
Khu vực biên giới của Nghệ An gánh chịu hậu quả khủng khiếp do thiên tai. Ảnh: Xuân Hòa.
Thiên tai lần này để lại “di chứng” khủng khiếp cho hàng loạt xã khu vực biên giới của huyện Kỳ Sơn (cũ). Nơi đây đời sống của dân bản còn nghèo, cơ sở vật chất, hạ tầng còn thiếu thốn, số đông vẫn phải dựa vào chính sách hỗ trợ của Nhà nước.
Bởi thế, "trận cuồng phong" mới tràn qua tức thì càng khiến cuộc sống khó khăn hơn. Mưa lũ gây mất mát về người, đẩy nhiều gia đình vào tình cảnh mành trời chiếu đất, ngay đến đồ ăn thức uống thời điểm này cũng rất bí bách. Diễn biến hiện tại rất cam go, nếu tình hình không sớm cải thiện áp lực càng thêm chất chồng.
Qua cơn lũ dữ đã có người thiệt mạng, danh tính nạn nhân xấu số được xác định là chị Moong M T, công dân của xã Bắc Lý, nỗi đau như thể nhân đổi khi con gái chị T. là cháu Lương Thị Nhị, SN 2019 cũng gặp nạn. Lãnh đạo xã này xác nhận: “Hôm trước mẹ con chị T. lên rẫy cùng mấy người trong bản, lúc ra về không may bị nước lũ cuốn trôi”.

Xã Mỹ Lý hoang toàn sau khi bão lũ tràn qua. Ảnh: Xuân Hòa.
Muốn hình dung rõ hơn diễn biến thực tại của xã Bắc Lý, tôi liên lạc với ông Phạm Viết Phúc, Chủ tịch UBND xã nhưng hết lần này lượt khác đều không có tín hiệu phản hồi, chờ đợi tận vài tiếng đồng hồ sau mới kết nối thành công.
Từ đầu giây bên kia, ông Phúc tâm tư: “Mưa lũ dội xuống làm đảo lộn tất cả, nhiều điểm bị san phẳng, khắp chốn ngổn ngang bùn lầy, rác thải, cây cối gãy đổ chất chồng như núi. Lũ rút đi để lại trăm mối tơ vò, nhiều nơi mất điện, mất nước sinh hoạt, chung quy dân bản đang thiếu thốn đủ bề, bà con cần lắm sự quan tâm, chia sẻ của cộng đồng. Sáng nay xã đã thành lập đoàn di chuyển vào bản Buộc, chúng tôi đi từ sáng sớm nhưng mới được nửa đường thôi. Vùng này sóng chập chờn lúc có lúc không, khi anh gọi là mất sóng hoàn toàn”.

Tại xã Bắc Lý tình hình cũng rất bi đát. Ảnh: Xuân Hòa.
Ông Phạm Viết Phúc thông tin thêm, đời sống của nhân dân Bắc Lý còn nghèo, toàn xã có gần 1.000 hộ dân với khoảng 5.200 nhân khẩu. Thiên tai vẫn thường xuyên "ghé thăm" nhưng chủ yếu diễn ra trong phạm vi hẹp, thời gian ngắn chứ không kéo dài lê thê, tàn phá trên diện rộng như đợt này.
“Đến thời điểm này vẫn còn 8 bản với tổng cộng 531 hộ, 2.800 nhân khẩu bị chia cắt, việc tiếp cận để trợ giúp không dễ dàng gì. Thường ngày đường rừng khó đi, nay lũ tàn phá còn gian nan gấp bội phần. Muốn đến các bản bị cô lập chỉ còn cách cuốc bộ băng rừng, nhiều điểm phải dùng dao phát quang dây leo, bụi rậm, rồi lấy cuốc san gạt bùn lầy, chung quy đến đâu hay đến đó, tùy cơ ứng biến chú ạ.

Mất mát lần này quá lớn, phải rất lâu nữa bà con Bắc Lý mới gượng dậy được. Ảnh: Xuân Hòa.
Bản Buộc tiếng là gần nhất nhưng từ trung tâm xã vào đó cũng trên dưới chục cây số, riêng Chà Nga là bản xa nhất với 20km mỗi chiều. Thời tiết lúc này rất bất lợi, ở trong rừng càng đối diện nhiều nguy cơ, chúng tôi dự kiến vào bản Buộc thăm hỏi, hỗ trợ bà con kinh phí, nhu yếu phẩm rồi quay ra, ngoài đó còn bộn bề việc phải làm”, ông Phúc thật tâm chia sẻ.
Sau nhiều ngày quần thảo đảo điên, nay nước lũ trên địa bàn huyện Kỳ Sơn (cũ) đã rút đi nhiều, qua đó lộ rõ hơn khung cảnh xác xơ, tiêu điều ở những vùng “rốn lũ” như Mường Xén, Bắc Lý, Mỹ Lý. Thiệt hại kinh tế rất nặng nề và còn kéo dài nhiều ngày sau đó.