| Hotline: 0983.970.780

Nhà nhà treo ảnh Bác Hồ

Thứ Ba 15/09/2015 , 09:14 (GMT+7)

Chỉ cần bước vào trong những ngôi nhà ở xã Trừ Văn Thố, từ cấp 4 đơn sơ, đến những ngôi biệt thự sang trọng, sẽ bắt gặp những hình ảnh của Bác.

Những ngôi nhà ở xã Trừ Văn Thố, huyện Bến Cát, Bình Dương cũng bình thường như hàng trăm ngàn ngôi nhà khác, chỉ khác là bên trong những nếp nhà đơn sơ ấy đều treo những tấm ảnh Bác Hồ trên bàn thờ, trên tường nhà.

Truyền thống

Xã Trừ Văn Thố nằm bên quốc lộ 13 huyền thoại, cách trung tâm TP Thủ Dầu Một 70km. Có thể nói, cả trăm năm nay, nơi đây vẫn luôn là một địa chỉ đỏ, không chỉ của người dân Bình Dương mà còn là của cả dân tộc Việt Nam trong cả 2 cuộc kháng chiến cứu nước.

Một trong những biểu hiện rõ nhất tinh thần ấy là trong những ngôi nhà nhỏ của người dân Trừ Văn Thố, hầu hết đều treo ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Dọc các con đường liên ấp, dưới những tán cao su đều tăm tắp hai bên đường, chỉ cần bước vào trong những ngôi nhà, từ cấp 4 đơn sơ, đến những ngôi biệt thự sang trọng, sẽ bắt gặp những hình ảnh của Bác.

Trong căn nhà cấp 4 nằm dưới tán cao su xanh mướt, ông Trần Văn Tư ở ấp 3 tâm sự: “Mặc dù mấy năm trước, các cán bộ xã có phổ biến Cuộc vận động Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh bằng việc tất cả các hộ dân trong xã sẽ treo ảnh Bác nhưng thực chất, từ trước đó, nhà tôi đã dành một góc trang trọng trên ban thờ, bên cạnh di ảnh của ông nội và bố tôi để treo ảnh của Người rồi”.

Trầm ngâm giây lát, nhấp ngụm trà, ông Trần Văn Tư kể, gia đình ông quê gốc ở ngoài vùng núi Sông Hinh (Phú Yên) nhưng đã vào đây lập nghiệp từ hơn 20 năm trước.

Ban đầu, cuộc sống cũng khá khó khăn nhưng khoảng chục năm lại đây, nhờ có cây cao su, cuộc sống của gia đình ông cũng như nhiều người dân quanh đây đã thực sự thay đổi.

Loại cây công nghiệp với những dòng mủ trắng tinh khiết đã mang đến cuộc sống ấm no và tương lai tươi sáng cho mọi người, nhất là thế hệ trẻ để chúng được học hành tử tế, có một cuộc sống tốt đẹp hơn.

Vì thế, trong lòng mình, ông Tư cũng như hàng trăm người dân tứ xứ khác trên mảnh đất đỏ này luôn tâm niệm rằng, nhờ ơn Đảng và Bác Hồ kính yêu mà cuộc sống của mọi người mới có được ngày hôm nay.

Vì vậy, ngoài việc treo ảnh Bác, ông Tư còn dạy dỗ con cái những câu chuyện giản đơn về cuộc đời và tấm gương vĩ đại của Người. Từ những bài học ấy, ông hi vọng rằng, các con mình sẽ hiểu được để sống tốt hơn, có ích cho cuộc đời.

"Hiện nay, sau khi có thêm 3 đứa cháu cả nội lẫn ngoại, tôi sẽ tiếp tục dạy chúng những bài học làm người giản dị của Hồ Chủ tịch mỗi khi ngồi nhìn tấm ảnh của Người trong những ngày lễ, tết hay dịp đặc biệt nào đó như ngày Quốc khánh, ngày sinh nhật, ngày giỗ của Bác chẳng hạn", ông Tư cho hay.

Răn mình và dạy con cháu

Bà Nguyễn Thị Dần, Bí thư Chi bộ ấp 2, cho biết, xã Trừ Văn Thố có 4 ấp, hầu hết nhà nào cũng treo ảnh Bác. Nhà có điều kiện về không gian thì lập bàn thờ, còn lại đều có ảnh chân dung Bác.

“Mỗi ngày, nhìn lên ảnh Bác, tôi nhìn lại những việc mình đã và đang làm, từ đó làm tốt hơn, làm gương cho con cháu và lồng ghép những bài học của Người trong những lần dạy các cháu học bài.

Mỗi lần dạy các cháu học bài, tôi lại kể cho chúng nghe những mẩu chuyện về Bác. Từ khi treo ảnh Bác trong nhà, hành vi cư xử của các thành viên trong nhà đều nhẹ nhàng, thận trọng hơn”, bà Dần nói.


Hầu hết các gia đình ở xã Trừ Văn Thố đều treo ảnh Bác Hồ

Đến xã Trừ Văn Thố tôi mới hiểu, những ngôi nhà treo ảnh Bác không đơn giản chỉ làm theo phong trào mà trong mỗi nóc nhà ấy đều có những lý do riêng.

“Hiện nay ở xã số gia đình treo ảnh Bác trong nhà đã đạt gần như 100%. Nhiều gia đình khá giả còn làm cả một gian riêng để treo và thờ ảnh Bác. Ngoài những bức ảnh rất đẹp về Bác Hồ, người dân còn đặt thợ điêu khắc làm cả những bức tượng nho nhỏ về Bác để trong gian thờ, như một sự kính trọng vô bờ bến trước những công lao to lớn của Người với đất nước, với quê hương.
Có thể nói, ở Trừ Văn Thố, bất cứ nơi nào có cư dân sinh sống, ở nơi đó đều có sự hiện diện của Bác Hồ. Đây không chỉ là nét đẹp văn hóa mà còn là nét đẹp tinh thần, giúp mọi người ở đây sống hòa thuận, đồng lòng hơn trong những công việc chung”. - Ông Nguyễn Quốc Trụ, Phó Bí thư Đảng ủy xã Trừ Văn Thố.

Như bà Dần là một ví dụ. Bà là người vào vùng cao su miền Đông này lập nghiệp theo diện khai hoang kinh tế mới.

Chỉ có điều, bà Dần quê ở Nghệ An, là đồng hương của Bác Hồ kính yêu nên ngay từ những ngày đầu vào đây lập nghiệp, bà đã treo ảnh Bác trang trọng ngay giữa nhà để giáo huấn con cháu, gia đình phải sống sao cho xứng đáng với tấm gương vĩ đại của Bác Hồ.

Với một người con Nghệ An xa quê như bà, Bác Hồ thật gần gũi và bao dung, như có một sợi dây liên hệ linh thiêng và gần gụi.

Bà Dần còn bảo, hầu hết những người dân quê Nghệ An khi đi xa quê mưu sinh, dù là ở đâu, họ đều có một thói quen là treo ảnh Bác Hồ ở một góc nào đấy trong ngôi nhà của mình, như một nét văn hóa vậy.

Ở trong tâm can những người con xứ Nghệ xa xứ, Bác như là cha là mẹ, là cội nguồn của quê hương.

Với những người dân ở Trừ Văn Thố, dường như việc nhà nhà treo ảnh Bác đã không chỉ làm đẹp cho ngôi nhà của họ mà còn làm đẹp cho tâm hồn mỗi con người.

Nó không chỉ là hành động, là thói quen, là phong trào mà còn là một nét đẹp, là văn hóa của người dân ở đây.

Nhờ hình ảnh Bác Hồ với đôi mắt sáng, nụ cười hiền hòa, mái tóc hoa râm quen thuộc mà những con người lao động ở đây luôn cảm thấy tự hào, chăm chỉ, cần cù hơn với một mong ước giản đơn, sẽ xứng đáng với những điều di huấn của Người trước lúc đi xa.

Chị Vũ Thị Lân, 26 tuổi, một người dân ở ấp 1 chia sẻ: "Tôi quê gốc ở Chơn Thành, Bình Phước, nhưng lấy chồng về đây được mấy năm rồi. Khi mới treo ảnh Bác giữa nhà, mọi người đều thấy sự trang trọng và ý nghĩa.

Nhìn hình ảnh Bác Hồ, ai ai cũng cảm thấy mình phải có trách nhiệm sống đẹp hơn, tốt hơn cũng như làm việc chăm chỉ hơn.

Bản thân tôi thấy, việc treo ảnh Bác trong nhà đặc biệt giúp các thế hệ trẻ sau này hiểu hơn về một phần quá khứ hào hùng của dân tộc cũng như những công lao to lớn mà tiền nhân đi trước đã gây dựng cho chúng ta ngày hôm nay".

Rời xã Trừ Văn Thố, một ý nghĩ đến với chúng tôi rằng, ước gì có thật nhiều, thật nhiều xã nữa, ở khắp mọi vùng miền của Tổ quốc đều treo và thờ ảnh Bác Hồ giống như xã Trừ Văn Thố.

Xem thêm
Nước sạch đổi màu, dân nghi ngờ chất lượng, công ty nói xả cặn

Trà Vinh Nhiều hộ dân cho biết nước sinh hoạt thường xuyên đổi màu, trong khi đại diện công ty cấp nước khẳng định nguyên nhân là do quá trình xả cặn định kỳ đường ống.

Bình luận mới nhất