ngay từ chiều 22/7 đối với những trường hợp thực sự cấp bách.
Bà Lương Thị Chuyên vẫn không tin nổi những gì đã xảy ra đêm qua: “Lũ lụt kinh khủng lắm, nước bắt đầu dâng cao ngập đường khi 22h, cứ thế kéo dài ròng rã đến tận 3h sáng, báo hại người dân chúng tôi thấp thỏm, lo âu xuyên đêm. Thiên tai chẳng biết đường nào mà lần, có ai dám ngủ trong nhà đâu. Nước lũ kèm theo bùn lầy đặc quánh ùn ùn đổ về đây, tấp kín ngõ ngách, đường đi lối lại. Nước lũ có nơi ngút tầm đầu, có vị trí bùn cao đến tận đầu gối, từ bản cầu 8 lên bản Cánh, vòng qua Ta Đo – Mường Típ bị cô lập hoàn toàn.

Sau 1 đêm cuộc sống của họ đã bị đảo lộn tứ tung. Ảnh: Cơ sở cung cấp.
Nhà tôi tổng cộng 7 con người, già trẻ, lớn bé đủ cả, cả đoàn rồng rắn lịch kịch chuyển đến mấy hộ sống trên cao xin ở nhờ, mà mấy hộ đó cũng bị nước ngập hết mà. Đêm tối lọ mọ chẳng biết đường nào mà lần, cô con dâu mới sinh được 7 tháng, loay hoay lo cho cháu nhỏ bị sốt cao thành thử chẳng giúp được chi, trong cơn cấp bách phải vận động mấy bà già, chị em xung quanh đến đỡ đần giúp cho”.