| Hotline: 0983.970.780

Phát triển nông nghiệp bền vững từ chính sách đất đai

Thứ Hai 05/05/2025 , 04:24 (GMT+7)

Chính sách đất đai mới mở rộng quyền cho nông dân, đồng thời khuyến khích những người có năng lực phát triển sản xuất nông nghiệp bền vững.

Việt Nam là một quốc gia nông nghiệp với 84% diện tích đất tự nhiên là đất nông nghiệp và gần 62% dân số sống ở nông thôn. Do đó, chính sách đất đai giữ vai trò quan trọng trong việc định hướng và thúc đẩy nông nghiệp bền vững.

Đó là chia sẻ ông Lê Văn Bình, Phó Cục trưởng Cục Quản lý đất đai (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) với phóng viên báo Nông nghiệp và Môi trường về chính sách đất đai mới nhằm thúc đẩy sản xuất nông nghiệp phát triển.

Ông Lê Văn Bình cho rằng chính sách đất đai giữ vai trò quan trọng trong việc định hướng và thúc đẩy nông nghiệp bền vững. Ảnh: Trường Giang.

Ông Lê Văn Bình cho rằng chính sách đất đai giữ vai trò quan trọng trong việc định hướng và thúc đẩy nông nghiệp bền vững. Ảnh: Trường Giang.

Tạo điều kiện mở rộng quy mô sản xuất 

Theo ông Bình, Luật Đất đai 2024 có những nội dung đổi mới quan trọng đối với chính sách về đất nông nghiệp.

Cụ thể, về hạn mức giao đất, Luật kế thừa quy định về hạn mức giao đất của Luật Đất đai qua các thời kỳ, giữ ổn định hạn mức giao đất theo đúng quan điểm chỉ đạo của Nghị quyết số 18-NQ/TW. Theo đó, hạn mức giao đất trồng cây hằng năm, đất nuôi trồng thủy sản, đất làm muối cho cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp là không quá 3 ha cho mỗi loại đất đối với tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thuộc khu vực Đông Nam Bộ và khu vực đồng bằng sông Cửu Long; không quá 2 ha cho mỗi loại đất đối với tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khác.

Hạn mức giao đất trồng cây lâu năm cho cá nhân không quá 10 ha đối với xã, phường, thị trấn ở đồng bằng; không quá 30 ha đối với xã, phường, thị trấn ở trung du, miền núi. Hạn mức giao đất rừng phòng hộ, đất rừng sản xuất là rừng trồng cho cá nhân không quá 30 ha đối với mỗi loại đất.

Về thời hạn sử dụng đất, người trực tiếp sản xuất nông nghiệp được Nhà nước giao đất, công nhận quyền sử dụng đất (đối với phần diện tích trong hạn mức giao đất) với thời hạn là 50 năm, khi hết thời hạn, thì được tiếp tục sử dụng đất theo thời hạn quy định mà không phải làm thủ tục gia hạn. Quy định này tạo điều kiện thuận lợi cho người trực tiếp sản xuất nông nghiệp khi thực hiện các quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, góp vốn bằng quyền sử dụng đất, hợp tác sản xuất, kinh doanh bằng quyền sử dụng đất, thế chấp quyền sử dụng đất…

Về hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp của cá nhân, Luật mở rộng hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp lên không quá 15 lần hạn mức giao đất và giao UBND cấp tỉnh quy định cho phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương.

 Luật cũng mở rộng đối tượng được nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp cho tổ chức kinh tế; cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp được nhận chuyển nhượng đất trồng lúa trong hạn mức được giao đất nhằm tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân có năng lực về vốn, khoa học kỹ thuật có quyền tiếp cận đất đai, đầu tư sản xuất nông nghiệp hàng hóa, hạn chế tình trạng bỏ hoang hoặc sử dụng đất nông nghiệp manh mún không hiệu quả.

Quy định người sử dụng đất trồng lúa được chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trên đất trồng lúa nhưng không làm mất đi điều kiện cần thiết để trồng lúa trở lại theo quy định của pháp luật về trồng trọt; được sử dụng một phần diện tích đất xây dựng công trình phục vụ trực tiếp sản xuất nông nghiệp. Đồng thời, cho phép người sử dụng đất nông nghiệp được kết hợp với thương mại, dịch vụ, chăn nuôi, trồng cây dược liệu… nhưng không được làm thay đổi loại đất đã được xác định theo quy định của Luật Đất đai.

 Bổ sung quy định về tập trung, tích tụ đất nông nghiệp nhằm tạo hành lang pháp lý cho các hoạt động tập trung, tích tụ đất đai đáp ứng nhu cầu sản xuất hàng hóa lớn tập trung trong nông nghiệp.

Như vậy, Luật Đất đai 2024 đã có các quy định nhằm tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân có năng lực về vốn, khoa học kỹ thuật có quyền tiếp cận đất đai, đầu tư sản xuất nông nghiệp hàng hóa; hạn chế tình trạng bỏ hoang hoặc sử dụng đất nông nghiệp manh mún không hiệu quả; đồng thời có các quy định cụ thể về tập trung đất nông nghiệp, tích tụ đất nông nghiệp để tạo điều kiện thuận lợi cho người sử dụng đất nông nghiệp mở rộng quy mô sản xuất.

Tích tụ ruộng đất là cơ sở để hình thành các mô hình nông nghiệp quy mô lớn thuận tiện cho ứng dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất, tăng giá trị nông nghiệp. Ảnh: Hoàng Mai

Tích tụ ruộng đất là cơ sở để hình thành các mô hình nông nghiệp quy mô lớn thuận tiện cho ứng dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất, tăng giá trị nông nghiệp. Ảnh: Hoàng Mai

Tăng hiệu quả sử dụng đất

Một trong những quy định mới quan trọng của Luật là sử dụng đất kết hợp đa mục đích, trong đó có quy định cho phép đất nông nghiệp được sử dụng kết hợp với mục đích thương mại, dịch vụ, chăn nuôi, trồng cây dược liệu.

Theo đó, việc sử dụng đất kết hợp đa mục đích phải đáp ứng các điều kiện nhất định để tránh lạm dụng chuyển mục đích sử dụng đất. Diện tích đất sử dụng vào mục đích kết hợp không quá 50% diện tích đất sử dụng vào mục đích chính, trừ diện tích đất ở sử dụng kết hợp đa mục đích…

Ông Lê Văn Bình cho rằng, sử dụng đất kết hợp đa mục đích sẽ mang lại nhiều tác động tích cực cho ngành nông nghiệp. Đầu tiên là việc sử dụng đất kết hợp đa mục đính sẽ làm tăng hiệu quả sử dụng đất, cho phép người sử dụng đất thu được giá trị gia tăng trên cùng một đơn vị diện tích.

Việc sử dụng đất nông nghiệp kết hợp với các mục đích khác sẽ phát huy cao hơn các giá trị của sản xuất nông nghiệp, đưa giá trị sản xuất nông nghiệp đến gần hơn với thị trường và người tiêu dùng. Ví dụ: kết hợp du lịch với sản xuất nông nghiệp sẽ khai thác được các giá trị của nông nghiệp phục vụ du lịch và ngược lại du lịch sẽ giúp quảng bá các sản phẩm nông nghiệp ra thị trường và đến người tiêu dùng.

"Việc sử dụng đất nông nghiệp kết hợp đa mục đích còn giúp bảo vệ và duy trì hệ sinh thái, giảm ô nhiễm môi trường, tạo không gian xanh cho các hoạt động được kết hợp. Pháp luật cũng quy định việc sử dụng đất kết hợp đa mục đích phải đảm bảo các yêu cầu không làm thay đổi loại đất theo phân loại đất của Luật Đất đai; phải đảm bảo hạn chế ảnh hưởng đến bảo tồn hệ sinh thái tự nhiên, đa dạng sinh học, cảnh quan môi trường", ông Bình nhấn mạnh.

Một tác động tích cực khác là việc sử dụng đất nông nghiệp kết hợp đa mục đích cho phép đơn giảm hóa thủ tục hành chính. Người sử dụng đất kết hợp không phải làm thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất. Đất nông nghiệp được bảo vệ chặt chẽ, người sử dụng đất vào mục đích kết hợp phải bảo đảm yêu cầu không làm mất đi điều kiện cần thiết để trở lại sử dụng đất vào mục đích chính.

Cuối cùng việc sử dụng đất nông nghiệp kết hợp đa mục đích cho phép người sử dụng đất chủ động trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi để sản xuất theo nhu cầu thị trường, sử dụng đất tiết kiệm, hiệu quả nhằm phát huy giá trị cao nhất trên mỗi đơn vị diện tích.

"Có thể nói các quy định của Luật Đất đai đã thể chế hóa các định hướng chính sách về quản lý, sử dụng đất nông nghiệp của Nghị quyết số 18-NQ/TW, là nền tảng pháp lý quan trọng cho người sử dụng đất nông nghiệp phát huy tối đa nguồn lực đất đai, thúc đẩy sản xuất", ông Lê Văn Bình chia sẻ.

 

Xem thêm
Nhiều dự án nhà ở vừa túi tiền ‘trình làng’

Thị trường bất động sản khu vực phía Nam đang có dấu hiệu phục hồi trở lại, khi nhiều chủ đầu tư tung các dự án nhà ở vừa túi tiền ra thị trường.

Đầu tư dự án Khu đô thị hỗn hợp TP Nha Trang hơn 17.330 tỷ đồng

Dự án Khu đô thị hỗn hợp TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa có quy mô sử dụng đất hơn 226 ha thuộc xã Vĩnh Thái và phường Phước Long, TP. Nha Trang.

Danko Riverside: Kỷ lục sống mới, niềm kiêu hãnh của Bắc Giang

Danko Riverside đang từng bước ghi dấu những 'kỷ lục' ấn tượng, góp phần nâng tầm vị thế Bắc Giang trên bản đồ bất động sản Việt Nam.

Kiến nghị điều chỉnh quy hoạch khu đô thị An Phú - An Khánh

TP.HCM vừa có chỉ đạo về việc lập, thẩm định và phê duyệt quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/2000 đối với Khu đô thị An Phú - An Khánh, TP Thủ Đức.

Đề xuất hoạt động cho thuê căn hộ ngắn ngày tại TP.HCM

Sở Xây dựng TP.HCM vừa có văn bản lấy ý kiến về đề xuất mô hình lưu trú ngắn ngày trong nhà chung cư.