* Xin cho biết vì sao lạc đà có thể sống và đi lại trên sa mạc nóng bỏng?
Bùi Văn Sa, Bình Gia, Lạng Sơn
Lạc đà thích nghi với đời sống trên sa mạc là do chúng có lớp lông bờm để bảo vệ khỏi cái nóng lạnh trong lúc trời nắng hoặc vào ban đêm trên sa mạc. Hai là, bàn chân chúng có những chiếc đệm móng to kềnh giúp nó đi vững trên con đường gồ ghề sỏi đá hoặc trên lớp cát mềm. Chúng đi trên đệm dầy của gan bàn chân chứ không phải đi trên móng, do đó không bị lún trên cát mềm. Quan trọng hơn là chúng biết cách giữ nước trong cơ thể. Chúng đái rất ít và cho phép thân nhiệt tăng lên nên gián tiếp giảm sự mất nước.
Lạc đà không chảy mồ hôi và cũng mất rất ít nước trong quá trình bài tiết. Ngay cả chất lỏng ở mũi cũng được giữ lại thông qua một khe xuống miệng. Chúng chỉ đổ mồ hôi khi quá nóng. Lỗ mũi có thể khép lại không chỉ để chống cát mà còn giúp ngăn nước bốc hơi khi thở. Các bướu dự trữ đầy mỡ giàu năng lượng nên có thể nhịn đói hàng tuần trên sa mạc. Lạc đà có thể đi trong một thời gian dài trên sa mạc, khi đó trọng lượng của nó sẽ giảm đi khoảng 40%. Nhưng chủ yếu nó sống được trên sa mạc lâu là nhờ cái bướu.
Nước được lưu trữ trong máu của chúng. Điều này cho phép chúng sống được nhiều ngày mà không có nước uống. Mỡ lạc đà sử dụng khi khan hiếm lương thực. Bướu lúc đó sẽ co lại và mềm đi. Đến khi có nước, nó có thể uống được liền một hơi 57 lít nước để bù lại phần chất lỏng bị mất.
* Tại sao sắt có thể biến thành thép?
Phạm Minh Hằng, Hậu Lộc, Thanh Hóa
Thép là hợp kim với thành phần chính là sắt (Fe), cacbon (C) chiếm từ 0,02% đến 2,06% theo trọng lượng, và một số nguyên tố hóa học khác. Chúng làm tăng độ cứng, hạn chế sự di chuyển của nguyên tử sắt trong cấu trúc tinh thể dưới tác động của nhiều nguyên nhân khác nhau.
Số lượng khác nhau của các nguyên tố và tỷ lệ của chúng trong thép nhằm mục đích kiểm soát các mục tiêu chất lượng như độ cứng, độ đàn hồi, tính dể uốn, và sức bền kéo đứt. Thép với tỷ lệ cacbon cao có thể tăng cường độ cứng và cường lực kéo đứt so với sắt, nhưng lại giòn và dễ gãy hơn. Ngày nay có một vài loại thép mà trong đó cacbon được thay thế bằng các hỗn hợp vật liệu khác.
* Rượu vang có từ bao giờ? Có bao nhiêu loại rượu vang chủ yếu?
Nguyễn Thái Hạnh, Tiền Hải, Thái Bình
Danh họa Leonardo da Vinci định nghĩa một cách hoa mỹ: "Rượu vang là những giọt nắng đọng lại thành hương thơm, mật ngọt cho đời”. Thật ra vang là từ chữ vin (Pháp) hay wine (Anh) để chỉ rượu nho lên men và không qua chưng cất. Các loại rượu hoa quả thậm chí cả rượu gạo không chưng cất (rice wine) thì chỉ có nước ta gọi là... rượu vang mà thôi. Rượu vang có từ xa xưa và chưa có thể biết chính xác từ bao giờ.
Các nhà khảo cổ Hy Lạp tìm thấy các vò nậm cách đây trên 5000 năm mà bên trong có cặn rượu vang. Người Ai Cập chứng minh nghề làm rượu vang có từ thời các vua Pharaon, tức là cách đây hơn 6000 năm. Tại vùng Trung Đông và Bắc Phi và tại các nước dọc theo bờ phía đông của Địa Trung Hải người ta nhận biết rượu vang có từ cách đây 6-7 nghìn năm. Các loại rượu vang chính gồm có:
- Vang đỏ: Màu đỏ là từ vỏ của nho đỏ. Đây là rượu ngâm nho cùng với cả vỏ, cuống và hạt. Có rất nhiều loại vang đỏ khác nhau tùy thuộc vào kỹ thuật lên men dài ngắn khác nhau.
- Vang rosé hay vang hồng: Cũng chế tạo từ nho đỏ nhưng chỉ được ngâm với vỏ nho trong vài giờ mà thôi. Chúng được ướp lạnh trước khi uống như với rượu vang trắng.
- Vang trắng: Làm từ loại nho màu xanh nhạt hay vàng. Cũng có thể là vang trắng từ các quả nho đỏ đã tách bỏ vỏ.
- Rượu Sâm banh (Champagne): Làm rượu vang trắng sau đó cho lên men tiếp lần thứ hai trong từng chai rượu để khí CO2 nén vào trong rượu với nồng độ rất cao. Khi mở chai gây tiếng nổ và rượu sủi bọt. Đầu tiên loại rượu này được chế tạo ở vùng Champagne của Pháp và cũng là nơi làm loại rượu này ngon nhất.
- Rượu ngọt: Chế tạo thường từ các loại nho đã quá chín, vỏ nhăn nheo. Rượu có vị khá ngọt. Thuộc loại này có rượu đông đá (ice wine hay eiswein) được chế tạo ở miền bắc nước Đức hay vùng nam Canada. Đợi khi nho đã đông đá mới hái về, rượu chế từ loại nho này có độ rượu 14-15 độ và khá ngọt. Còn có rượu Sauternes thuộc vùng phía nam quận Graves thuộc tỉnh Bordeaux (Pháp). Nho ở đây bị nấm Botrytis tấn công làm vỏ nhăn nheo, thoát bớt nước nên nồng độ đường cao lên và có mùi vị thơm ngon khác thường. Nơi làm ra rượu này nổi tiếng nhất là làng Sauternes.